Bâng khuâng Thành cổ Diên Khánh

Không chỉ là công trình quân sự, Thành cổ Diên Khánh từng là nơi đứng chân các cơ quan hành chính của phủ Diên Khánh thời chúa Nguyễn. Nay mai, thành được trùng tu, tạo dựng không gian văn hóa, kết hợp các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể, sẽ khẳng định thương hiệu du lịch đặc thù của huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Một đoạn bờ thành Diên Khánh.

Một đoạn bờ thành Diên Khánh.

Nguyễn Thị Hồng Tâm, công tác tại Phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn chúng tôi: "Nếu có kế hoạch lên thành, anh đừng ăn sáng ở Nha Trang, để dành bụng lên đó điểm tâm món bánh ướt trứ danh xưa nay. Cứ theo đường 23 tháng 10, đi vô hướng Thành phố Hồ Chí Minh chừng mười cây số, nhìn phía tay trái thấy có cây dầu đôi to lớn là tới".

Ðường rộng và thoáng, chỉ chốc lát, trước mắt chúng tôi đã là cây dầu đôi sừng sững, tiếp đến là một dãy phố, nhà nhà gọi mời bánh ướt. Bánh ướt Diên Khánh làm từ bột gạo tẻ, dẻo, thơm, mỏng như tờ giấy quyến, thoa chút mỡ hành và rắc tôm khô, đậu xanh giã nhuyễn lên trên. Bánh ướt ăn kèm chả lụa với tỏi sẻ. Nói thêm, chả lụa ở đây cũng ngon nức tiếng. Ðiều đặc biệt nữa là nước chấm dùng bánh ướt, ngon khó tả. Bánh mỏng, mỗi đĩa chỉ gắp một đũa nhỏ. Bạn tôi là người ăn khỏe, nên phút chốc anh đã xếp trên bàn cả một chồng đĩa. Chị tráng bánh nhìn cứ tủm tỉm cười. Bánh ướt hấp dẫn là vậy, nhưng giá lại rất bình dân.

Không khó tìm, từ quốc lộ 1A chúng tôi rẽ vào đường Lý Tự Trọng, đi đến cửa Ðông và cửa Tây của thành Diên Khánh. Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, ban đầu, thành Diên Khánh được xây dựng có sáu cửa. Nhưng hiện nay chỉ còn bốn cửa, Ðông, Tây, Tiền và Hậu. Cửa Ðông và Tây thành còn khá nguyên vẹn. Người dân sống trong thành ngày ngày đi qua hai cửa này. Nhiều người đi qua cổng thành còn cúi đầu chào, như nhớ về một thời quá vãng đã xa mang nhiều hoài niệm.

Theo sử sách ghi chép lại, năm 1793 chúa Nguyễn Ánh đem quân đánh chiếm vùng đất Diên Khánh từ nhà Tây Sơn. Thấy nơi đây là địa bàn hiểm yếu, ông quyết định cho xây dựng thành Diên Khánh làm căn cứ vững chắc, vành đai phòng ngự kiên cố. Thành có tổng diện tích khoảng 36 nghìn mét vuông; được kiến trúc theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Tường thành được đắp bằng đất, cao khoảng 3,5m. Phía trên cổng thành có lầu tứ giác; trên cùng là tầng lầu nhỏ có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Bên ngoài thành có hào nước sâu từ ba đến năm mét, rộng từ 20 đến 30m bao quanh, luôn đầy nước từ sông Cái dẫn vào.

Trong thành, thời đó có cột cờ, hoàng cung, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, dinh quan Tham tri, nhà kho và cả nhà lao kiên cố… Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các công trình này cho đến nay đều không còn. Hiện nay, hầu hết các cơ quan hành chính của huyện Diên Khánh được đặt trong thành Diên Khánh. Có một chi tiết rất thú vị, đó là thành Diên Khánh đã từng trở thành tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương tại Khánh Hòa trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Bình Tây đại tướng Trịnh Phong.

Chiều mênh mang gió. Ðứng trên bờ thành nhìn ra xa là làng mạc, phố xá trù phú và đầm ấm. Kiến trúc độc đáo, những đường nét cổ xưa, gạch ngói phủ đầy rêu xanh gợi thật nhiều cảm xúc. Bất giác, tôi nhẩm đọc mấy câu của "Bình Tây cứu quốc đoàn" do Bình Tây đại tướng Trịnh Phong làm thủ lĩnh: "Tiễu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san". Tạm dịch: Giết giặc, trừ gian, làm cho đất nước yên bình; Dấy binh làm việc nghĩa, khôi phục giang sơn.

Truyền thống hằng ghi, sơn hà nguy biến, người dân Khánh Hòa không tiếc máu xương mà ứng nghĩa bảo tồn xã tắc.

Theo thời gian, kiến trúc Thành cổ Diên Khánh bị xuống cấp nặng nề. Cho đến năm 2003, tòa thành được trùng tu, sửa chữa, sơn lại bốn cổng và gia cố một số đoạn tường thành. Năm 2010, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tiến hành dự án tu bổ Khu di tích Thành cổ Diên Khánh. Ðiều đáng mừng là hiện nay, dù đã qua nhiều lần tu sửa, Thành cổ Diên Khánh vẫn giữ được những nét kiến trúc ban đầu. Anh Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết, năm 1988, Thành cổ Diên Khánh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Lãnh đạo tỉnh, địa phương cùng các cơ quan, ban, ngành đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành cổ Diên Khánh. Từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa lập đề án tôn tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử của thành Diên Khánh. Theo đó, nhiều công trình mang dấu tích lịch sử sẽ được phục dựng, tôn tạo như miếu Thánh Phi; cột cờ tại cửa Nam; hành cung và xây dựng phố đi bộ dọc cổng thành, các làng nghề truyền thống của địa phương…

Anh Lê Văn Hoa cho biết thêm, ngày 27/11/2018, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh. Từ góc nhìn của người từng nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, PGS, TS Ðặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, phương thức bảo tồn, phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh tốt nhất chính là hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Bởi nó vừa tận dụng được tài nguyên thiên nhiên, văn hóa địa phương, vừa bảo vệ môi trường di sản và hài hòa lợi ích của người dân trong vùng di sản. Việc làm sống lại di tích Thành cổ Diên Khánh trở thành một sản phẩm, một điểm đến của du lịch sinh thái cộng đồng đòi hỏi cần có sự hợp tác của nhiều bên, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Vấn đề then chốt khi bắt tay vào việc phát huy giá trị của di tích này chính là phải tạo được không gian văn hóa kết hợp ba yếu tố: Cảnh quan thiên nhiên - các di tích lịch sử, văn hóa - các di sản văn hóa phi vật thể.

Trong mạch chuyện về thành Diên Khánh từng là tổng hành dinh của nghĩa quân phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, chúng tôi tìm đến Miếu Trịnh Phong, tọa lạc tại xã Diên An, huyện Diên Khánh. Người cán bộ xã Diên An hướng dẫn tôi: "Anh cứ tới cây dầu đôi, gần ngã ba thành là đúng!". Cây dầu đôi, cùng với Miếu Trịnh Phong từ lâu đã là một địa chỉ phổ biến, ai cũng biết. Ði xe đường dài nam bắc từ xa về, cứ nói cho xuống cây dầu đôi là nhà xe biết liền. Miếu Trịnh Phong ở cạnh cây dầu đôi cổ thụ có hai thân to lớn. Nhiều cụ cao tuổi nhất ở đây khẳng định miếu thờ ngài Trịnh Phong được người dân lập vào năm 1886, còn cây dầu đôi thì đã có rất lâu trước đó, sau này còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử, chẳng hạn như sự kiện quân dân Khánh Hòa chiến đấu 101 ngày đêm trên mặt trận Nha Trang-Khánh Hòa năm 1945 được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Chúng tôi bị cuốn hút bởi câu chuyện về phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Tài trí và đức độ hơn người, đề đốc Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm Bình Tây đại tướng, đứng đầu "Bình Tây cứu quốc đoàn", thống lĩnh nghĩa quân, kêu gọi nhân dân chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trước khí thế của nghĩa quân, quan lại đầu tỉnh trấn nhậm thành Diên Khánh chủ động giao thành và quyền binh cho nghĩa quân cai quản. Tháng 8/1885 quân Pháp đổ bộ cửa sông Cù Huân, Nha Trang. Bình Tây đại tướng Trịnh Phong giao thành Diên Khánh cho ông Lê Nghị trấn giữ, thân chinh trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quân Pháp tại cửa sông Cù Huân, Hòn Thơm, Hòn Ðá Lố… gây cho chúng nhiều thiệt hại. Sau này, làm miếu thờ, người dân địa phương tôn vinh ông bằng một chữ "Thần" đầy quyền uy và kính mến.

Trong câu chuyện với ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được chia sẻ về khó khăn trong việc trùng tu Thành cổ Diên Khánh. Số là năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh với mức đầu tư dự kiến hơn 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng một số quy định của Luật Ðầu tư công có hiệu lực năm 2019 cho nên phải điều chỉnh Nghị quyết. Mãi đến tháng 4/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Thành cổ Diên Khánh, tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025; mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh; góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Diên Khánh nói riêng.

Mới đây, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định tính chất huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống. Theo mục tiêu đó, Thành cổ Diên Khánh chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn trong hệ thống di tích lịch sử, văn hóa địa phương. Khi đó, Thành cổ Diên Khánh nằm trong chuỗi kết hợp phát triển mô hình du lịch văn hóa lịch sử với du lịch sinh thái, hình thành các tuyến du lịch trọng điểm, tạo nên thương hiệu du lịch đặc thù của Diên Khánh-Khánh Hòa.

Trong câu chuyện với những người dân Diên Khánh, chúng tôi nhận ra rằng, Thành cổ Diên Khánh đã trở thành tên gọi của cả một vùng đất rộng lớn thuộc thị trấn Diên Khánh, với những cụm từ nghe bình dị mà thân thương lắm: "nhà ở Thành", "ngã ba Thành", "bánh ướt Thành"… ■

Bài và ảnh: PHONG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bang-khuang-thanh-co-dien-khanh-post739401.html