Bàn về xây dựng thương hiệu nông sản Lào Cai

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp là 'chìa khóa' giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp nông sản Lào Cai vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những năm qua, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm bắt kịp xu thế tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu đã được bảo hộ của thị trường.

Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa không chỉ là tập hợp các yếu tố xác định và phân biệt sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, mà còn thực sự trở thành nguồn vốn, tài sản có giá trị cho phát triển bền vững, giúp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Vương Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội nông sản an toàn tỉnh Lào Cai -

Cũng theo ông Sỹ, bằng sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, HTX và người dân, cơ bản các loại nông sản chủ lực của Lào Cai đã được bảo hộ, giúp các ngành hàng phát triển ổn định, giá trị được nâng lên. Toàn tỉnh hiện đã cấp 393 nhãn hiệu, gồm: 50 nhãn hiệu tập thể, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 326 nhãn hiệu thông thường không mang địa danh và 2 chỉ dẫn địa lý. Trong đó có một số nhãn hiệu nổi tiếng trở thành thương hiệu của tỉnh và trong nước, như: gạo Séng Cù Mường Khương, mận Bắc Hà, su su Sa Pa, tương ớt Mường Khương, lê Bắc Hà, quýt Mường Khương, bò vàng Mường Khương, vịt bầu Nghĩa Đô, miến đao sâm Bát Xát,...; chỉ dẫn địa lý đối với gạo nếp Thẩm Dương Văn Bàn, gạo Séng Cù Mường Vi Bát Xát...; 17 sản phẩm đang trong quá trình xây dựng và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, gồm hồng không hạt Bảo Hà, rau an toàn Bảo Thắng, lợn đen Văn Bàn, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam...

“Việc xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc hữu không chỉ làm gia tăng giá trị đối với các sản phẩm được bảo hộ mà còn giúp hàng hóa có tính cạnh tranh cao” - ông Vương Tiến Sỹ khẳng định.

Minh chứng rõ nét về điều này đó là việc xây dựng thành công thương hiệu Traphacosapa- thương hiệu được xây dựng từ những giá trị cốt lõi gắn với cộng đồng. Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Traphacosapa chia sẻ: Ngay từ khi thành lập, việc đầu tiên công ty xác định phải xây dựng được thương hiệu và cộng đồng được hưởng lợi từ thương hiệu.

Chính vì vậy, công ty đã dành nguồn lực để đầu tư xây dựng thương hiệu, thông qua thuê chuyên gia thiết kế bao bì, màu sắc nhận diện cho sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm Chocolate detox, công ty đã dành 500 triệu đồng để thuê đội ngũ chuyên gia từng làm việc tại Singapore thiết kế bao bì, màu sắc cho sản phẩm.

Với quan điểm như vậy, Traphacosapa đã gặt hái được nhiều thành công với giải thưởng danh giá "Giải thưởng chất lượng châu Á – Thái Bình Dương", là đơn vị duy nhất trong cả nước đến thời điểm này trở thành thành viên của Liên minh Thương mại sinh học có đạo đức (UEBT). Chính những yếu tố này đã thuyết phục một tổ chức của Hà Lan hỗ trợ Traphacosapa xúc tiến quảng bá, đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung.

Hiện Traphacosapa có 40 - 50 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, như: cao mềm actiso Sa Pa, trà phun sương actiso Sa Pa, chè dây Sa Pa, Chocolate detox… Những sản phẩm này được thị trường ưa chuộng, sản lượng cung ứng ngày càng tăng.

Thành công của Traphacosapa chính là sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu và thương hiệu phải mang lại giá trị cho cộng đồng - những người dân bản địa tại Sa Pa có việc làm, thu nhập ổn định.

Bên cạnh các sản phẩm được hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đến nay, toàn tỉnh có 176 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 23 sản phẩm đạt 4 sao và 153 sản phẩm đạt 3 sao. Toàn tỉnh đang duy trì và phát triển 132 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận, trong đó có trên 60 chuỗi nông sản đang cung ứng cho thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Có 328 dòng sản phẩm an toàn thuộc 104 doanh nghiệp, HTX được gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử.

Việc chứng nhận sản phẩm OCOP, xác nhận chuỗi nông sản an toàn, gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử đã góp phần không nhỏ trong công tác minh bạch thông tin, quảng bá thương hiệu nông sản an toàn của tỉnh Lào Cai tới người tiêu dùng.

Mặc dù hầu hết nông sản trên địa bàn đã được bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản phẩm OCOP, xác nhận chuỗi nông sản an toàn, gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử.. nhưng công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Trong đó, một số loại nông sản có tính đặc thù theo mùa vụ, không sản xuất được quanh năm dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng; nguồn nhân lực về xây dựng và phát triển thương hiệu còn thiếu, yếu, chưa đồng đều; nhận thức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh nông sản về lợi ích của việc xây dựng thương hiệu chưa rõ ràng, nên ít quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu…

Bàn về giải pháp xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Vương Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội nông sản an toàn tỉnh cho rằng: Để duy trì và phát triển thương hiệu nông sản Lào Cai, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung phát triển các vùng sản xuất đã được cấp chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; các vùng sản xuất được cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc và thị trường cao cấp khác. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng sản phẩm nông sản mới tiềm năng của tỉnh. Tích cực phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ để duy trì phát triển sản xuất, mở rộng đầu ra, nâng cao chất lượng, uy tín cho sản phẩm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất “sạch” để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu; tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản.

“Việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực ngoài nỗ lực của tỉnh, ngành rất cần sự chung tay của người dân và doanh nghiệp, HTX. Sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, HTX sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, quyết định chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính bền vững của thương hiệu” – ông Vương Tiến Sỹ nhấn mạnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ban-ve-xay-dung-thuong-hieu-nong-san-lao-cai-post382971.html