Bạn trẻ với giáo dục di sản, du lịch – trải nghiệm về nguồn: 'Học mà chơi, chơi mà học'

Thời gian qua, tham quan, trải nghiệm tại điểm di tích, bảo tàng được xem là một 'kênh' hiệu quả góp phần vào việc giáo dục truyền thống, bồi đắp kiến thức lịch sử, văn hóa cho học sinh.

Trường Tiểu học Xuân Hưng (Thọ Xuân) tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại Trung đoàn Không quân 923.

Nếu so với nhiều trường học trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Trường Tiểu học Xuân Hưng còn nhiều khó khăn. Nhưng nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, “về nguồn” - để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh một cách hiệu quả.

Tháng 11/2023, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tại Cảng Hàng không Thọ Xuân và Trung đoàn Không quân 923 (Sân bay Sao Vàng). Đầu tháng 4/2024, nhà trường lại phối hợp với phụ huynh tổ chức cho học sinh khối 4 và 5 tham quan, trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh và đền thờ Lê Hoàn. Trước mỗi chuyến đi, thầy, cô giáo luôn chuẩn bị những nội dung câu hỏi liên quan để học sinh vừa tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu và cả “trả bài”, kiểm tra kiến thức về lịch sử, văn hóa mà học sinh “thu” được trong chuyến đi.

Cô giáo Lê Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hưng, cho biết: Hoạt động trải nghiệm nằm trong chương trình học. Thọ Xuân là huyện có số lượng di sản lớn, diễn ra nhiều sự kiện trong lịch sử, đây là lợi thế rất lớn cho việc tổ chức hoạt động trải nghiệm gắn với môn Giáo dục địa phương. Các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh được tiếp cận với các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý... tốt hơn. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi học sinh.

Cũng theo cô giáo Lê Thị Liên, để tổ chức các hoạt động trải nghiệm - giáo dục di sản bên ngoài nhà trường thì cần có kinh phí và sự đồng thuận, đồng hành của phụ huynh. Do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, đồng thời để đảm bảo an toàn cho học sinh nên các chuyến tham quan học tập tại các di tích, điểm đến thường chỉ diễn ra trong ngày và kinh phí đóng góp không nhiều (hơn 100 nghìn). Vì thế, các hoạt động luôn được đại đa số phụ huynh ủng hộ.

Trong cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, xã biển Hoằng Trường (Hoằng Hóa) nơi “đầu sóng ngọn gió” đã chứng kiến những chiến công vang dội của quân và dân ta. Với âm mưu gây chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm ngăn chặn việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã cho máy bay, tàu chiến điên cuồng ném bom, bắn phá vùng trời, vùng biển của ta. Những ngày tháng ấy, cửa Lạch Trường bên bờ biển xứ Thanh thực sự “dậy sóng”. Nhưng trong cuộc chiến tưởng chừng không cân sức ấy, lực lượng dân quân xã Hoằng Trường đã phối hợp với hải quân, công an cùng nhau hợp đồng tác chiến, bắn rơi 2 máy bay của đế quốc Mỹ trên cửa Lạch Trường, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, ngày 5/8/1964.

Sau 60 năm, cửa Lạch Trường ngày nào giờ đã “thay da đổi thịt”, Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng và Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam bên cửa Lạch Trường đã trở thành điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp kiến thức lịch sử cho bạn trẻ.

Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Thanh Hóa tham quan tại Bảo tàng tỉnh.

Tại đây, thường xuyên có học sinh các trường học ở trong và ngoài huyện về tham quan, tìm hiểu, học tập. Chị Nguyễn Thị Thủy - công chức văn hóa xã hội xã Hoằng Trường, thường thuyết minh, giới thiệu cho các đoàn học sinh tham quan tại Đài chiến thắng trận đầu và Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng, cho biết: “Các đoàn học sinh về tham quan chủ yếu là học sinh tiểu học và THCS. Có những trường, trong 1 năm tổ chức 4 đợt cho học sinh về đây tham quan, trải nghiệm, giáo dục lịch sử. Điều này cho thấy, việc giáo dục lịch sử thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế đã đạt được kết quả thiết thực. Khi được nghe chuyện kể về các Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng năm xưa bắn rơi máy bay của đế quốc Mỹ, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc Việt Nam, các bạn nhỏ rất hào hứng, thích thú. Nhiều em còn cẩn thận ghi chép lại. Việc trải nghiệm, tham quan tại di tích, điểm đến cũng là cách để bạn trẻ có cơ hội được “tiếp cận” lịch sử một cách chân thực hơn”.

Trong số các địa điểm tham quan, học tập, trải nghiệm, giáo dục di sản hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cũng là điểm đến chứa đựng nhiều giá trị. Ngày cuối tuần, ghé thăm Bảo tàng tỉnh để “nghe hiện vật kể chuyện”, tôi tình cờ gặp đoàn tham quan đến từ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Thanh Hóa. Tại đây, những cô cậu học trò chăm chú lắng nghe thuyết minh viên bảo tàng giới thiệu về cầu Hàm Rồng trong những tháng ngày bom đạn bắn phá ác liệt; những tấm gương anh hùng liệt sĩ quê Thanh đã hiến dâng mình cho Tổ quốc; về chiếc xe đạp thồ tải lương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; đến những hiện vật trống đồng thời kỳ Văn hóa Đông Sơn... Mỗi phòng trưng bày được bài trí theo nội dung, chuyên đề khác nhau, thuận tiện cho học sinh tham quan, tìm hiểu.

Vốn yêu thích lịch sử, em Nguyễn Thế Lương, học sinh lớp 12A1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Thanh Hóa, chia sẻ cảm nhận: “Nghe thuyết minh về các hiện vật tại bảo tàng, em thấy như mình đang “lật” từng trang sử sinh động, thật sự rất thú vị. Tại đây, em có điều kiện hiểu hơn về lịch sử, nền văn hóa cổ xưa, phát hiện được nhiều kiến thức rất thú vị không có trong sách”.

Bà Bùi Thị Thu An, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Thanh Hóa dẫn đoàn học sinh tham quan tại bảo tàng cũng chia sẻ: “Ở trung tâm, việc giáo dục truyền thống, lịch sử, di sản văn hóa được lồng ghép vào chương trình học, thông qua các tiết học Giáo dục địa phương. Tôi cho rằng, việc tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm là cần thiết. Phải lấy học sinh làm trung tâm của chương trình, từ đó chọn địa điểm cũng như cách tổ chức phù hợp để có những buổi trải nghiệm - tham quan, học tập thành công, mang lại hiệu quả thiết thực”.

Về việc giáo dục di sản, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm trong nhà trường, ông Trịnh Trọng Nam, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Giáo dục di sản, tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại các di tích, điểm đến lịch sử là điều cần thiết, góp phần quan trọng vào việc khơi dậy niềm đam mê, hứng khởi và tự hào của bạn trẻ với văn hóa, lịch sử. Quan trọng là cách thức tổ chức như thế nào để phù hợp. Mỗi nhà trường cần có sự chọn lọc địa điểm phù hợp với đối tượng tham quan - gắn liền với nội dung học tập. Bởi mục tiêu cuối cùng của các hoạt động trải nghiệm, tham quan - “về nguồn” chính là để học sinh hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ban-tre-voi-giao-duc-di-san-du-lich--trai-nghiem-ve-nguon-nbsp-hoc-ma-choi-choi-ma-hoc-30818.htm