Bản tin 19/10: Tp.HCM muốn miễn học phí cho học sinh công lập từ năm 2025

Tp.HCM muốn miễn học phí cho học sinh công lập từ năm 2025; Đã ghi nhận hơn 100.000 ca tay chân miệng, cần chú ý dấu hiệu bệnh trở nặng...

Tp.HCM muốn miễn học phí cho học sinh công lập từ năm 2025

Ảnh minh họa.

Theo Nhà báo & Công luận, tại buổi làm việc giữa Thường trực UBND Tp.HCM và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố vừa qua, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đã đề cập tới kế hoạch miễn học phí cho học sinh trên địa bàn.

"Đến 2025, Tp.HCM có chính sách miễn học phí cho học sinh thì đây là điều mà chúng ta rất mong muốn. Thành phố sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này, trên cơ sở cân đối ngân sách thành phố, theo quy định hiện hành", Chủ tịch UBND Tp.HCM bày tỏ.

Hiện, chỉ có bậc tiểu học ở thành phố được miễn học phí theo Luật Giáo dục. Tùy cấp học, từ năm học 2022-2023, Tp.HCM áp dụng mức thu mỗi tháng từ 100.000-300.000 đồng. Mức này tăng mạnh so với các năm trước, chênh lệch từ 70.000-240.000 đồng.

Tuy nhiên, so với khung của Nghị định 81 về cơ chế thu chi học phí, mức thu của Tp.HCM thuộc nhóm thấp nhất. Thành phố đã chi ngân sách hơn 1.500 tỷ đồng hỗ trợ học phí để mức đóng thực tế của phụ huynh không tăng so với năm trước đó.

Từ năm 2015 đến nay, Tp.HCM luôn áp dụng mức học phí thấp nhất theo khung do Chính phủ quy định. Riêng năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của Covid-19, Tp.HCM miễn, hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh với kinh phí cấp bù khoảng 960 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Mãi thông tin thêm, hiện tại, ngành giáo dục và các ngành có liên quan đang triển khai đề án 4.500 phòng học. Đây là một trong những công trình, đề án hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Đã ghi nhận hơn 100.000 ca tay chân miệng, cần chú ý dấu hiệu bệnh trở nặng

Bệnh nhân thăm khám tại Bệnh viện Nhi TW.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, trong tuần 39/2023 cả nước ghi nhận 7.048 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. So với tuần trước đó, số mắc tăng 3,8%. Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.

Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần tuần 38 Hà Nội có 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).

Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Cụ thể, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Tại Tp.HCM, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại từ đầu năm đến nay khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, Tp.HCM đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm Quận Bình Tân, Huyện Nhà Bè và Huyện Bình Chánh. Hiện Thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại Tp.HCM.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Theo đánh giá của các chuyên gia thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng.

Theo ThS. Đỗ Thị Thúy Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TW, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ cần chú ý:

Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).

Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Tự cắt trĩ tại nhà, 2 bệnh nhân mắc uốn ván

Thông tin trên Kinh tế & Đo thị, bệnh nhân thứ nhất là ông Đ.V.N. , 53 tuổi ở Hòa Bình. Ông N. có tiền sử khỏe mạnh. Tuy nhiên, trước khi nhập viện một tuần ông N. có nhờ người quen tự cắt trĩ tại nhà. Sau cắt trĩ, ông xuất hiện tình trạng cứng hàm tăng dần, khó nói, khó nuốt, khó há miệng, ăn uống kém.

Ông N. nhập viện tại địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván. Do tình trạng bệnh nặng, ông được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng co giật, cứng hàm và được chẩn đoán uốn ván toàn thể. Hiện tại bệnh nhân đang được an thần, thở máy.

Bệnh nhân thứ 2 là bà P. T. N., 68 tuổi ở Sơn La. Trước khi nhập viện, bà N. bị ngã ở chuồng lợn. Bà bị bầm tím, xây xát da vùng mông. Mặc dù có các vết thương hở nhưng bà không xử trí các vết thương. 3 ngày sau đó, bà N. xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, sốt cao, xuất hiện cơn co cứng, co giật toàn thân.

Bà được gia đình đưa đến nhập viện tại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán mắc bệnh uốn ván. Tại đây, bà được mở khí quản cấp cứu, an thần, thở máy. Tuy nhiên tình trạng sốt, co giật không thuyên giảm và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng an thần thở máy qua Nội khí quản. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bà được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, uốn ván toàn thể.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, uốn ván là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào.

Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, đinh dâm, xước da, dập móng, ngoáy tai, xỉa răng, bấm lỗ tại… hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn giao thông, gãy xương hở, bỏng sâu… thậm chí có thể gặp khi nạo thai, sau mổ đường tiêu hóa, cắt trĩ, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn…

Bệnh uốn ván có thể gặp trên toàn cầu, ở mọi lứa tuổi, có thể quanh năm, đặc biệt ở những quốc gia phát triển nông nghiệp, điều kiện vệ sinh kém. Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vaccine phòng uốn ván đều có thể bị bệnh.

Qua đó, các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh uốn ván nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể tiến triển nhanh sang tình trạng co cứng, co giật toàn thân, suy hô hấp, ngưng thở. Điều trị các ca uốn ván nặng cũng đòi hòi quá trình chăm sóc tích cực, thở máy kéo dài, nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, cách thức phòng ngừa uốn ván tốt nhất vẫn là tiêm vaccine dự phòng và xử lý đúng cách đối với các vết thương có nguy cơ nhiễm vi trùng uốn ván.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-1910-tphcm-muon-mien-hoc-phi-cho-hoc-sinh-cong-lap-tu-2025-a631679.html