Bàn thêm về quan hệ giữa thơ và nhạc

Trên VNCA số 658 phát hành ngày 8/6/2023 đã có bài 'Thơ phổ nhạc có lợi ích gì cho nhà thơ?' nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới văn chương lẫn giới âm nhạc. Đồng thời, nhiều người cũng bày tỏ băn khoăn về giải pháp cụ thể để hài hòa quan hệ giữa thơ và nhạc trong các ca khúc phổ thơ. Vì vậy, chúng tôi xin tiếp tục bàn thêm ở góc độ bao quát hơn.

Thơ phổ nhạc từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa. Thơ phổ nhạc có sự cộng hưởng giữa nhà thơ và nhạc sĩ, nhưng mối quan hệ giữa thơ và nhạc không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Và công chúng không thể không băn khoăn, khi tác phẩm thơ phổ nhạc đạt được một giải thưởng danh giá thì quyền lợi vật chất và tinh thần của mỗi bên sẽ được giải quyết như thế nào. Nghệ thuật đòi hỏi sự cống hiến. Đúng, nhưng nghệ thuật cũng liên quan đến bản quyền và cách ứng xử của người sáng tạo. Đã có nhiều luận bàn sôi nổi về sự đồng cảm để có tác phẩm thơ phổ nhạc, nhưng ở một góc độ nào đó, cũng có không ít rắc rối đồng sàng dị mộng khi tách bạch thơ và nhạc.

Nhà thơ Hoài Vũ.

Nhà thơ Hoài Vũ.

Sở dĩ, vấn đề thơ phổ nhạc được nhắc lại nóng bỏng hơn, vì có đến 10 nhạc sĩ vừa nhận Giải thưởng Nhà nước với tác phẩm có ca từ dựa trên bài thơ của người khác. Trong số những tác phẩm thơ phổ nhạc vừa được trao Giải thưởng Nhà nước cũng có những ca khúc ít người biết thôi, nhưng cũng có những ca khúc rất quen thuộc như "Huế tình yêu của tôi" phổ thơ Đỗ Thị Thanh Bình, "Em đi giữa biển vàng" phổ thơ Nguyễn Khoa Đăng, "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" phổ thơ Lai Vu, "Tia nắng hạt mưa" phổ thơ Lệ Bình hoặc "Tổ quốc gọi tên mình" phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Tuy nhiên, dù mức độ lan tỏa như thế nào, khi đã được trao Giải thưởng Nhà nước thì tác phẩm thơ phổ nhạc không thể không nhắc đến đóng góp của các nhà thơ. Theo quy định, Giải thưởng Nhà nước có kèm tiền thưởng bằng 150 hệ số lương cơ bản. Nghĩa là, nếu áp dụng hệ số lương cơ bản mới (1,8 triệu đồng) thì mỗi Giải thưởng Nhà nước được hơn 250 triệu đồng. Khởi phát cảm hứng sáng tạo từ bài thơ của người khác để có thành tựu, thì các nhạc sĩ cũng nên có sự ứng xử đúng đắn và văn minh. Đừng vô tình hoặc cố ý lãng quên các nhà thơ. Nếu không chia tiền thưởng cho các nhà thơ, thì cũng nên gọi điện thông báo tin vui và cảm ơn họ một tiếng. Trường hợp nhạc sĩ nào được truy tặng Giải thưởng Nhà nước, thì con cháu người quá cố cũng nên thay mặt cha anh mình mà có động thái thiện chí tri ân các nhà thơ.

Ở đây xin lưu ý, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước không trao tặng chung chung cho cả sự nghiệp của tác giả, mà căn cứ trên tác phẩm cụ thể. Có những tác phẩm thơ phổ nhạc nổi tiếng nhưng lại không nằm trong danh sách được trao tặng giải thưởng. Ví dụ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 với các tác phẩm "Đoàn vệ quốc quân", "Tình trong lá thiếp", "Thuyền và biển", "Những ánh sao đêm" và "Bóng cây Kơ Nia". Vì sao ca khúc "Anh ở đầu sông em cuối sông" rất phổ biến lại không đưa vào danh sách các tác phẩm được trao tặng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu? Đây là một sự cân nhắc hợp lý của hội đồng giám khảo. Bởi lẽ, những câu thơ "Anh ở đầu sông, em cuối sông/ Uống chung dòng sông nước Vàm Cỏ Đông" được mô phỏng theo mấy câu thơ "Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy" của nữ sĩ Lương Ý Nương bên Trung Quốc. Động thái trên cho thấy, bản quyền thơ rất được xem trọng khi xét tặng giải thưởng danh giá cho thơ phổ nhạc.

Thói quen nhiều người thường nắc nỏm nhạc chắp cánh cho thơ, nhưng ít ai nghiêm túc ghi nhận thơ tạo bệ phóng cho nhạc. Thực tế, bài thơ được phổ nhạc chưa hẳn là bài thơ hay, nhưng ít nhất trên cái nền bài thơ thì ca khúc cũng đỡ rơi vào cảnh đơn điệu viết về thứ gì thì thứ đó ơi. Ví dụ, công ty ơi, xí nghiệp ơi... Nhạc sĩ càng có tài viết ca khúc càng thấy giá trị của thơ, và khôn khéo tìm thơ phù hợp với phong cách cá nhân để phổ nhạc. Những nhạc sĩ nổi tiếng mà không phổ thơ hoặc ít phổ thơ đều là những người đã là nhà thơ trước khi viết ca khúc, ví dụ như Văn Cao hoặc Trịnh Công Sơn.

Thơ phổ nhạc được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chia tỉ lệ bản quyền 3/7, thơ được 3 phần còn nhạc được 7 phần. Cách chia này dù hơi lấn cấn nhưng cũng tạm an ủi sự nhọc nhằn của các nhà thơ. Bởi lẽ, có những bài thơ nhờ âm nhạc mà được công chúng biết đến như lời thơ "Thuyền viễn xứ" của Huyền Chi qua âm nhạc Phạm Duy. Thế nhưng, ngược lại, có không ít ca khúc thơ phổ nhạc chủ yếu trông cậy vào lời thơ, vì giai điệu và tiết tấu chỉ giống như một tổ hợp âm thanh ồn ào không mấy êm tai. Vậy thì, khi giải thưởng danh giá trao cho ca khúc thơ phổ nhạc, sao lại không tính đến quyền lợi của nhà thơ? Chưa cần kể đến những nhà thơ thường thường bậc trung, mà ngay những nhà thơ trưởng lão cũng bị đứng bên lề khi ca khúc thơ phổ nhạc được tôn vinh. Chẳng hạn, nhà thơ Hoài Vũ có bài thơ "Chia tay hoàng hôn" trong chùm ca khúc được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 của nhạc sĩ Thuận Yến và bài thơ "Vàm Cỏ Đông" trong chùm ca khúc được Giải thưởng Nhà nước năm 2006 của nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhưng ông không hề được "chia sẻ" chút niềm vui nào từ người phổ nhạc.

Tương tự, kiến trúc sư Vũ Kỳ Hạnh là con trai của nhà thơ Hải Như cho biết, lúc sinh thời cha mình dù không màng danh lợi gì nhưng cũng thắc mắc, lời thơ Hải Như viết trong ca khúc "Như hoa hướng dương" giúp nhạc sĩ Tô Vũ được Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và lời thơ Hải Như trong ca khúc "Thành phố hoa phượng đỏ" giúp nhạc sĩ Lương Vĩnh được Giải thưởng Nhà nước năm 2007, nhưng tác giả ca từ lại chịu thân phận kẻ ngoài cuộc.

Nhà thơ Mô Lô Y Choi.

Nhà thơ Mô Lô Y Choi.

Rõ ràng, niềm riêng của nhà thơ đang khá éo le khi thơ phổ nhạc được giải thưởng danh giá. Tại sao không có cách ứng xử mạch lạc hơn đối với thơ phổ nhạc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi trao giải thưởng hàng năm, đã có phương pháp khá hay. Đối với ca khúc thơ phổ nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia giải thưởng theo tỉ lệ tương tự Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Nghĩa là, tiền thưởng 10 triệu đồng, thì nhạc sĩ được 7 triệu đồng và nhà thơ được 3 triệu đồng. Đồng thời, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng trao thêm một giấy chứng nhận giải thưởng cho tác giả ca từ. Tại sao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước không thực hiện giống như Hội Nhạc sĩ Việt Nam khi tôn vinh sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc?

Với những nhà thơ tài danh thì chuyện thơ phổ nhạc ra sao không phải quá bận tâm, và họ cũng không gắt gỏng đòi danh lợi gì. Thế nhưng, một xã hội văn minh cần tôn trọng bản quyền. Thơ phổ nhạc thì nên vinh danh cả nhạc sĩ lẫn nhà thơ. Bởi lẽ, có những nhà thơ sống lặng lẽ nơi vùng sâu vùng xa thì cả đời chỉ có được một bài thơ phổ nhạc để lấy làm hạnh phúc và vinh dự. Xin kể về nhà thơ Mô Lô Y Choi để cùng nhau suy ngẫm. Nhà thơ Mô Lô Y Choi sinh năm 1930 tại Buôn Thinh, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Người dân địa phương vẫn thường gọi nhà thơ Mô Lô Y Choi là Ma Luê (cha của thằng Luê). Năm 1954, Mô Lô Y Choi rời quê nhà tập kết ra Bắc và học Trường Sư phạm miền núi Trung ương, sau đó tiếp tục được đào tạo khóa học lý luận phê bình văn nghệ do Bộ Văn hóa tổ chức. Năm 1962, Mô Lô Y Choi về làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc.

Mùa hè năm 1965, nghe qua Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh không khí đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên hăng hái vót chông để đánh giặc, Mô Lô Y Choi nhớ người vợ Ksor H'Đô nơi rừng núi Sông Hinh cũng đang ngày đêm dự phần vào cuộc kháng chiến ấy. Mô Lô Y Choi chong đèn ngồi viết bài thơ "Cô gái vót chông". Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013) đã đọc được bài thơ "Cô hái vót chông" trên Báo Văn nghệ và phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng. Khi nghe tin "Cô gái vót chông" nằm trong chùm 6 tác phẩm mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, nhà thơ Mô Lô Y Choi nghỉ hưu ở quê nhà đã bày tỏ: "Cái bằng chứng nhận có ghi tên của tôi không? Làm sao tôi có được một bản sao của bằng chứng nhận để làm kỷ niệm?". Và nhà thơ Mô Lô Y Choi đã mang theo mơ ước giản dị ấy về cõi khác vào năm 2017.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ban-them-ve-quan-he-giua-tho-va-nhac-i699310/