'Bàn tay vàng' làm nên sung túc

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chị Vi Thị Phượng, người dân tộc Thái, công nhân Đội 1 (Chi nhánh 716, Binh đoàn 15) không dám nghĩ sau 20 năm gắn bó và tận hiến với vùng biên giới xã Ia Đal (huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) lại gặt hái trái ngọt. 'Đúng là đất không phụ công người', chị Phượng chia sẻ câu chuyện có hậu của mình.

Chị Vi Thị Phượng luôn tích cực, tự giác học hỏi cấp trên, đồng nghiệp để nâng cao trình độ tay nghề.

Mặc dù đã được người thân giới thiệu về công việc của người công nhân cao su và điều kiện sống ở khu vực biên giới Ia Đal, nhưng ngày đầu đặt chân đến đây, chị Phượng vẫn bị sốc với những thiếu thốn đủ bề. Giữa bạt ngàn rừng cao su, nơi đây không có điện, không đường, không chợ và cũng không khu dân cư. Nhưng với suy nghĩ lạc quan, cùng sức trẻ, lòng nhiệt huyết cùng sự đồng hành của các tổ chức đoàn thể, đồng nghiệp ở Đội 1, chị đã nhanh chóng lấy lại niềm tin, khí thế để xây dựng cuộc sống mới.

Sau một năm làm công nhân của Đội 1 chị bén duyên với anh Nguyễn Văn Chương, người Yên Bái. Anh Chương được nhận vào làm công nhân Đội 1 trước chị Phượng một năm nên có nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác trồng, chăm sóc cây cao su. Nhờ đó, chị Phượng nhanh chóng được tiếp cận với kiến thức về cây cao su. Sẵn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi chị tiếp thu nhanh các kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây cao su và trở thành một thợ giỏi, vượt trội hơn những đồng nghiệp khác.

Chị Vi Thị Phượng nhập mủ cao su.

Năm 2017, ngay trong lần đầu tiên Chi nhánh 716 tổ chức “Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su”, chị Vi Thị Phượng được Đội 1 tin tưởng cử tham gia hội thi và giành danh hiệu “Bàn tay vàng”. Đây là danh hiệu cao nhất, một vinh dự mà công nhân cạo mủ nào cũng mơ ước và đó là động lực để chị phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn.

Bằng kinh nghiệm, kiến thức, cùng với sự động viên, cổ vũ của “hậu phương” đã giúp chị Phượng liên tiếp gặt hái được kết quả ấn tượng sau đó. Năm 2018, chị đoạt giải nhì “Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su cấp Binh đoàn 15”; 5 năm liên tục từ năm 2017 đến năm 2022 chị được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vào năm 2020, cùng nhiều phần thưởng khác...

Thiếu tá Dương Kim Tuấn, Giám đốc Chi nhánh 716 nhận xét: “Chị Vi Thị Phượng là một công nhân xuất sắc của đơn vị, luôn đạt thang điểm cao nhất trong thang điểm kỹ thuật. Vườn cây do chị Phượng phụ trách luôn được chăm sóc tốt, mặt cạo đều, sản lượng năm nào cũng vượt cao. Không chỉ có tay nghề giỏi mà chị còn có trách nhiệm cao, hết lòng vì tập thể. Chị thường xuyên cùng với cán bộ Đội 1 và những thợ có tay nghề giỏi bồi dưỡng, giúp đỡ thợ mới, thợ tay nghề trung bình và yếu, góp phần để Đội 1 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Chị Vi Thị Phượng gắn mái che bạt trên thân cây.

Định cư ở thôn Ia Đer, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, ngoài làm công nhân khai thác mủ cao su cho Chi nhánh 716, gia đình chị Phượng còn tận dụng bờ lô hợp thủy để tăng gia sản xuất, “lấy ngắn nuôi dài”, tích lũy nguồn vốn từng bước phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, gia đình chị đã có vườn cây lên đến 4,6ha, gồm 2,5ha cây điều và 2,1ha cây cao su, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. “Đến giờ, tôi vẫn không dám tin mình lại yêu cây cao su và yêu mảnh đất này đến như vậy. Mọi thứ hôm nay tôi có như: Danh hiệu “Bàn tay vàng”, công nhân tiêu biểu, xuất sắc, kinh tế khá giả, gia đình hạnh phúc và được lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp, bà con lối xóm quý mến đều từ vùng đất gian khó này”, chị Vi Thị Phượng hạnh phúc nói.

Bài và ảnh: SƠN TÙNG - VĂN VĨNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ban-tay-vang-lam-nen-sung-tuc-776559