'Bàn tay sắt' của HLV Philippe Troussier

Với HLV Troussier, chẳng có ai là ngôi sao, thành tích của tập thể luôn được đặt lên hàng đầu.

Tại những đội bóng từng dẫn dắt, ông thẳng tay loại những cái tôi đi ngược lại lợi ích chung. Và với đội tuyển Việt Nam, cuộc sàng lọc lạnh lùng nhưng cần thiết cũng đang được ông thực hiện.

Sẵn sàng chia tay công thần

Với HLV Philippe Troussier, không cầu thủ nào là không thể đụng đến. Ảnh: VFF

Năm 1997, ở thời điểm nhiều cầu thủ hiện tại của đội tuyển Việt Nam còn rất nhỏ hoặc thậm chí chưa ra đời, HLV Philippe Troussier đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia Nigeria hướng tới VCK World Cup 1998.

Khi đó, Jay Jay Okocha là cầu thủ nổi tiếng nhất của đội tuyển quốc gia châu Phi này. Thậm chí, quyền lực và tiếng nói của Okocha trong phòng thay đồ được nhìn nhận là ngang ngửa với nhiều thành viên trong Ban huấn luyện khi ấy. Thế nhưng, ông Philippe Troussier không vì thế mà nhún nhường.

Thậm chí, nhà cầm quân người Pháp còn thẳng tay đẩy siêu cầu thủ này lên băng ghế dự bị. Lý do được ông chia sẻ một cách thẳng thắn: “Tôi muốn tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ khát khao và có kỷ luật thi đấu hơn”.

Nigeria dưới “bàn tay sắt” của Troussier đã vào được VCK World Cup 1998 tại Pháp. Nhưng có lẽ, xung đột một phần nào đó đến từ Okocha đã khiến vị HLV cá tính này phải rời đội tuyển trước khi World Cup bắt đầu.

Nhưng tiếng tăm và tài năng của Troussier đủ lớn sau đó để khiến nhiều đội tuyển “trải thảm đỏ” mời ông. Sau cùng tại World Cup 1998, Troussier vẫn hiện diện với tư cách HLV trưởng đội tuyển Nam Phi.

Lại nói đến câu chuyện “trị sao” và chọn lựa ngôi sao, Troussier từng chỉ trích thẳng thừng Hidetoshi Nakata, cầu thủ Nhật Bản thuộc diện tiên phong ra nước ngoài chơi bóng. Cầu thủ này khi ấy đã xin được rời đội tuyển Nhật Bản sớm để trở về giúp AS Roma đua tranh danh hiệu tại Serie A năm 2001.

Hành động ấy của Nakata đã đóng sập cánh cửa cho chính anh trên tuyển Nhật Bản, khi Troussier vẫn đang là HLV của đội bóng xứ phù tang. Ngược lại, Troussier lại đề cao hai lão tướng không nổi danh bằng là Masashi Nakayama cũng như Kazu Miura.

Đề cao nỗ lực và khát khao cống hiến

Ông cho rằng, khát khao cống hiến và nỗ lực thi đấu mới là thứ giá trị cao đẹp đối với cầu thủ. Bất cứ ai muốn cống hiến cho tập thể, cho CLB hay ĐTQG đều phải giảm đi cái tôi để phục vụ cho thành tích chung của toàn đội bóng.

Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier cũng không là ngoại lệ. Trước khi chiến lược gia người Pháp cầm quân, nhiều tuyển thủ đã vươn tầm trở thành ngôi sao, công thần nhờ vào những thành tích đóng góp cho bóng đá nước nhà.

Nhưng với HLV Troussier, đó là những câu chuyện quá khứ. Giờ là lúc mà ông cùng bóng đá Việt Nam hướng tới tương lai, với giấc mơ và hoài bão mang tầm World Cup.

Troussier cũng vì thế mà sớm thể hiện thông điệp cứng rắn đối với các tuyển thủ. Đó là hoặc tuân thủ đấu pháp và triết lý của ông. Hoặc phải nói lời chia tay đội tuyển.

Bên cạnh đó, trong những chia sẻ với báo giới xoay quanh danh sách tuyển quân, HLV Troussier cũng thẳng thắn nói về trường hợp Quang Hải, Công Phượng - những cầu thủ không được thi đấu đỉnh cao xuyên suốt vài tháng ở nước ngoài: “Nếu dựa vào tiêu chí đề ra thì Quang Hải chưa xứng đáng lên đội tuyển Việt Nam. Công Phượng cũng vậy.

Ngay cả một số cầu thủ được thi đấu nhiều ở CLB nhưng phong độ không tốt cũng chưa xứng đáng được triệu tập.

Nếu như phải rút gọn danh sách xuống còn 20-23 cầu thủ như khi bước vào các giải chính thức thì ở thời điểm này họ không có cơ hội.

Nhưng ở đợt tập trung này, tôi muốn thử nghiệm, làm quen với cầu thủ. Ngược lại, cầu thủ cũng phải hiểu lối chơi của tôi. Tôi muốn tạo cơ hội tối đa cho tất cả các cầu thủ”.

Buổi ngoại khóa vắng bóng chiếc điện thoại

Tuyên bố thẳng, thật của ông Troussier khiến Công Phượng, Quang Hải - những cầu thủ con cưng của HLV Park Hang-seo trước đây phải nỗ lực nhiều hơn, trong bối cảnh vị thế của họ không còn chắc chắn như trước.

Ông Jeronimo Mauro - HLV PVF-CAND và trước kia là cộng sự của ông Troussier chia sẻ, HLV Troussier luôn đề cao sự chặt chẽ và hoàn hảo trong tập luyện chuyên môn. Mọi thứ phải chuẩn chỉnh và diễn ra theo một kế hoạch rõ ràng. “Những tình huống ghi bàn của U23 Việt Nam tại SEA Games 2023 là điển hình, kết quả của những kế hoạch tập luyện nghiêm túc như thế, ông Jeronimo Mauro nói.

“Không có ngôi sao nào trong tập thể đội tuyển Việt Nam. Chúng tôi phải thi đấu vì màu cờ sắc áo của tập thể. Với tôi, không quan trọng cái tên hay số áo ở sau lưng. Bởi ngôi sao trên ngực của đội tuyển Việt Nam mới là giá trị lớn lao duy nhất”, tiền vệ Nguyễn Quang Hải sớm thấm nhuần triết lý và quan điểm của HLV Troussier.

Thực tế, trong những ngày tập luyện đầu tiên dưới thời nhà cầm quân người Pháp, Quang Hải năng nổ, nỗ lực đáp ứng yêu cầu từ phía ông Troussier và các trợ lý.

Gác lại hình ảnh một chiến thần từng làm nên thành công cho bóng đá Việt Nam ở giai đoạn 2018 - 2022, hay cái mác thi đấu tại Pháp cho Pau FC ở mùa giải vừa rồi, Quang Hải như bao cầu thủ bình thường, phải cố gắng trong từng buổi tập với hy vọng giành lấy vị trí trong màu áo đội tuyển.

Cũng chính vì thế mà trong cuộc họp báo trước trận đấu với Hong Kong (TQ), HLV Troussier không giấu nổi sự hài lòng khi Quang Hải đáp ứng được yêu cầu. Vị HLV 68 tuổi cũng tỏ ra vui vẻ khi hai cầu thủ hội quân muộn nhất là Văn Toàn và Công Phượng nhanh chóng hòa nhập nhanh với toàn đội.

“Họ có thể tập trung muộn với đội bóng. Nhưng xuyên suốt thời gian trước đó, những câu hỏi xoay quanh cách tập luyện dưới thời HLV Troussier đã được Văn Toàn, Công Phượng hỏi han anh em cầu thủ trong đội. Họ rất muốn đẩy nhanh quá trình hòa nhập, dưới sự dẫn dắt của HLV mới”, trung vệ Quế Ngọc Hải chia sẻ về ý thức của các tuyển thủ.

Có một điều thú vị khác xoay quanh HLV Troussier. Đó là bên cạnh tính kỷ luật ở trên sân tập, ông cũng đề cao sự nghiêm túc trong sinh hoạt tập thể.

Ở buổi ngoại khóa dưới sự tư vấn của giảng viên UEFA, một hình ảnh hiếm thấy của đội tuyển Việt Nam xuất hiện.

Các cầu thủ nghiêm túc lắng nghe giảng viên trao đổi. Không một tiếng xì xào nói chuyện, không làm việc riêng. Đặc biệt là tất cả những chiếc điện thoại trên bàn của tuyển thủ Việt Nam đã “biến mất” vào lúc đó.

Hỏi ra mới biết, HLV Troussier yêu cầu các học trò phải đề cao ý thức kỷ luật tối đa, ngay cả trong sinh hoạt ngoại khóa. Việc tôn trọng người thuyết trình, thẩm thấu kiến thức quản trị bóng đá cũng là cách thể hiện phong thái chuyên nghiệp của tuyển thủ Việt Nam.

Các đàn anh của đội tuyển cũng được căn dặn cần phải trở thành hình mẫu, tấm gương về ý thức, khát khao và sự nghiêm túc trong sinh hoạt chung. Từ đó, những cầu thủ trẻ tuổi của U23 Việt Nam có thể noi gương và tôn trọng hơn những người anh lớn của mình.

Trong chia sẻ với truyền thông, những cầu thủ U23 Việt Nam như Hoàng Văn Toản, Khuất Văn Khang... không giấu được sự ngưỡng mộ trước đẳng cấp và sự chuyên nghiệp của các anh lớn trong đội hình đội tuyển Việt Nam.

Đó cũng là cách để HLV Troussier tạo được sự thống nhất trong ý thức sinh hoạt, tập luyện và tạo nên một tập thể thống nhất, giữa sự đan xen và tiếp nối thế hệ với nhau.

Trong đợt hội quân chuẩn bị cho 2 trận giao hữu theo lịch FIFA, HLV Philippe Troussier đã triệu tập 34 cầu thủ. Hồng Duy và Nguyên Mạnh chấn thương được trả về CLB. 4 cái tên gồm: Schmidt Adriano, Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Trọng Long và Lê Phạm Thành Long cũng phải chia tay đội tuyển vì nhiều lý do khác nhau. Ở trận gặp Hong Kong tối 15/6, tiền đạo chủ lực Tiến Linh không góp mặt. Đội tuyển Việt Nam còn trận gặp Syria ngày 20/6 trên sân Thiên Trường, Nam Định.

Anh Quân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ban-tay-sat-cua-hlv-philippe-troussier-d594391.html