Bản sắc và giá trị của áo dài Việt Nam

Áo dài của phụ nữ Việt Nam được xem là trang phục truyền thống, là một biểu tượng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, áo dài được các thế hệ nối tiếp nhau bảo tồn, phát triển.

Văn hóa Việt Nam thấm đẫm trong từng họa tiết

Nhiều năm nay, nhà thiết kế Vũ Lan Anh luôn đau đáu thực hiện thật nhiều những bộ sưu tập áo dài khắc họa hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam lên mỗi tà áo. Bởi thế, mỗi khi đặt chân đến vùng đất nào, chị cũng nghiên cứu, tìm hiểu nét đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc để đưa vào những thiết kế áo dài của mình.

Vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930/20-10-2023) năm nay, nhà thiết kế Vũ Lan Anh ra mắt bộ sưu tập áo dài “Trầm ngư lạc nhạn” và “Non sông một dải”.

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh (giữa) và các người mẫu trong bộ sưu tập áo dài “Non sông một dải”. Ảnh nhân vật cung cấp

Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ truyền thuyết những nàng tiên nữ giáng trần nơi bãi biển hoang vắng trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp. Bộ sưu tập “Trầm ngư lạc nhạn” được thiết kế dựa trên phom dáng tà áo dài truyền thống nhưng được cách điệu lãng mạn bay bổng như miêu tả vẻ đẹp của những nàng tiên và ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên. Với chất liệu chủ đạo vải xuyên thấu và vải sequin tạo sự mong manh mềm mại thướt tha và lấp lánh. Gam màu chủ đạo màu pastel được chuyển màu dịu dàng, ánh hồng kem của bờ cát trắng mịn, xanh của biển cả, vàng nhạt và tím hồng của ánh hoàng hôn chạy dài…. Những chi tiết cắt cup tạo hình tôn dáng vẻ kiều diễm, những đuôi áo dài bồng bềnh thướt tha để người xem đắm chìm vào khung cảnh như thực như mơ.

Nhà thiết kế Vũ Lan Anh cho biết, điểm đặc biệt của bộ sưu tập là hình tượng tiên nữ- đề tài nghệ thuật cực kỳ đặc sắc trong điêu khắc Việt Nam thế kỷ thứ 17-18, thể hiện ước muốn mãnh liệt về đời sống ấm no bình yên, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Việt.

Thông qua bộ sưu tập, nhà thiết kế mong muốn tôn vinh áo dài Việt không chỉ đẹp thanh thoát, kiêu sa, truyền thống mà còn mang tính hiện đại; là minh chứng về sự năng động, giao thoa với văn hóa thế giới, thể hiện áo dài Việt trong xu thế hội nhập quốc tế.

“Áo dài không chỉ đẹp đối với phụ nữ Việt mà các phụ nữ nước ngoài khi mặc lên cũng tôn vinh nét đẹp của trang phục và vóc dáng. Điều quan trọng là người thiết kế biết kiểm soát tỷ lệ, dựa trên phom dáng truyền thống tà áo dài nhưng cắt cúp hợp lý, chất liệu đa dạng, tạo mảng miếng đặc rỗng, tạo hình phong phú, vừa tôn vinh đường cong cơ thể, vừa tạo sự hiện đại năng động và mang tính phổ cập. Tôi cho rằng, đây cũng là sứ mệnh của các nhà thiết kế trên hành trình gìn giữ và quảng bá áo dài –quảng bá văn hóa Việt ra thế giới bởi áo dài không chỉ là trang phục mà còn là biểu tượng văn hóa của dân tộc”, nhà thiết kế Vũ Lan Anh chia sẻ.

Bộ sưu tập “Non sông một dải” trong chương trình Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2023 được tổ chức tại hồ Hoàn Kiếm những ngày giữa tháng 10 năm nay, nhà thiết kế Vũ Lan Anh giới thiệu bộ sưu tập “Non sông một dải” bao gồm những mẫu thiết kế áo dài tượng trưng cho ba miền Bắc-Trung- Nam. Bộ sưu tập lấy cảm hứng chủ đạo tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Việt Nam, tà áo dài truyền thống và đưa đến lễ hội hình ảnh đậm chất áo dài ba miền.

Dệt sắc màu mới của văn hóa lên áo dài

Trang phục là sản phẩm văn hóa sớm nhất của loài người. Trang phục thay đổi theo quá trình phát triển lịch sử mang đậm nét đặc trưng, tinh hoa của dân tộc, để khi nhìn cách ăn mặc của họ, chúng ta nhận diện được họ thuộc quốc gia nào.

Các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập áo dài “Trầm ngư lạc nhạn”. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ chiếc áo dài, nhiều nhà thiết kế khẳng định vai trò của mình thông qua việc nghiên cứu sáng tạo, góp phần tạo nên một sắc màu mới cho văn hóa hiện đại; hoặc ở góc độ khác còn thấy thay đổi về quan niệm cũng như sự giao lưu văn hóa xã hội, đặc biệt sự giao lưu với thời trang quốc tế hiện nay, đã tác động lớn đến ngành thời trang Việt Nam.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu, chiếc áo dài Việt Nam đã có nhiều biến đổi, cải tiến, nâng cấp cả về chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, họa tiết... để ngày càng trở nên gợi cảm, tinh tế và cuốn hút hơn.

Nói về giá trị của áo dài Việt Nam, GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Áo dài là trang phục mang đặc trưng của phụ nữ Việt Nam, có lịch sử riêng, ít ra là từ thế kỷ 17, thời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Áo dài ngũ thân và sự phát triển sau này thể hiện “quốc tính”, tinh thần độc lập của văn hóa Việt Nam, khác biệt và độc lập với các nền văn hóa khác. Áo dài được kế thừa, phát triển từ chiếc áo tứ thân qua ngũ thân, qua các cải biến, nâng cấp, khác hẳn áo sườn xám, áo dài của người Chăm...

“Khi mặc áo dài, người phụ nữ nổi bật hơn bởi vẻ đẹp nữ tính, quyến rũ, “kín mà hở”, gợi cảm mà không lộ liễu. Mỗi trang phục áo dài thể hiện sự khéo léo, khả năng sáng tạo vô tận của các nhà thiết kế, tạo mẫu người Việt”, GS, TS Từ Thị Loan cho biết.

Dù kinh qua rất nhiều chặng đường khác nhau trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa Đông-Tây, chiếc áo dài vẫn luôn giữ được bản sắc riêng. Dù thời trang phát triển ở mức độ nào thì ở mỗi châu lục, mỗi quốc gia, không ai có thể phủ nhận bản sắc riêng về văn hóa, tập quán và tính cách đặc trưng của người bản địa.

Theo QĐND

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/209849/ban-sac-va-gia-tri-cua-ao-dai-viet-nam