Bản sắc độc đáo của bộ tộc Dani

Bộ tộc Dani (hay có tên gọi khác là Ndani) là một trong những bộ tộc sinh sống tại vùng cao nguyên trung tâm Tây New Guinea, tỉnh Papua của Indonesia. Dani là một trong những bộ tộc đông dân nhất ở vùng cao nguyên và sống rải rác khắp các vùng cao của Indonesia. Người Dani là một trong những nhóm bộ tộc nổi tiếng nhất ở tỉnh Papua, do nơi họ sinh sống có tương đối nhiều khách du lịch đến tham quan.

Đàn ông bộ tộc Dani. Ảnh: NYTIMES

Đàn ông bộ tộc Dani. Ảnh: NYTIMES

Năm 1938, ông Richard Archbold - một nhà khoa học người Mỹ đã tổ chức một cuộc khảo sát và phát hiện ra thung lũng Grand Baliem. Khi đến vùng đất, ông Richard Archbold và các nhà khoa học đã gặp gỡ các bộ tộc bản địa, trong đó có bộ tộc Dani. Đây lần đầu tiên bộ tộc Dani được thế giới văn minh biết tới.

Bộ tộc Dani là một trong những bộ tộc lâu đời ở Indonesia. Các tín ngưỡng cơ bản của bộ tộc Dani vẫn tuân theo tín ngưỡng tôn trọng các linh hồn của tổ tiên. Tín ngưỡng của bộ tộc Dani được gọi là Atou; người Dani còn tôn thờ tổ tiên được gọi chung là Kaneka. Ngoài ra, bộ tộc Dani có nghi lễ tôn giáo mang tên Kaneka Hagasir nhằm cầu sự thịnh vượng trong các gia đình. Theo thần thoại của bộ tộc Dani, người Dani là hậu duệ của một cặp vợ chồng sinh sống gần một hồ nước xung quanh làng Maina ở thung lũng Nam Baliem.

Các tổ chức cộng đồng trong bộ tộc Dani được xác định bởi các mối quan hệ gia đình, cha truyền con nối và bởi sự thống nhất về lãnh thổ. Trong cộng đồng bộ tộc Dani sẽ luôn có một tù trưởng lãnh đạo có tên gọi Ap Kain - đây là người đứng đầu các ngôi làng chính của bộ tộc. Ngoài tù trưởng còn có ba người khác lãnh đạo dưới quyền Ap Kain và nắm giữ ruộng, đất đai. Mặc dù không có các yêu cầu cụ thể nhưng để trở thành một thủ lĩnh trong bộ tộc Dani, một người đàn ông phải hội tụ đủ các yếu tố như giỏi trồng trọt, thân thiện và hào phóng, giỏi săn bắn, có thể lực và lòng dũng cảm, ngoại giao khéo léo và thiện chiến.

Trước khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, người Dani từng thiết lập một xã hội nông nghiệp, săn bắt và hái lượm cơ bản với các công cụ làm bằng gỗ, đá và xương. Sinh kế cơ bản của bộ tộc Dani là làm ruộng và chăn nuôi lợn. Họ trồng các loại cây phổ biến như chuối, mía và thuốc lá. Ngoài làm vườn, người Dani còn chăn nuôi lợn. Lợn có một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của bộ tộc Dani bởi ngoài làm thực phẩm, tiết lợn, phần xương và đuôi lợn còn được sử dụng trong các nghi lễ của người Dani. Chuồng lợn có tên là wamai, là một ngôi nhà hình chữ nhật. Bộ tộc Dani giao thương với các bộ tộc xung quanh thông qua các mặt hàng buôn bán như đá để làm rìu, gỗ, sợi, da động vật và lông chim.

Ngôi nhà truyền thống của bộ tộc Dani được gọi là Honai và Ebe’ai. Nhà có kích thước nhỏ, hình tròn, lợp bằng cỏ khô làm mái, vách gỗ được giữ với nhau bằng dây thừng và mái tranh. Bọ tộc Dani có nghề thủ công đặc biệt, những chiếc túi dệt bằng mũ đội đầu và chốt rìu. Ngoài ra, cũng có một số công cụ làm bằng gạch như Moliage, Valuk, Sege, Wim, Kurok và Arrow.

Hiện nay, khu vực bộ tộc Dani sinh sống cùng lối sống đơn giản của bộ tộc thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan. Vào tháng 8 hằng năm, các bộ tộc trong khu vực (gồm bộ tộc Dani, Yali và Lani) đã tập trung tổ chức Lễ hội thung lũng Baliem; trong đó, các trận chiến giả để khách tham quan có thể hiểu hơn về nền văn hóa phong phú của các bộ tộc. Du lịch cũng đã dần thay đổi cách sống của người Dani. Sự độc đáo trong văn hóa của người Dani cùng vẻ đẹp của thung lũng Baliem đã dần dần thu hút nhiều khách du lịch đến nơi này.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-sac-doc-dao-cua-bo-toc-dani-post448454.html