Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Chiều 28/2, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tổ chức hội nghị trao đổi với các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Lào Cai. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố và gần 100 doanh nghiệp.

Lào Cai đã trải qua năm 2023 với “thuận lợi ít, thách thức nhiều, khó khăn thường xuyên”, đặc biệt công nghiệp và xuất - nhập khẩu là 2 lĩnh vực trụ cột bị ảnh hưởng nặng nề với hàng loạt yếu tố bất lợi. Tuy nhiên, bám sát vào sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cùng các ngành đã hành động linh hoạt trước những diễn biến bất lợi, kịp thời tham mưu nhiều giải pháp quan trọng để từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng.

Quang cảnh hội nghị.

Năm 2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã lập quy hoạch chi tiết 12 khu chức năng trong Khu Kinh tế cửa khẩu, trong đó 6 dự án triển khai thi công xây dựng từ nguồn vốn ngân sách và 8 dự án từ nguồn vốn của các nhà đầu tư với tổng khối lượng thực hiện đạt khoảng 100 tỷ đồng. Trong năm, đã thẩm định, cấp mới, điều chỉnh 27 dự án, thu hồi 2 dự án; có thêm 2 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 661 tỷ đồng. Như vậy, tính đến nay có 188 dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có 147 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng, 33 dự án đang khảo sát, chuẩn bị đầu tư.

Trong công tác quản lý đất đai, môi trường, năm 2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế thực hiện rà soát 159 đơn vị sử dụng đất và đề xuất xử lý một số tồn tại về đất đai theo quy định. Ban hành thông báo nộp tiền thuê đất đối với 171 thửa đất thuê của 87 tổ chức, doanh nghiệp và 33 hộ cá nhân với tổng số tiền đã thông báo là 25,5 tỷ đồng. Giải quyết miễn tiền thuê đất cho 36 đơn vị/36 thửa đất theo Nghị định 35 của Chính phủ với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Giải quyết miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023 cho 53 tổ chức và tiếp tục tiếp nhận hồ sơ miễn tiền thuê đất đến hết ngày 31/3/2024.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh trao đổi với các doanh nghiệp về hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về môi trường, thường xuyên giám sát hoạt động quan trắc định kỳ của các nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, qua đó đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm vận hành các công trình bảo vệ môi trường, đảm bảo không có sự cố môi trường xảy ra trong hoạt động sản xuất…

Trong năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp, trong đó phải kể đến việc đã cùng các ngành khảo sát, tham mưu tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh giá thuê đất tương đồng với giá thuê đất các tỉnh lân cận, tiếp cận mặt bằng chung cả nước (đây cũng là đề nghị của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị gặp gỡ đầu năm 2023)…

Đại diện doanh nghiệp đề xuất các kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, những mong muốn và đề xuất các ý kiến với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, các sở, ngành liên quan để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải phản hồi các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực giao thông, vận tải.

Bước sang năm 2024, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện (thể chế; tổ chức, bộ máy; thủ tục hành chính; công tác cán bộ, đào tạo; hiện đại hóa hành chính; tài chính công). Xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư phải thực sự thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trong đó phát triển công nghiệp là nền tảng quan trọng; phát triển thương mại - du lịch, dịch vụ là đột phá.

Năm 2024, các đơn vị phấn đấu đạt được một số mục tiêu như: Đưa giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp đạt 21.155 tỷ đồng; khôi phục sản xuất Nhà máy Gang thép Việt - Trung để giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động; giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 2.300 tỷ đồng; hoàn thành quy hoạch, kêu gọi đầu tư Khu Công nghiệp Võ Lao giai đoạn 1, Khu Công nghiệp Trịnh Tường - Cốc Mỳ và 1 - 2 trung tâm logistics tại khu Kim Thành - Bản Vược…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ban-quan-ly-khu-kinh-te-tinh-doi-thoai-voi-cac-doanh-nghiep-san-xuat-kinh-doanh-post380572.html