Bản lĩnh và niềm tin

Xuân Quý Mão đang về. Trong nắng ấm, trời trong, mây nõn, ta có cảm giác thật nhẹ nhõm, thoáng chút bâng khuâng khi nghĩ về một năm đã qua. Một năm đồng bào cả nước đồng tâm, gắng sức, vượt qua những cửa ải, những lực cản, đạt được những thành tựu đáng trân trọng.

Vườn chim Thung Nham (Ninh Bình). Ảnh: Trường Huy

Vườn chim Thung Nham (Ninh Bình). Ảnh: Trường Huy

Vị thế Việt Nam qua gần 40 năm Đổi mới ngày càng được khẳng định. Nếu nói một cách khái quát nhất, không có vị thế quốc gia nào lại không bắt đầu từ kinh tế mạnh, văn hóa giàu. Sau hơn hai năm kiên cường chống đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta đã có bước phục hồi và phát triển thần kỳ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 dự báo đạt hơn 8%.Sự phát triển ổn định của nền kinh tế là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng nền kinh tế toàn cầu.

Động lực ấy thôi thúc chúng ta vững tin trên chặng đường mới, trước mắt là nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội năm 2023 - năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Mới đây, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XIII) cũng đã khẳng định, cần làm tốt công tác Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo định hướng đó, chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Có người nói một cách hình tượng, năm Quý Mão, "Con mèo"phải nhanh hơn, thính nhạy hơn, sức bật tốt hơn, tiếp tục lấy đà, tiếp tục bứt phá, tìm "cơ" trong "nguy". Bởi theo các nhà nghiên cứu kinh tế, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể thấp hơn từ 0,5 đến 1,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Nền kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại, từ đó mà gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn. Thêm vào đó là các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh… Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng của những biến động từ bên ngoài. Năm 2023 kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, cuộc chiến Nga-Ukraine … kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát, lương thực.

Một sự kiện lớn dịp cuối năm, dân số toàn cầu chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022. Dự kiến, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2023. Việt Nam cũng sẽ ghi dấu mốc 100 triệu dân vào đầu năm này. Mối quan hệ giữa gia tăng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều. Dân số tăng nhanh khiến cho việc xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng gặp khó khăn hơn rất nhiều. Ở chiều ngược lại, nếu đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, nhất là các Mục tiêu liên quan đến y tế, giáo dục và bình đẳng giới, sẽ góp phần giảm mức sinh và làm chậm tốc độ tăng dân số toàn cầu.

Với tầm nhìn xa, kiên định các chủ trương, chính sách lớn đã hoạch định, chúng ta tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững. Cần lưu ý rằng, không phát triển bằng mọi giá. Vừa chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động cơ tăng trưởng, các động lực tăng trưởng, để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng, vừa bám sát mục tiêu dài hạn trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng bền vững. Các chính sách lại phải sát cuộc sống, từ cuộc sống mà đề ra các chính sách phù hợp, thường xuyên bổ sung, thay đổi, như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2022. Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà xa rời thực tiễn thì dễ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh trong chính sách thì không thể đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được.

Năm tới, quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra với nhịp độ khác nhau, thể hiện qua mô hình đồ thị tăng trưởng GDP theo hình các chữ V, hay chữ U. Nhưng dù phục hồi theo mô hình nào thì cũng đòi hỏi phải đưa các doanh nghiệp vào hoạt động có hiệu quả. Ngạn ngữ có câu: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Trước những diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định vị thế và uy tín của đất nước.

Bàn về chặng đường kiến tạo đất nước trong thời kỳ mới, chúng ta có niềm tin vững chắc vào "sức mạnh cứng" được nhận diện bởi thế mạnh về tiềm lực kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, sức mạnh quốc phòng, an ninh, và "sức mạnh mềm" của văn hóa. Nhìn sang một số nước châu Á có những nét lịch sử văn hóa tương đồng với nước ta, thấy rằng họ đã phát triển rất nhanh chóng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các quốc gia đó đặc biệt coi trọng văn hóa dân tộc nói chung, ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, coi đó là cầu nối gần gũi nhất, phương tiện quảng bá sức mạnh, vị thế, hình ảnh dân tộc ra thế giới. Đặc biệt những nước có nền kinh tế-văn hóa phát triển thì văn hóa trong kinh tế được hết sức coi trọng. Các giá trị văn hóa thẩm thấu, trở thành nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế.

Đối với nước ta, phát triển kinh tế luôn gắn với định hướng phát triển đất nước, văn hóa trở thành "vốn kinh tế", trong đó con người là vốn quý. Nguồn lực con người là nhân tố quyết định việc sử dụng các nguồn lực khác và tạo dựng môi trường văn hóa trong hoạt động kinh tế. Chợt nhớ câu nói giản dị của một vị Tổng giám đốc đang ăn nên làm ra: "Chúng ta làm dịch vụ, trong lòng phải có người khác. Biết tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt là kinh doanh thành công".

Văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, hàng nghìn năm phong kiến phương Bắc đô hộ nhưng không bị đồng hóa. Đánh thắng giặc để giữ nước và giữ "cho răng đen, cho dài tóc", đừng bao giờ để mất bản sắc văn hóa dân tộc. Đừng nhìn mãi, buồn lâu về cái chưa có, hãy nhìn vào cái đã có. Còn văn hóa thì còn dân tộc. Một dân tộc được yêu mến, tôn trọng, trước hết là sự tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó. Nhưng phải đến Đại hội XIII của Đảng mới thật sự nhấn mạnh sức mạnh mềm của văn hóa.

Văn kiện ghi rõ: "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam". Diễn đạt một cách cô đúc thì, sức mạnh mềm là khả năng đạt được những gì mà một quốc gia mong muốn thông qua việc gây ảnh hưởng, tạo sự hấp dẫn bởi những yếu tố tạo nên nó.

Trước thềm xuân mới, lòng ta rạo rực, mê say đón những luồng gió tốt lành thời mở cửa. Gian nan thêm một lần thử sức. Dẫu còn lắm thác nhiều ghềnh, nhưng với bản lĩnh và niềm tin của những người kiến tạo xã hội thời kỳ mới, nhất định chúng ta sẽ về đích thành công. Thành công ấy có được là nhơờ̉ sức mạnh vật chất và tinh thần, trong đó sức mạnh tinh thần trước những biến thiên lịch sử lại biến thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn. Khi ấy văn hóa cao sang, vi diệu mà trở nên gần gũi biết bao. Nó tạo dựng nên nền văn hiến kỳ vĩ, nó tạc nên dáng hình đất nước, cùng chúng ta bước đến tương lai.

Hải Đường
(nguyên Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ban-linh-va-niem-tin/d2023011809407988.htm