Bản lĩnh, trí tuệ người làm công tác Tài chính góp sức giải phóng miền Nam

Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) cũng là dịp những người làm công tác tài chính nhìn lại những năm tháng ấy. TBTCVN giới thiệu một vài câu chuyện từ kỷ niệm làm công tác tài chính ở chiến trường B2 đến ngày đầu tiếp quản thuế vụ Sài Gòn. Đây có thể coi là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và sự đóng góp thầm lặng của những người làm công tác tài chính, góp sức vào thành công lớn thống nhất đất nước.

Những kỷ niệm khó quên của người cán bộ kế toán

Vừa tốt nghiệp chuyên ngành ngân sách nhà nước, bác Hồ Thị Giám - nguyên cán bộ Kinh tài Trung ương cục miền Nam được Bộ Tài chính lựa chọn điều đi Nam để phục vụ cho chiến trường B2. Đến tháng 4/1970, bác Hồ Thị Giám được điều động qua làm kế toán ở cơ quan Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trong điều kiện chiến tranh, tất cả mọi công việc phục vụ cho chuyên môn hầu như phải tự xoay xở, không được trang bị một thứ gì. Đối với quản lý chi tiêu ngân sách, có những tuần, có khi cả tháng chi hàng tỷ đồng, chi xong sau đó thủ trưởng mới ký phiếu. Chứng từ, tài liệu lưu trữ dùng bằng thùng đại liên để cất giấu. Đặc biệt, có trạm phải chôn cất hoặc hủy luôn. Mặc dù vậy nhưng không hề có một sai sót hoặc thất thoát nào xảy ra.

Lãnh đạo Bộ Tài chính và UBND tỉnh Cà Mau cắt băng khánh thành Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, huyện Năm Căn. Ảnh tư liệu

Thời đó, cán bộ tài chính làm việc không có bút mực để làm, bàn ghế không có để ngồi, thậm chí lấy ba lô ngồi trệt ở nền đất để cộng số. Ban ngày làm mọi công việc của cơ quan như đào hầm, hái lá trung quân lợp nhà, đi thồ gạo... Tối đến, tranh thủ làm sổ sách với cái đèn dầu leo lét, cộng số chỉ tính nhẩm bằng tay, chấp hành chế độ báo cáo đầy đủ, kịp thời và chính xác. Kể cả quản lý tiền mặt không hề mất mát, thất thoát một xu.

Nói đến vấn đề quản lý tiền mặt, bác Hồ Thị Giám có một kỷ niệm khó quên. Tháng 6/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cơ quan chuyển căn cứ về giáp biên giới tỉnh Tây Ninh và Campuchia cách thị xã Xa Mát 20km. Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (ngày 6/6/1973) và chuẩn bị kinh phí để may trang phục cho đợt trao trả tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc tại sân bay Thiện Ngôn, Tây Ninh, giao liên đưa bác Hồ Thị Giám sang cơ quan kinh tài để xin kinh phí. Chờ đến 5h chiều ngày hôm sau thì kho bạc mới có tiền. Lúc đó không còn cách nào để báo về cơ quan. May mắn lúc ấy chồng bác sang thăm, nhân đó chồng bác Giám chở về bằng xe đạp cùng với 1 bao tải tiền Riel (tiền Campuchia).

“Khi về đến Xa Mát thì trời tối mà đường về cơ quan còn 20km đường rừng, nên vào nhà dân xin ở lại. Lúc đi ngủ chúng tôi lấy bao tải tiền làm gối kê đầu, cả đêm không dám ngủ. Chờ đến 5h sáng dậy, xin chủ nhà về sớm. Về đến cơ quan thì mọi người mừng rỡ vì thấy chúng tôi trở về an toàn. Những năm tháng ở chiến trường cũng như thời bình, tôi cũng như các bạn mình đều giữ vững và phát huy tốt được phẩm chất đạo đức của người cán bộ tài chính, không một ai bị sai phạm kỷ luật nào về tài chính cũng như các mặt khác” - bác Hồ Thị Giám viết.

Kỷ vật của người tiếp quản thuế vụ Sài Gòn

Trưa ngày 30/4/1975 - Sài Gòn chính thức giải phóng, chiều cùng ngày, ông Cù Minh Hải - Giảng viên phụ trách Tổ bộ môn Thuế - Trường Trung cấp Tài chính kế toán 1 nhận được Công điện của Bộ Tài chính lên đường tiếp quản cơ quan thuế Sài Gòn với chức vụ Trưởng phòng thuế 2 - Sở Thuế TP. Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ đầu tiên của ông là ghi danh số nhân viên thuế vụ chế độ cũ đến trình diện; thị sát, quản lý các địa bàn và tài sản hiện có của các đơn vị thuế được giao; trực tiếp triển khai các chủ trương của thành phố, tìm hiểu cơ chế thuế của chế độ cũ và hệ thống bộ máy tổ chức tài chính - thuế của chính quyền Sài Gòn cũ.

Ông Cù Minh Hải nhớ lại, sau những ngày đầu tiếp quản ngành Thuế Sài Gòn, tiếp nhận số cán bộ thuế cũ ra trình diện, nghiên cứu, tìm hiểu chính sách thuế chế độ Sài Gòn, Chính phủ lâm thời đã quyết định ban hành chính sách thuế mới, gọi là “Thuế lợi tức siêu ngạch”. Hôm đó, ông Hải được ông Tùng - Giám đốc Sở Thuế TP. Hồ Chí Minh gọi lên chỉ đạo: “Ủy ban quân quản thành phố phân công đồng chí thừa lệnh Chính phủ cách mạng lâm thời, công bố chính sách thuế lợi tức siêu ngạch với giới công thương TP. Hồ Chí Minh tại rạp Bến Thành”.

Hai ngày sau, vào lúc 13h30 phút, xe ôtô của thành phố xuống cơ quan, chở theo một đồng chí nữ công vụ (mang theo bộ quần áo dân sự và caravat) và một đồng chí công an mặc sắc phục nhưng không đeo phù hiệu. Vào gặp ông Hải, đồng chí nữ công vụ bảo ông thay quần áo và hỏi có biết thắt cavat không? Khi ông Hải nói không, đồng chí nữ công vụ cười bảo: “Chú cúi xuống để cháu thắt cho”. Mặc dù ngượng đến đỏ mặt nhưng ông Hải vẫn làm theo chỉ dẫn.

Một cơ sở của Ban Kinh tài tại chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) Ảnh tư liệu minh họa

Sau đó, xe đưa 3 người đến rạp Bến Thành - đã có đông người ngồi kín hết rạp. Rất nhanh chóng, ông Hải và đồng chí công an được giới thiệu lên sân khấu ngồi vào bàn chủ tọa. Ông Hải trịnh trọng: “Thưa quý vị đại biểu, thừa lệnh Chính phủ, được sự ủy quyền của Ủy ban quân quản thành phố, tôi xin công bố quyết định về chính sách thuế lợi tức siêu ngạch”.

Ông Hải đọc chậm, giọng to, mạch lạc, đọc xong, ông hỏi có quý vị nào hỏi thêm gì không? Phía dưới hội trường có 3 - 4 người giơ tay, ông Hải đã chỉ một người ngồi cuối lên sân khấu. Người tiểu thương đi lên phía ông Hải, đồng chí công an ngồi cạnh đưa ngay chiếc micro nhưng theo phản xạ, ông Hải giữ lại không cho cầm micro và nói: “thưa ông, ông cứ nói tôi xin nghe, nếu tôi nghe không đầy đủ thì có 3 thư ký sẽ ghi lại, nếu thư ký ghi không đầy đủ, sẽ có ghi âm đầy đủ ý kiến của ông”.

Chẳng ngờ, người tiểu thương chỉ muốn xin tài liệu ông vừa đọc xong. Khi hỏi tiếp không ai có ý kiến gì, ông Hải đề nghị mọi người ra bàn phía ngoài hội trường lấy tài liệu và kết thúc buổi công bố chính sách thuế mới.

Thế nhưng ngay hôm sau, ông Hải được triệu tập đến Ủy ban quân quản để rút kinh nghiệm buổi công bố chính sách thuế chiều hôm trước. Khi đến, ông đã thấy đồng chí Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố), đồng chí Năm Xuân (Mai Chí Thọ - Giám đốc Sở Công an thành phố) và đồng chí Sáu Tùng.

Ngồi vào bàn làm việc, đồng chí Sáu Dân hỏi ngay: “Đồng chí Hải cho biết lý do sao lại giữ micro trong buổi công bố chính sách thuế hôm trước?” Lúc này ông Hải mới giải thích: “Thưa các anh, micro trang bị để tuyên truyền chính sách, không thể giao cho ai lúc đó được, thử hỏi nếu hôm qua tôi giao micro cho người đó, mà họ đứng dậy nói to rằng “đả đảo chính sách thuế bất công, đả đảo chính quyền cách mạng” thì sao? Nếu xảy ra việc đó, tôi không dám bịt miệng họ, còn đồng chí công an liệu có dám làm không?”.

Nghe xong lời giải thích của ông Hải, cả 3 cán bộ cấp trên đều nhìn nhau nói: “Đúng là Bảy Hải nghĩ xa thế mới phải, rất may không có vấn đề gì lớn xảy ra”.

Vài ngày sau cuộc đối chất, ông Hải gặp lại đồng chí Sáu Tùng và thắc mắc: “Tại sao các anh không thu lại bộ quần áo tôi mặc hôm trước, vậy phải trả ai?”. Giám đốc Sáu Tùng cười và nói: “Đồng chí thực thi nhiệm vụ hôm công bố chính sách thuế lợi tức siêu ngạnh rất tốt và suy nghĩ thấu đáo, vì thế Ủy ban quân quản thành phố quyết định tặng đồng chí bộ quần áo, đồng chí cứ đem ra mà dùng”.

Đó chính là bộ quần áo dân sự với áo trắng, quần xanh mà sau này ông Hải giữ mãi, mỗi lần mặc lại đem ra ngắm nghía coi như kỷ vật của mình./.

Trần Thắng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ban-linh-tri-tue-nguoi-lam-cong-tac-tai-chinh-gop-suc-giai-phong-mien-nam-149608-149608.html