Băn khoăn đào tạo bác sĩ nội trú

Từ trước đến nay, bác sĩ nội trú luôn được coi là tinh hoa vì điều kiện đào tạo rất khắt khe và chỉ tiêu ít ỏi.

Chương trình đào tạo này chỉ tuyển chọn những sinh viên học y khoa xuất sắc ngay sau khi kết thúc khóa học đại học 6 năm để tiếp tục đào tạo thêm 3 năm trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu.

Chương trình chỉ có 1 kỳ thi vào mỗi năm cho chính các sinh viên vừa tốt nghiệp trong năm học đó. Số người đủ điều kiện dự thi đã ít, số lượng trúng tuyển càng ít hơn, mội trường học và thực hành vô cùng khắc nghiệt. Vì vậy, bác sĩ nội trú được ví như những tinh hoa mà các đơn vị y tế đều “trải thảm đỏ” đón chào, nhưng hầu hết các bác sĩ nội trú đều chọn các bệnh viến tuyến đầu ngành T.Ư công tác.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân, mới đây, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đề xuất thay đổi mô hình đào tạo bác sĩ nội trú. Theo ông, với bối cảnh xã hội hiện đã thay đổi, quan niệm đào tạo nội trú là đào tạo chuyên khoa, không còn là đào tạo nhân tài, tinh hoa như trước đây. Bởi vậy, cần nới rộng các tiêu chí đào tạo bác sĩ nội trú đại trà hơn, để hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học ngành y đều có cơ hội thi vào bác sĩ nội trú.

Câu chuyện đào tạo bác sĩ nội trú lại một lần nữa được xới lên với cái nhìn đa chiều. Có ý kiến cho rằng, việc đào tạo bác sĩ nội trú là cần thiết, tuy nhiên không đào tạo quá tràn lan ảnh hưởng đến chất lượng. Thực tế hiện nay, chất lượng đào tạo bác sĩ nội trú đã có phần giảm sút so với trước đây. Vì vậy, nếu mở rộng đào tạo đại trà, khi chất lượng giảm đi, ảnh hưởng đến “thương hiệu” bác sĩ nội trú. Nhưng đa số các ý kiến khác lại đồng thuận việc mở rộng quy mô đào tạo bác sĩ nội trú. Khi bác sĩ được đào tạo xong, phải được phân bổ về các địa phương để mọi vùng, miền trên cả nước đều được sử dụng bác sĩ giỏi, có tay nghề cao.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế. Đối với mô hình bác sĩ nội trú, Bộ Y tế giao các đơn vị rà soát, đánh giá để xem xét với mô hình đặc thù. Thực tế, một vấn đề cấp thiết của hệ thống y tế hiện nay là mô hình bệnh tật trên thế giới và tại Việt Nam luôn biến động, sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Vì vậy, đào tạo thế hệ cán bộ y tế có năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, bắt nhịp được sự phát triển khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế có vai trò then chốt.

Dù đào tạo theo mô hình nào, thì bác sĩ nội trú được đào tạo đại trà hay tuyển chọn khắt khe vẫn phải đảm bảo được chất lượng đầu ra. Người dân kỳ vọng, số lượng bác sĩ nội trú sẽ được tăng lên, trở về công tác ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, góp phần thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh theo hướng tích cực, giảm áp lực đáng kể cho các bệnh viện tuyến T.Ư.

Những kiến nghị, đề xuất mở rộng đào tạo hệ bác sĩ nội trú là hợp lý, nhưng cần được giải quyết nhiều vấn đề khác. Bằng bác sĩ nội trú cần được công nhận như bằng sau đại học, có chương trình học bổng, bác sĩ đi học được trả lương. Bởi trong thời gian đào tạo, họ đã hành nghề như nhân viên y tế tại bệnh viện thực hành.

Chỉ khi giải quyết được đồng bộ về mô hình đào tạo, đảm bảo được chất lượng đầu ra, được tạo điều kiện về cơ chế chính sách, tiền lương, thì sinh viên y khoa mới yên tâm học tập, bác sĩ yên tâm cống hiến, người dân được hưởng lợi về dịch vụ y tế ngày càng phát triển của nước nhà.

Nhật Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ban-khoandao-tao-bac-si-noi-tru.html