Bản hùng ca Điện Biên Phủ

70 năm trôi qua, nhiều người vẫn chưa 'cắt nghĩa' được, vì sao có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ? Sau thất bại ở Nà Sản (Sơn La), người Pháp nhanh chóng nhảy dù đổ xuống lòng chảo Điện Biên Phủ với nhiều tiểu đoàn cơ động thiện chiến, kèm theo không quân 'bịt' các ngả đường hành quân của Việt Minh. Bác Hồ đã ra lệnh cho Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp: '... Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh'.

Bài 1: Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Tướng Henri Navarre (Nava), Tổng chỉ huy quân Pháp ở chiến trường Đông Dương có nhận xét về địa hình ở Tây Bắc Việt Nam: "Việt Minh không thể duy trì ở thượng du quá 2 đại đoàn và 20.000 dân công, sự bấp bênh về giao thông không cho phép họ mang tới đó pháo trên 75 ly cùng với đạn pháo quá 7 ngày chiến đấu".

Dân công vận tải lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Đổ bộ bằng đường không

Chính nhận định này, trung tuần tháng 11/1953, quân Pháp mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh “Hải ly” (Castor), sử dụng máy bay cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh với 6 tiểu đoàn. Ngày 3/12/1953, Nava tuyên bố chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Ngày 15/12/1953, lực lượng địch ở Điện Biên Phủ tiếp tục đổ xuống 11 tiểu đoàn. Ngày 24/12/1953, tướng Nava có mặt tại Điện Biên Phủ và trao đổi với các sĩ quan: "Tình hình địa hình, những đặc điểm về khí hậu của khu lòng chảo Điện Biên Phủ làm cho nó trở thành một vị trí dễ phòng ngự, một trong những sân bay tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt hảo. Trận đánh có thể được chúng ta chấp nhận tại đây trong những điều kiện hết sức thuận lợi"[1].

Thực dân Pháp đã chiếm Điện Biên Phủ từ năm 1888. Từ năm 1939, Điện Biên Phủ đã có một sân bay dã chiến. Trong cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, hàng ngàn quân Pháp đã qua con đường Lai Châu chạy sang Trung Quốc. Năm 1945, quân Nhật, rồi quân Tưởng đã có mặt ở Điện Biên Phủ. Khi ta ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 với Pháp, Pháp đã yêu cầu được đưa hơn 800 quân trở lại vùng này để làm nhiệm vụ tiếp quản quân Tưởng.

Lần này, dưới sự chỉ huy của tướng Nava, quân Pháp tập trung quân tinh nhuệ nhất để thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau thất bại tại tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Nava chỉ mong cuộc hành binh mang tên "Hải ly" sẽ thu hút được từ 1-2 đại đoàn chủ lực của Việt Minh về hướng này, nhằm làm phân tán khối chủ lực Việt Minh, trì hoãn một cuộc tổng giao chiến trong mùa khô 1953-1954 trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Quân Pháp tiếp tục đổ quân xuống Điện Biên Phủ, xây dựng công sự chiến đấu kiên cố. Đại tá Bastiani, Tham mưu trưởng lực lượng (Pháp) trên bộ Bắc Việt Nam đã phản đối kịch liệt chiếm đóng Điện Biên Phủ của Nava. Ông ta cho rằng: "Ở đất nước này (Việt Nam) không thể ngăn chặn một hướng đi. Đó là một khái niệm của châu Âu không có giá trị gì ở đây. Người Việt đi khắp nơi. Ta thấy rõ điều đó ở đồng bằng"[2]. Những khó khăn về bảo đảm tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp cũng gặp nhiều trở ngại, vì thời tiết thất thường ở vùng Tây Bắc, trong mùa đông nhiều khi máy bay không thể hoạt động được ở vùng này.

Ta buộc chúng phải phân tán binh lực

Quân Pháp đã xây dựng cơ bản tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với quy mô rộng lớn, nhiều trung tâm đề kháng ở Mường Thanh, Him Lam... Những đơn vị ưu tú nhất của đạo quân viễn chinh Pháp đều có mặt để thực hiện những cuộc giao chiến lớn như tướng Nava mong muốn, đó là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, sẽ đè bẹp mọi kháng cự của Việt Minh.

Du khách tham quan di tích lịch sử Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Hải Luận

Có một lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gặp và báo cáo Bác Hồ về tình hình quân Pháp đang đổ quân lên Tây Bắc và một số chiến trường khác. Đại tướng kể lại: “... Mắt Bác Hồ chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay về một hướng” [3].

Đây được xem là tư tưởng quân sự của Bác Hồ truyền đạt cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghệ thuật không đánh vào chỗ mạnh của quân địch. Tập trung đánh vào chỗ yếu, cầm chân địch ở những nơi xa, nghi binh, lừa địch ra chỗ “hiểm” để đánh tổng lực làm cho quân địch hết đường rút lui.

Một nhà báo nước ngoài đặt câu hỏi phỏng vấn Bác Hồ về quân Pháp mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Bác đã lấy cái mũ đang đội để xuống bàn tay và giải thích: Điện Biên Phủ giống như cái mũ này, hai bên núi cao, ở giữa là cánh đồng Mường Thanh mà quân Pháp đang đồn trú và sẽ bị quân chúng tôi bao vây tại đây.

Cuối tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch; đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng; đồng chí Lê Liêm, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; đồng chí Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp...

Bộ Chỉ huy chiến dịch đã điều động các đại đoàn chủ lực của ta hành quân về Tây Bắc. Chỉ huy các đơn vị lựu pháo 105, cao xạ pháo được xem là “át chủ bài” của chiến dịch, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp trực tiếp và giao nhiệm vụ: "Trọng pháo ra trận lần đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, phải bảo đảm an toàn và tuyệt đối bí mật trong hành quân. Đưa được người và xe, pháo tới đích an toàn, coi như đạt 60% thắng lợi"[4].

Ngày 1/1/1954, tướng Nava đã gửi bản báo cáo về Paris, Pháp đầy lo âu: "... Tất cả đều cho cảm giác lúc này là kẻ thù quyết tâm dùng sức mạnh tiến công Điện Biên Phủ với những phương tiện rất lớn... Trong trường hợp bị tiến công, cơ may chiến thắng của chúng ta ra sao? Mới hai tuần lễ trước, tôi đánh giá nó là 100%... Nhưng trước sự xuất hiện những phương tiện mới..., tôi không thể bảo đảm chắc chắn thắng lợi... Dù sao đi nữa, Điện Biên Phủ sẽ giữ vai trò chiếc nhọt tụ độc và sẽ cho phép tránh cuộc tổng giao chiến ở đồng bằng"[5].

Bài 2: Chắc thắng mới đánh

Hải Luận

-------------------------------------------------------------------------------

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 75.

[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 72.

[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 75.

[4] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 60.

[5] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2000, trang 79.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-hung-ca-dien-bien-phu-post475081.html