Bản hùng ca đặc biệt và dự cảm ngày chiến thắng

Trong số rất nhiều ca khúc viết về ngày giải phóng thủ đô thì 'Tiến về Hà Nội' của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem như ca khúc có nhiều điều 'kỳ lạ' nhất. Chính cái sự 'kỳ lạ' ấy, cộng thêm nhịp điệu khí phách hào hùng, âm hưởng lãng mạn đậm chất Hà Thành đã khiến cho ca khúc trở nên bất hủ.

Là người Hà Nội chắc hẳn chúng ta ai cũng thân thuộc với giai điệu bài hát “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Điều đặc biệt của “Tiến về Hà Nội” là nó không chỉ là ca khúc đầu tiên và hay nhất viết về ngày giải phóng thủ đô, mà còn là bài hát có nhiều cái nhất như: dự báo chính xác nhất về không khí hào hùng của thời khắc lịch sử, là khúc khải hoàn được nhiều người yêu thích nhất, là bức tranh bằng âm nhạc đẹp nhất về cuộc hội ngộ trong ngày về của những người con Hà Nội … Gần bảy thập kỷ đã trôi qua, trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại của thủ đô, chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian trở lại quá khứ để hiểu hơn về bài hát sống mãi với thời gian này.

Mùa xuân năm 1949, tại Việt Bắc, Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 - nơi nhạc sĩ Văn Cao cùng nhà văn Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Tô Ngọc Vân... đang sinh hoạt, được giao nhiệm vụ "nhanh chóng sáng tác những tác phẩm động viên bộ đội và nhân dân chiến đấu". Ngay sau buổi họp, nhạc sĩ Văn Cao đã tìm gặp đồng chí Khuất Duy Tiến lúc đó là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư liên tỉnh Hà Nội – Hà Đông và hứa sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.

Đêm ấy, ra về, đi dọc đường làng Đào Xá, dưới trăng sáng mờ ảo lung linh bên những rặng tre xanh là những nét nhạc đầu tiên đã đến với người nhạc sĩ. Và rồi chỉ hai tuần sau đó, ca khúc "Tiến về Hà Nội" đã hoàn thành và được lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho in ngay trên báo Thủ đô. Như vậy là “khúc khải hoàn của người Hà Nội” được viết cho một ngày chiến thắng trở về - những 5 năm, trước ngày giải phóng thủ đô với ca từ chất chứa nhớ mong, khát vọng chạm về những thân quen của phố phường Hà Nội.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, “Tiến về Hà Nội” chính là một dự cảm thiên tài của người nghệ sĩ khi đã dự báo và miêu tả gần như chính xác những gì diễn ra tại Thủ đô trong thời khắc lịch sử trọng đại ấy. Tất cả diễn ra trùng khớp một cách kỳ lạ. Thực tế cho thấy hình ảnh đoàn quân tiến về trong rừng cờ hoa chào đón đẹp không khác gì so với lời bài hát: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…”

Được viết theo thể loại hành khúc, giai điệu trầm hùng, lời ca trong sáng… “Tiến về Hà Nội” đã vẽ lên khung cảnh náo nức, tươi vui, đầy khí thế của ngày chiến thắng.

Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn là bài hát được rất nhiều người Việt Nam và đặc biệt là người dân Hà Nội yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên và không thể nào thiếu trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô 10/10.

Video Clip ca khúc “Tiến về Hà Nội”:

Được coi là ca khúc viết về Hà Nội với tình yêu sâu đậm nhất , là khúc sử thi chân thực, sống động nhất về ngày giải phóng thủ đô 69 năm về trước, nên ca từ của “Tiến về Hà Nội” được nhiều người mặc định, coi như được viết từ cảm nhận của chứng nhân lịch sử. Và thế là từ sự yêu mến, tin tưởng đó, một "ngộ nhận thú vị" đã nảy sinh. Nhiều người nghe "Tiến về Hà Nội" đã nhầm tưởng, trong ngày lịch sử đó có tới năm cánh quân tiến về giải phóng thủ đô như lời bài hát “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/Chảy dòng sương sớm long lanh”.

Sự thực là quân ta đã vào giải phóng Thủ đô chỉ qua hai cửa ô: đó là Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền.

Sở dĩ nhạc sĩ Văn Cao đưa ra hình tượng 5 cửa ô trong “Tiến về Hà Nội” là bởi ông đã lấy cảm hứng từ ngôi sao vàng 5 cánh - một hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng của niềm tin và khát vọng chiến thắng. Theo các tư liệu thì ngày 10/10/1954 chỉ có 2 cánh quân tiến về tiếp quản Hà Nội. Cụ thể:

- Lúc 8h, cánh quân phía Tây là những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng - Anh hùng Quân đội Nguyễn Quốc Trị đã xuất phát từ Quần Ngựa đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… đến 9 giờ 45 phút thì qua Cửa Đông vào đóng trong “Thành cổ Hà Nội”.

- 8h45, Cánh quân phía Nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ “Việt Nam học xá” – tức khu vực Đại học Bách khoa bây giờ, tiến qua Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi trở lại, theo hai hướng đông và tây của phố Trần Hưng Đạo, vào đóng quân ở các khu vực Đồn Thủy nay là Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị và Đấu Xảo - Cung văn hóa Hữu Nghị.

- 9h30: Đoàn cơ giới và pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa , và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng, sang Ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu…qua Cửa Bắc vào “Thành cổ Hà Nội”.

Như vậy là với hai đường tiến binh từ phía Tây và phía Nam, sáng 10/10/1954, quân ta đã vào giải phóng Thủ đô chỉ qua hai cửa ô là: Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền, chứ không phải gồm 5 cánh quân tiến qua 5 cửa ô như nhiều người lầm tưởng.

"Hoài Đức phủ toàn đồ" - bản đồ sớm nhất về Hà Nội còn lại:

Theo như bản đồ “Tỉnh thành Hà Nội” vẽ năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng thì Hà Nội có 16 cửa ô gồm:

1. Ô Yên Hoa (ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên bây giờ)

2. Ô Yên Tĩnh (ngã ba đê Yên Phụ - phố Cửa Bắc ngày nay)

3. Ô Thụy Chương (Trường THPT Chu Văn An Thụy Khuê)

4. Ô Thạch Khối (Dốc Hàng Bún)

5. Ô Phúc Lâm (tức ô Hàng Đậu - ngã ba Trần Nhật Duật - Hàng Đậu)

6. Ô Đông Hà (ô Quan Chưởng - ngã ba Trần Nhật Duật - Hàng Chiếu).

7. Ô Trường Thanh (đầu phố Hàng Chĩnh )

8. Ô Mỹ Lộc (Ngã tư Hàng Thùng - Hàng Tre)

9. Ô Đông Yên (Ngã tư Lò Sũ - Nguyễn Hữu Huân)

10. Ô Tây Luông (Khu vực Nhà hát Lớn)

11. Ô Nhân Hòa (Ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông)

12. Ô Thanh Lãng (ô Đống Mác - Đầu đường Trần Khát Chân)

13. Ô Yên Thọ, (ô Cầu Dền – Ngã tư phố Huế - Bạch Mai)

14. Ô Kim Hoa (Kim Liên)

15. Ô Thịnh Quang (sau đổi ô Chợ Dừa” hay Ô Cầu Dừa - Ngã năm Khâm Thiên - Xã Đàn, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - La Thành)

16. Ô Thanh Bảo (hay ô Cầu Giấy – Ngã tư Kim Mã - Sơn Tây)

Hay căn cứ theo một bài vè dân gian khá phổ biến thời cuối thế kỷ 19 thì Hà Nội có 15 cửa ô.

“Mười lăm ô đứng đường đường:

Yên Ninh, Yên Phụ, Thụy Chương một bề.

Tiền Trung, Nghĩa Lập gần kề

Thanh Hà, Ưu Nghĩa, dưới là Đông Yên.

Cựu Lâu, Mỹ Lộc, Lương Yên

Thịnh Yên, Thanh Bảo, Kim Liên, Thịnh Hào.”

Sang thế kỷ 20, số cửa ô giảm hẳn, chỉ còn lại những cửa ô quan trọng, nhưng chắc chắn là nhiều hơn con số 5: Cầu Giấy, Cầu Dền, Chợ Dừa, Hàng Đậu, Hàng Mắm, Đống Mác… và Yên Phụ, Kim Liên, Yên Ninh…

Trong số 16 cửa ô của Hà Nội, hiện chỉ còn duy nhất Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Đông Hà Môn là di tích lịch sử duy nhất còn tồn tại tới ngày nay và vẫn giữ được vẹn nguyên nét kiến trúc xưa. Được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 triều đại nhà Lê, tức năm 1749, Ô Quan Chưởng từng được nhiều lần trùng tu, cải tạo, xây dựng lại. Theo sử sách cửa ô này được gọi là Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao của một viên Chưởng cơ từng chỉ huy đội quân 100 binh lính anh dũng chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ thành Hà Nội.

Đến năm 1881, trên bức tường bên trái của cổng Ô Quan Chưởng, Tổng đốc Hoàng Diệu đã cho đặt một tấm bia gọi là “Lệnh cấm trừ tề”. Tức tấm bia nhắc nhở lính gác không được hạch sách người dân qua lại.

Trước kia, Ô Quan Chưởng là nơi ra vào tấp nập với người buôn kẻ bán từ các vùng Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình lên kinh thành trao đổi, thông thương.

Được thiết kế theo kiểu vọng lâu với hai tầng. Tầng dưới có ba cửa vòm với cửa chính giữa cao 3m, rộng gần 3m, hai cửa phụ mỗi bên cửa rộng 1,65m và cao 2,5m. Tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ dần vào vị trí giữa, xung quanh có đường đi chạy, mé ngoài có lan can trang trí với các họa tiết lục lăng, tứ giác, hoa thị.

Lối dẫn lên vọng lâu được xây ở hai bên phía ngoài cổng phụ, toàn bộ cửa có chiều rộng 20m, chiều dài 7m và xây bằng đá, gạch vồ loại lớn, tương tự loại gạch xây tường ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Phía trên cửa chính dưới vọng lâu là một khung hình chữ nhật được đắp nổi ba chữ “Đông Hà Môn”.

Long Thành bao quản nắng mưa

Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây

(Ca dao)

Là một trong những công trình có tuổi đời vài trăm năm tuổi còn sót lại mang đậm dấu ấn lịch sử của Kinh thành Thăng Long xưa, Ô Quan Chưởng từ lâu đã được xem như một địa danh văn hóa lịch sử để du khách ghé thăm khi muốn tìm lại hình ảnh cửa ô mái phố trong quá khứ.

***

Trong số rất nhiều ca khúc viết về ngày giải phóng thủ đô thì “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem như ca khúc có nhiều điều “kỳ lạ” nhất. Chính cái sự "kỳ lạ" ấy, cộng thêm nhịp điệu khí phách hào hùng, âm hưởng lãng mạn đậm chất Hà Thành đã khiến cho ca khúc trở nên bất hủ. Đến nay, trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, ca khúc này vẫn sống mãi với thời gian, để rồi cứ mỗi dịp tháng 10 về, trong không khí hân hoan mừng ngày chiến thắng, bài hát lại vang lên như nỗi lòng và niềm tự hào của biết bao thế hệ người Hà Nội.

"Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát lấp lánh lưỡi lê sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây..."

Tổng hợp: Anh Thư
Đồ họa: Thanh Nga

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ban-hung-ca-dac-biet-va-du-cam-ngay-chien-thang-196793.htm