Ban hành luật góp phần đảm bảo sự bình yên cho nhân dân là hết sức cần thiết

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, sáng nay 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại phiên họp, đã có 27 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận; không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, các ý kiến phát biểu sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp có đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận thống nhất rằng, việc ban hành dự án luật, một quyết sách góp phần đảm bảo sự bình yên, an ninh cho nhân dân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là dự án luật mà Quốc hội khóa XIV chưa thống nhất thông qua tại Kỳ họp thứ 10, năm 2020. Mong muốn Quốc hội cân kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nội dung luật có gì khác biệt so với khi trình Quốc hội khóa XIV, để khi luật được thông qua thì chúng ta có thể đủ tự tin trả lời các vấn đề, các nội dung mà Quốc hội khóa trước đã đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng đề nghị làm rõ, khi dự án luật này được ban hành thì ngân sách nhà nước phải chi tăng thêm bao nhiêu trong khoản chi thường xuyên, vì với quy định của dự án luật thì lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được bố trí địa điểm làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị trang phục, công cụ hỗ trợ…

Đại biểu nêu cụ thể, hiện nay ở cơ sở, đối với lực lượng dân phòng, dân phố, chỉ có 2 đồng chí là đội trưởng và đội phó dân phòng được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ khiêm tốn (lần lượt là 20% và 15% lương tối thiểu vùng/người/tháng), còn các đối tượng còn lại thì chế độ bồi dưỡng thông qua nguồn quỹ an ninh trật tự do nhân dân đóng góp. “Với sự so sánh như thế mà cho rằng không tăng chi ngân sách nhà nước thì tôi thấy chưa được thuyết phục”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề hiệu quả tác động của luật khi được ban hành đối với tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở. Bởi từ trước đến nay, dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vẫn đạt được kết quả to lớn; nhân dân, lực lượng các đoàn thể cùng chung gánh vác nhiệm vụ này mà không đòi hỏi bất cứ chế độ nào. Nay hình thành một lực lượng mới, chuyên nghiệp hơn, có chế độ hẳn hoi thì liệu các lực lượng khác có còn đủ nhiệt huyết tham gia.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Quốc hội khi quyết định các vấn đề quan trọng, trong đó có luật này, cần hết sức cân nhắc; có thể chỉ là tương đối nhưng hướng đến phải là sự công bằng cho các đối tượng hưởng thụ./.

T. Bình (lược ghi)

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ban-hanh-luat-gop-phan-dam-bao-su-binh-yen-cho-nhan-dan-la-het-suc-can-thiet-a29829.html