Ban hành Luật Cấp, thoát nước là giải pháp căn cơ, giải quyết nhiều khó khăn của ngành

Sau nhiều cuộc Hội thảo; Tọa đàm về tồn tại, khó khăn của ngành Cấp, thoát nước Việt Nam đã tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Theo đó, việc sớm ban hành Luật Cấp, thoát nước là giải pháp căn cơ, được nhiều người cho rằng, cần thiết và cấp bách.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, còn nhiều quy định chồng chéo trong ngành Cấp, thoát nước.

Nhiều quy định chồng chéo

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn: Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống con người. Ngoài ra, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có liên quan đến sử dụng tài nguyên nước và nguồn nước sạch. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc ngày 28/7/2010 đã thông qua Nghị quyết công nhận việc tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh là một quyền cơ bản của con người.

Nước thải là sản phẩm được thải từ các hộ thoát nước sau khi sử dụng. Trong nước thải có thể chứa nhiều hóa chất, mầm bệnh...nếu không qua xử lý, diệt vi khuẩn mà thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm. Trong nhiều năm qua, đa số nước thải sinh hoạt, nước thải từ chăn nuôi, trồng trọt thải trực tiếp ra môi trường và dòng chảy mặt đã gây ô nhiễm nặng nề, nhất là các dòng chảy mặt tại các đô thị, khu dân cư.

Việc bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, phòng tránh các dịch bệnh do nước gây ra chưa có đủ chế tài để tổ chức thực hiện và xử lý các vi phạm; cuộc sống và sức khỏe của con người vẫn chưa được pháp luật bảo vệ bởi chưa có Luật về cấp, thoát nước.

Hội thảo thực thi chính sách ngành Cấp, thoát nước nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý trên cả nước.

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc cấp nước, thoát nước; trong khi đó, các quy định liên quan đến thích ứng, giảm thiểu và khắc phục tác động của biến đổi khí hậu đến cấp nước, thoát nước còn thiếu, không đồng bộ và đang nằm rải rác ở các luật có liên quan khác đã hạn chế việc quản lý phát triển ngành này.

Do vậy, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ: Thể chế hóa trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực cấp, thoát nước bằng các luật như Luật Cấp, thoát nước; tiến hành rà soát, điều chỉnh, định hướng phát triển cấp nước và thoát nước phù hợp với yêu cầu mới của giai đoạn; thực hiện bảo đảm cấp nước, thoát nước an toàn, điều tiết các mối quan hệ trong cung cấp dịch vụ cấp, thoát nước, quản lý dịch vụ cấp, thoát nước…

Nguyên nhân và giải pháp

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh đánh giá nhiều nguyên nhân và đề xuất giải pháp.

Đánh giá những nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn, tồn tại của ngành, ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong quá trình thực thi chính sách ngành Cấp, thoát nước thời gian qua ghi nhận nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nói trên là:

Một là, về thể chế chưa đồng bộ so với các pháp luật liên quan; tốc độ GDP tăng; đô thị tăng; dân số tăng nhưng hệ thống nhà máy và mạng lưới tăng không đáng kể.

Hai là, công tác quy hoạch chưa bám sát thực tiễn; lồng ghép trong các đồ án quy hoạch; đôi khi vẫn phải điều chỉnh. Hiện nay, việc tách riêng quy hoạch cấp nước giữa đô thị và nông thôn làm hai khu vực này thiếu tính gắn kết, do đó khi phát triển mở rộng đô thị hoặc mở rộng dịch vụ cấp nước đô thị ra vùng nông thôn lân cận, đặc biệt các khu vực vùng sâu, xa, vùng núi, vùng khó khăn về nguồn nước, việc đầu tư các công trình cấp nước đang gặp khó khăn về nguồn vốn hoặc đầu tư không hiệu quả, không huy động được khối tư nhân tham gia.

Ba là, công tác cổ phần hóa và xã hội hóa ngành Cấp thoát nước dưới sự chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua bước đầu đã có hiệu quả. Tuy nhiên, còn một số địa phương và một số nơi thực hiện chưa đúng yêu cầu và chưa có vai trò kiểm soát của Nhà nước nên đâu đó vẫn còn thực hiện chưa đúng và chưa hiệu quả việc này. Gây ra hiện tượng phát triển cấp nước manh mún nhỏ lẻ; chưa thu hút nguồn lực đầu tư lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và cấp nước.

Bốn là, công tác thanh tra; kiểm tra giám sát thực hiện theo quy định pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên và có lúc chưa chặt chẽ.

Theo ông Tạ Quang Vinh, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về ngành Nước nêu trên, chúng ta sẽ phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cấp thoát nước cụ thể là Luật Cấp, thoát nước và các văn bản dưới luật; với mục tiêu kiểm soát hoạt động cấp nước, thoát nước mưa chống ngập, thu gom xử lý nước thải, quản lý vận hành, cơ chế tài chính, huy động nguồn lực. Luật Cấp, thoát nước được xây dựng và ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cao nhất thúc đẩy ngành Nước phát triển; khi đó người dân và doanh nghiệp tuân thủ pháp luật của Nhà nước sẽ yên tâm trong đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.

Luật Cấp, thoát nước được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định Nghị đinh 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định 80 về thoát nước, những yêu cầu về quản lý chuyên ngành; học hỏi, tiếp thu từ kinh nghiệm quốc tế; xử lý các thực tế bất cập về ngành Nước và hướng tới phát triển bền vững, hòa nhập quốc tế.

Tại Nhật Bản, Luật giúp nhân rộng hạ tầng thoát nước

Ông Norihide Tamoto, có Luật sẽ nhanh chóng nhân rộng hạ tầng thoát nước.

Ông Norihide Tamoto, chuyên gia JICA về thoát nước và xử lý nước thải chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về ngành thoát nước trước và sau khi có Luật: “Khi Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật Thoát nước vào năm 1900, chỉ có 3 thành phố là Tokyo, Osaka và Sendai bắt đầu triển khai dịch vụ thoát nước ở Nhật Bản. Sau khi luật được ban hành, hơn 50 thành phố đã phát triển hệ thống thoát nước hiện đại với diện tích khoảng 26.393ha với dân số được phục vụ là 5,6 triệu người.

Có thể nói rằng, luật được ban hành đã khiến Chính phủ dành sự ưu tiên cho các công trình thoát nước và thúc đẩy việc phát triển hệ thống thoát nước cho chính quyền địa phương”.

Theo ông Norihide Tamoto, ở giai đoạn hiện tại, ông muốn nhấn mạnh khuyến nghị để tạo nên xây dựng ngành Thoát nước bền vững ở Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản:

“Thứ nhất, thiếu đầu tư và chưa chú trọng đến việc thu hồi nước và tài nguyên. Việc tăng cường đầu tư vào hạ tầng nước và thúc đẩy tái sử dụng nước và bùn thải là cần thiết.

Thứ hai, hệ thống tài chính hiện tại trong lĩnh vực thoát nước không chỉ thiếu bền vững do mức phí quá thấp mà còn chưa khuyến khích được đầu tư tư nhân. Cần phải thu mức phí phù hợp để các công ty thoát nước có thể tự chủ. Tăng cường minh bạch của các dịch vụ thoát nước.

Thứ ba, nguy cơ ngập lụt đô thị ngày càng cao hơn so với trước đây. Thoát nước mưa là một trong những vai trò, chức năng chính của hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, việc đầu tư cũng như các chính sách chống ngập úng đô thị dường như vẫn chưa được tập trung ưu tiên.

Và cuối cùng là hoàn thiện thể chế hay cải thiện tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong khu vực công. Tăng cường phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chính quyền Trung ương cần xây dựng các hướng dẫn và tiêu chuẩn cần thiết cho địa phương quản lý để giảm gánh nặng về con người cho chính quyền địa phương”.

Ban hành Luật là giải pháp căn cơ nhất

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật bày tỏ quan điểm: Hiện nay, nhiều ngành, lĩnh vực đã có luật điều chỉnh như Luật Giá, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Điện lực, Luật Tài nguyên nước… trong khi vấn đề cấp, thoát nước liên quan đến toàn xã hội, từ người dân, đến doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức đều được thụ hưởng. Do vậy, nếu sớm ban hành Luật thì nhiều những tồn tại, vướng mắc, khó khăn của ngành sẽ được tháo gỡ sớm.

Cục Hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Báo Xây dựng tổ chức tọa đàm tháo gỡ khó khăn ngành Cấp, thoát nước.

Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) coi việc xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, Cục đã khẩn trương tổ chức nhiều 4 cuộc hội thảo, 1 cuộc tọa đàm tiếp thu ý kiến đóng góp, để xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến thông qua theo kế hoạch.

Cục đã tham mưu để Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 992/BXD-HTKT ngày 17/3/2023 đề nghị các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình triển khai thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp thoát nước.

Sau khi hoàn thiện lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, ngày 31/7/2023, Bộ Xây dựng có văn bản ngày 3378/BXD-HTKT lấy ý kiến các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ và Ngoại giao… và các địa phương, doanh nghiệp cấp thoát nước tại; đồng thời lấy ý kiến rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Xây dựng đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Tới đây, tháng 9/2023 Cục sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Tư pháp thẩm định; Tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật vào tháng 10/2023; Hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước 31/12/2023; Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 5/2024 sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Luật trình Quốc Hội.

Song song với đó là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp nâng cao ý thức sử dụng tài nguyên nước; dùng nước sạch và xả thải ra môi trường. Vận động người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý tích cực đóng góp, xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước hoàn chỉnh, đúng, trúng, hiệu quả.

Đỗ Quang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ban-hanh-luat-cap-thoat-nuoc-la-giai-phap-can-co-giai-quyet-nhieu-kho-khan-cua-nganh-359860.html