Bán hàng lưu động tại khu dân cư

Trước tình hình nhiều chợ, siêu thị phải tạm đóng cửa do liên quan tới các ca mắc Covid-19, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chủ động triển khai hình thức bán hàng lưu động tại các khu dân cư, giúp người dân mua các thực phẩm, hàng hóa thiết yếu với giá bình ổn, đồng thời giảm mật độ người đến chợ, siêu thị.

Người dân quận Long Biên mua hàng tại điểm bán hàng lưu động của siêu thị Aeon.

Người dân quận Long Biên mua hàng tại điểm bán hàng lưu động của siêu thị Aeon.

Những ngày này, người dân quận Hai Bà Trưng có thêm các điểm mua sắm mới. Tại tầng 1 nhà A chợ Đồng Tâm, ngách 20 ngõ Trại Cá, phường Trương Định, điểm bán hàng lưu động mới mở, hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ 30 phút. Tại đây, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt, Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce... đã đem tới các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt cá, trứng gia cầm, mì, gạo... và các hàng hóa thiết yếu khác. Chị Phạm Thanh Huyền (ở ngõ Trại Cá, phường Trương Định) cho biết: “Khi được thông tin về điểm bán hàng này, tôi đã đến đây mua sắm để đỡ phải đi xa, vào chợ đông người. Tôi thấy giá hàng hóa tại đây ổn định, hợp lý. Rất mong trên địa bàn có thêm nhiều điểm bán như thế này để hàng hóa phong phú hơn, người dân thuận tiện mua sắm”.

Ngoài địa điểm này, tại phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), UBND phường cũng tổ chức hai điểm bán hàng lưu động tại số 307 phố Bạch Mai và số 36 phố Hồng Mai, với sự tham gia của cán bộ, công chức UBND phường và lực lượng cán bộ cơ sở, thanh niên tình nguyện. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc tại các điểm bán hàng lưu động. Người dân tới mua hàng theo thẻ đi chợ đã được phát, đi mua theo ngày giờ trên thẻ; khi tới được phân luồng và hướng dẫn giãn cách.

Trên địa bàn quận Long Biên, hệ thống siêu thị Aeon phối hợp quận Long Biên cũng đã triển khai các xe bán hàng lưu động nhằm cung ứng hàng hóa tới người dân. Hiện tại, các xe bán hàng của đơn vị đang duy trì bốn điểm bán tại các khu dân cư gồm số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; sân bóng đảo Sen 125 đường Nguyễn Sơn; sân chơi số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh. Các điểm này bán hàng từ 8 giờ đến 11 giờ hằng ngày trong suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Giám đốc siêu thị Aeon Long Biên, Đàm Mạnh Tuấn cho biết, giá bán các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động luôn bằng giá bán tại siêu thị, được niêm yết cụ thể tại mỗi điểm để người dân có thể dễ dàng tham khảo và yên tâm mua sắm. Để bảo đảm an toàn phòng dịch, nhân viên bán hàng và khách hàng đều được yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định 5K của Bộ Y tế với sự hỗ trợ, điều phối của cán bộ, các đoàn thể tại từng phường. Mỗi ngày, siêu thị Aeon bố trí khoảng tám tấn hàng hóa thiết yếu cho bốn điểm bán hàng lưu động nêu trên, nhiều mặt hàng còn được giảm giá như bắp cải Mộc Châu từ 16 nghìn đồng/kg giảm còn 10 nghìn đồng/kg; hành tây Đà Lạt giá 29.900 đồng/kg giảm còn 25 nghìn đồng/kg...

Đại diện siêu thị Aeon cho biết thêm, đơn vị đã làm việc với nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng và vận chuyển, lưu thông hàng hóa liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân quận Long Biên. Đơn vị sẵn sàng mở thêm các điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.

Cũng nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm của người dân, các bưu cục, đơn vị chuyển phát nhanh của ngành bưu điện cũng đang tích cực tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người tiêu dùng Thủ đô. Đơn vị đã triển khai 472 điểm bán hàng thiết yếu tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã, cửa hàng tiện lợi Postmart, điểm bán hàng lưu động. Người dân có thể mua hàng tại các điểm này. Theo đại diện Bưu điện TP Hà Nội, nếu không muốn trực tiếp tới các điểm bán hàng, người dân hoàn toàn có thể gọi điện tới các bưu cục gần nhất để đặt hàng. Sau khi nhận đơn, nhân viên bưu điện sẽ chuyển phát miễn phí tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, do dịch Covid-19 lây lan rộng, 20 chợ, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã bị đóng cửa tạm dừng hoạt động. Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa ở mức cao nhất để phục vụ nhân dân trên địa bàn, đổi mới các hình thức kinh doanh, tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, đi chợ hộ, bán hàng lưu động… Các địa phương đã phối hợp Sở Công thương, doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19, trong đó mỗi phường, xã tổ chức thêm ít nhất một điểm bán. Những nơi chưa có chợ thì tổ chức từ hai điểm bán trở lên. Đáng chú ý, nhiều hệ thống lớn đã nhanh chóng vào cuộc. Hệ thống VinShop đã đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu tại 30 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô cũng đang rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất… để giúp thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, giãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động. Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân, đồng thời, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách.

AN NHIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/ban-hang-luu-dong-tai-khu-dan-cu-658515/