'Bàn giao' gì cho cải lương trăm năm tới?

Trước khi diễn ra liveshow, NSND Minh Vương có bày tỏ lo ngại về việc đóng vai Võ Minh Luân tuổi 18, sợ bà con nói 'tui cưa sừng'. Và đêm diễn 16.3, khán giả đã giải tỏa hoàn toàn cho ông nỗi lo ấy!

Không chỉ thế, hầu như những người dự khán đều thể tất cho mọi sự ở một chương trình mà những vai chính toàn do nghệ sĩ trên 70 tuổi đảm nhận. Họ hát sống nên hơi có hụt, lời có quên; hoặc cả khi có một hai câu vô vọng cổ thu sẵn thì thảy cũng là điều dễ nhận ra và dễ chấp nhận. Tôi dám chắc không có đâu trong làng kịch nghệ thế giới mà những nghệ sĩ đã bước vào tuổi 75 - 80 lại đảm đương vai trung tâm, họ thuộc tuồng đến từng dấu đờn, họ tinh tế trong mỗi nét diễn, họ cùng lúc trong gần 4 tiếng đồng hồ đảm đương không dưới 5 - 6 kịch mục nặng ký. Chỉ có thể là nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của sân khấu cải lương Việt Nam.

Quả thực, họ còn hiện diện đó, bà Lựu, cô Nguyệt, nàng Thị Lộ… bên cạnh Võ Minh Luân, Minh, Nguyễn Trãi là đã kỳ tích. Nên đêm 16.3, Thị Lộ - Ức Trai (NSND Ngọc Giàu - NSND Minh Vương) có ngồi ngay ngắn một chỗ để ca diễn cũng hay, cũng đẹp; làu thuộc hết câu vô Văn thiên tường có một không hai của Võ Minh Luân hay cái động tác vỗ trán tự thán, dằn vặt của cô Lựu (NSND Bạch Tuyết) cho đến từng câu thoại đứt gãy đầy tâm trạng của Nguyệt (NSND Lệ Thủy) được nối bằng một đoạn đờn chầu cho khán giả “thấm” trước khi Minh vô Nặng tình xưa, thật sự là những “báu vật sống” trong lòng khán giả.

Và tôi nghĩ, đó là giáo trình sống, là bài giảng thực cho tất cả những sinh viên, diễn viên mới vào nghề mà không chỉ nhà trường, cả hội nghề nghiệp cũng cần lấy đó để sinh hoạt nghiệp vụ. Cải lương, sau một trăm năm, nếu không đi từ cách kế thừa thành tựu, trong đó có phân tích, đúc kết một cách khoa học để hình thành phương pháp tổ chức, thực hiện, truyền bá thì sẽ rất khó tạo một gạch nối - chuyển tiếp - phát triển cho… vài năm tới (chứ đừng nói chi chuyện trăm năm).

Cải lương cũng cần được “nhúng” vào kỹ nghệ để công chúng thời này, không riêng gì giới trẻ đặng xem đó là cách thức thích nghi - một phẩm tính của cải lương - với đương thời, điều mà không phải loại hình sân khấu dân tộc nào cũng có thể dự phần. Thử lướt qua các nền tảng mạng xã hội, không riêng bài Vọng cổ mà các bài bản Tổ, bài bản mới đều được những tiktoker, youtuber, creator cover say sưa, nhiệt tình như Vọng kim lang, Đoản khúc lam giang, Phi vân điệp khúc… Đó là một “đặc quyền” của âm nhạc cải lương!

Tôi không mong nhưng cũng không thể không nghĩ tới việc liveshow Minh Vương gần như là cuộc hội ngộ sau cùng của đầy đủ “thế hệ vàng”. Đã đến lúc, họ cần được nghỉ ngơi thật sự. NSND Bạch Tuyết nói với tôi, đêm qua trước khi diễn, bà đã thầm “nói chuyện” với ba nghệ sĩ Thành Được, Thanh Tòng, Thanh Sang và cầu ba anh phù hộ cho Võ Minh Thành - Thanh Tuấn.

Hoặc, để níu giữ họ và cũng để lưu giữ tài năng của họ thì cần nhiều hơn vai trò bảo trợ của Nhà nước - thông qua các đơn vị chức năng, với một nhận thức lẫn cách thức bài bản, chuyên nghiệp và trên hết là trách nhiệm trước một “di sản” của thành phố.

Từ trái: NSND Minh Vương (vai Võ Minh Luân), NSND Bạch Tuyết (vai cô Lựu) và NSƯT Phương Hồng Thủy (vai Kim Anh) trong trích đoạn của vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu, liveshow “NSND Minh Vương - Khôi nguyên vọng cổ”, tối 16.3.2024 tại TP.HCM. Ảnh: Thúy Bình

Cũng hôm rồi, khi thông tin sân khấu tư nhân Đại Việt tái dựng Người ven đô, có nhiều ý kiến lo ngại rằng “Ai sẽ thay thế Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan… trong Người ven đô bản mới?”. Tôi nghĩ, điều đó xem ra không mấy công bằng với nghệ sĩ trẻ và cả với nhà sản xuất. Bởi, không cứ gì trong Người ven đô; không chỉ là Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan… mà sẽ không ai thay thế được ba tài danh ấy trong vở diễn ấy và nhiều vở diễn, bài ca khác nữa. Vậy hãy cứ (nên) dành sự tôn trọng, sự đón nhận một cách công tâm nhất cho các thế hệ nghệ sĩ kế thừa (trong các vai diễn, vở diễn đã từng được các nghệ sĩ tài danh thể hiện trước đó).

Tự thân từng vai diễn ấy trong bản tái dựng có thật sự đúng (về diễn biến tâm lý, tính cách, tình huống), có thật sự trúng (trong lối ca, thoại, nói lối ở từng lớp, mảng miếng), có thật sự hay (không chỉ tròn vai, tròn vành…), để họ trọn vẹn với nhân vật mà họ đang thủ diễn. Giọng ca, tài diễn chưa thể, không thể là như ông Mười nhưng, với khả năng và tài năng mà họ có, việc xử lý, thể hiện trong từng lớp diễn, câu ca đã làm toát lên một ông Tám Khỏe của version 2024.

Tất nhiên, tài năng phải đủ, khả năng phải có, kỹ năng phải chuyên nghiệp thì người nghệ sĩ mới có thể tự tạo cho mình một tư thế, trước khi bị so sánh “Ai sẽ thay thế…”.

Mà ngoại trừ tài năng do thiên phú thì “nhị năng” còn lại dứt khoát phải được tiếp cận - chuyển giao bằng ý thức đi cùng kiến thức học nghề, làm nghề và giữ nghề một cách nghiêm cẩn và trách nhiệm nhất có thể.

Tôi dám chắc không có đâu trong làng kịch nghệ thế giới mà những nghệ sĩ đã bước vào tuổi 75 - 80 lại đảm đương vai trung tâm, họ thuộc tuồng đến từng dấu đờn, họ tinh tế trong mỗi nét diễn, họ cùng lúc trong gần 4 tiếng đồng hồ đảm đương không dưới 5 - 6 kịch mục nặng ký. Chỉ có thể là nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của sân khấu cải lương Việt Nam.

Một trong những hành động “thay lời muốn nói” của một trong những tên tuổi lớn của “thế hệ vàng” là NSND Bạch Tuyết đã chọn thời điểm bà tròn 80 tuổi để chính thức ra mắt chương trình truyền hình “Học viện Cải lương” (phát sóng vào tuần đầu tháng 4.2024). Nó không đơn thuần là một gameshow mà thông qua đó, chương trình có độ dài ghi hình - phát sóng trong hơn 6 tháng này còn đảm nhận chức năng tuyển chọn - đào tạo (với phương pháp truyền nghề bởi các nghệ sĩ tài danh của các thế hệ) - thi thố và khai thác - phát triển hậu cuộc thi. Các khóa học cũng theo đó được nối dài với mục tiêu trao lại những bài học làm nghề - làm người quý giá mà “Cải lương chi bảo” đã được học từ các người thầy, đồng nghiệp của mình.

Và tất nhiên, đây cũng là một trong những chương trình văn hóa - sân khấu dân tộc được “nhúng” vào công nghệ để tăng tính tương tác với công chúng, nhất là công chúng trẻ trên các nền tảng mạng xã hội, tạo sự kết nối hai chiều: đưa cải lương đến khán giả và mở rộng, hội nhập nhiều sắc màu, thanh âm văn hóa khác cho cải lương. Bởi trong cuộc “bàn giao” này, ước vọng của NSND Bạch Tuyết không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ - với thiên chức làm nghề mà còn hướng tới công chúng - họ thấy mình trong cuộc chuyển tiếp này và có trách nhiệm đồng hành, tiếp sức.

Cũng là một chuyện của giới, mới đây việc chuyển toàn bộ bàn thờ Tổ, di ảnh NSND Phùng Há từ Khu dưỡng lão nghệ sĩ sang Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè để lập thành bàn thờ cho khu vực các nghệ sĩ là một hành động ý nghĩa. Song, hơn thế nữa là hoàn thành cho chỉn chu, trang nghiêm, văn minh một “combo” của giới sân khấu - văn hóa Sài Gòn - TP.HCM là Nhà thờ Tổ nghệ sĩ (Cô Bắc) - Chùa/nghĩa trang nghệ sĩ - Viện dưỡng lão nghệ sĩ (tạm thời đặt trong Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè) như một di sản văn hóa của thành phố. Một trong “những việc cần làm ngay” chính là lấy lại mặt bằng đã bị trưng dụng làm cà phê, chuyển nhà vệ sinh án ngữ xéo mặt tiền của gian thờ Tổ xuống phía dưới, mở rộng hơn lối lên… cũng như quy tập và sắp xếp lại cho văn minh hơn khu vực nghĩa trang. Mọi việc cần thực hiện minh bạch, công khai trong giới, ngoại giới.

Và còn nhiều điều, nhiều việc hơn thế nữa để có cái mà “bàn giao” cho trăm năm tới!

Lê Huyền Ái Mỹ

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ban-giao-gi-cho-cai-luong-tram-nam-toi-43184.html