Bàn giải pháp đẩy lùi vấn nạn tự tử bằng lá ngón ở Điện Biên Đông

Sáng nay (24/10), Huyện ủy Điện Biên Đông tổ chức hội thảo 'Thực trạng và giải pháp đẩy lùi vấn nạn tự tử bằng lá ngón trên địa bàn huyện Điện Biên Đông'. Hội thảo được tổ chức trực tuyến đến 14 xã, thị trấn trong toàn huyện. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh.

Đại biệu dự hội thảo tại điểm cầu Huyện ủy Điện Biên Đông.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Điện Biên Đông ghi nhận gần 40 vụ ăn lá ngón tự tử. Cụ thể: Năm 2018 xảy ra 34 vụ làm 13 người chết; năm 2019 xảy ra 46 vụ, làm chết 10 người; năm 2020 xảy ra 41 vụ, làm chết 11 người; năm 2021 xảy ra 38 vụ, làm chết 9 người; năm 2022 xảy ra 26 vụ, làm chết 6 người; 9 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ, làm chết 11 người. Các vụ tử tự bằng lá ngón phần lớn xảy ra trong đồng bào dân tộc Mông, tập trung tại các xã: Phì Nhừ, Xa Dung, Keo Lôm, Háng Lìa. Nạn nhân các vụ ăn lá ngón thường là nữ giới. Trong đó, dưới 18 tuổi chiếm 49,91%; từ 19 - 45 tuổi chiếm 45,72%; trên 45 tuổi chiếm 4,37%. Nguyên nhân dẫn đến ăn lá ngón tự tử chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống nhiều khó khăn.

Công an huyện Điện Biên Đông tham luận tại hội thảo.

Hội thảo tập trung phân tích nguyên nhân và bàn các giải pháp đẩy lùi nạn tự tử bằng lá ngón. Trong đó tập trung việc tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị sống cho từng lứa tuổi; truyền thông, nói chuyện chuyên đề về cách ứng xử và nuôi dạy con cái. Triển khai các hoạt động phù hợp với các yếu tố văn hóa, giới tính, lứa tuổi và dân tộc; nâng cao kỹ năng sống; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội; các xã, thị trấn tích cực phát huy vai trò người có uy tín, trưởng dòng họ trong vận động người dân nói không với lá ngón…

Đại biểu tại điểm cầu xã Xa Dung tham gia giải pháp đẩy lùi vấn nạn tự tử bằng lá ngón trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông Mùa A Vảng nhấn mạnh: Các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng để địa phương bàn thảo các nhóm giải pháp khắc phục phù hợp. Đồng thời đề nghị các cấp ủy, chính quyền cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai các nhóm giải pháp như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/HU, ngày 15/12/2021 của Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường tuyên truyền trực quan để nâng cao nhận thức của người dân về độc tố của cây lá ngón.

Tin, ảnh: Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/209911/ban-giai-phap-day-lui-van-nan-tu-tu-bang-la-ngon-o-dien-bien-dong