Bàn Đạt linh hoạt phát triển kinh tế

Bàn Đạt từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình. Tuy nhiên, những định hướng và nhiều cách làm phù hợp trong phát triển kinh tế đã giúp đời sống của nhân dân trên địa bàn ngày một nâng cao.

Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bàn Đạt đã vươn lên làm giàu.

Xã Bàn Đạt có tổng diện tích tự nhiên trên 1.744ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 1.500ha. Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên, từ năm 2015, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã định hướng người dân đầu tư phát triển những loại hình kinh tế phù hợp nhằm tận dụng diện tích đất hiệu quả nhất.

Trên cơ sở định hướng của xã, Hội Nông dân và cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp thường xuyên bám sát cơ sở để tuyên truyền, định hướng người dân phát triển chăn nuôi. Đối với những hộ có đất vườn, đồi rừng thì vận động trồng cây keo hoặc cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà thả vườn. Còn diện tích đất vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả, xã khuyến khích người dân cải tạo để trồng cây công nghiệp và cây ngắn ngày.

Nhờ định hướng đúng đắn, đến nay, toàn xã đã có 184 trang trại, cơ sở chăn nuôi, tăng 64 cơ sở so với năm 2020. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả hoặc gặp khó khăn về nước tưới, người dân đã chuyển đổi sang trồng cây chè và lạc với tổng diện tích trên 100ha. Riêng đối với cây chè, trên địa bàn xã đã hình thành những khu vực sản xuất tập trung tại xóm Phú Lợi, Đá Bạc, Đồng Quan.

Hằng năm, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình tổ chức 1-2 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp người dân nắm bắt kiến thức phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng và chế biến cây chè… Từ đó áp dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi.

Xã Bàn Đạt cũng tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện. Đơn cử vào năm 2017, từ dự án phát triển sản xuất của huyện, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ giống chè cho người dân ở xóm Phú Lợi, Đồng Quan, Đá Bạc với diện tích là 45ha.

Từ các chương trình của tỉnh, trên địa bàn xã có 2 mô hình chăn nuôi được hỗ trợ 8.000 con gà gống vào năm 2020; hỗ trợ 9 con bò giống cho hộ nghèo là người dân tộc thiểu số vào năm 2023.

Xã Bàn Đạt khuyến khích người dân phát triển cây chè, góp phần nâng cao thu nhập.

Chị Đào Thị Lan ở xóm Phú Lợi chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 1ha đất sản xuất nông nghiệp và vườn tạp. Trước đây, tôi trồng sắn, ngô nhưng hiệu quả thấp. Sau khi được cán bộ nông nghiệp tuyên truyền, gia đình tôi đã cải tạo đất để trồng cây chè; được tiếp cận với nguồn hỗ trợ của huyện về giống cây và tập huấn quy trình trồng, chế biến theo quy chuẩn VietGAP. Hiện diện tích chè của gia đình bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng đạt 1 tạ chè búp khô/ha, giá bán trung bình đạt 150 nghìn đồng/kg. Những năm tới, sản lượng thu hái chắc chắn sẽ nhiều hơn, giúp gia đình có nguồn thu nhập khá.

Với định hướng phát triển kinh tế phù hợp và các giải pháp đồng bộ, xã Bàn Đạt đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất đai. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn đạt 125 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2020. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.034 tấn.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả đã giúp đời sống của nhiều hộ dân được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm, tăng 11,9 triệu đồng so với năm 2020.

Ông Đặng Khắc Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, định hướng người dân phát triển chăn nuôi và trồng những loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh phối hợp với phòng, đơn vị chuyên môn để mở các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, xã cũng mong muốn các cấp, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án sản xuất trên địa bàn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/ban-dat-linh-hoat-phat-trien-kinh-te-2200012/