Bạn có thói quen trì hoãn không?

Nếu bạn từng gặp khó khăn trong việc tự thuyết phục mình làm những việc nên làm hoặc muốn làm, thì bạn hẳn đã trải qua sự trì hoãn.

Khi trì hoãn, thay vì thực hiện nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa, bạn lại tiêu phí thời gian vào những việc vụn vặt.

Ảnh minh họa sách.

Nếu là người hay trì hoãn điển hình, có thể bạn đã dành quá nhiều thời gian để nhấn nút lặp lại khi báo thức reo, xem tivi, chơi điện tử, lướt Facebook, ăn uống (dù không đói tí nào), luôn tay dọn dẹp, đi đi lại lại trong phòng, hoặc ngồi nhìn chăm chăm vào tường. Sau đó, bạn thấy bất lực và bị nhấn chìm bởi cảm giác tội lỗi và thất vọng. Một lần nữa, bạn lại không làm gì cả. Nghe quen lắm đúng không?

Nhưng ngay lúc này, hãy cẩn thận. Trì hoãn không phải là lười biếng đơn thuần. Người lười biếng đơn giản là không làm gì cả và cảm thấy như vậy cũng chả sao. Ngược lại, người trì hoãn có mong muốn làm điều gì đó, nhưng không thể tự ép mình bắt tay vào làm. Họ thực sự muốn hoàn thành nghĩa vụ của mình nhưng không tìm ra cách.

Cũng đừng nhầm lẫn giữa trì hoãn với thư giãn. Thư giãn giúp bạn sạc lại năng lượng. Trái lại, trì hoãn rút cạn năng lượng của bạn. Càng có ít năng lượng, càng có nhiều khả năng bạn trì hoãn trách nhiệm, và một lần nữa bạn không hoàn thành được việc gì.

Mọi người thường để nước đến chân mới nhảy. Họ biện minh bằng cách tuyên bố rằng, khi phải chịu áp lực, họ làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, ngược lại mới đúng. Việc trì hoãn mọi thứ cho đến tận phút cuối sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho căng thẳng, cảm giác tội lỗi, tình trạng kém hiệu quả. Câu tục ngữ “Việc hôm nay chớ để ngày mai” đã giải thích chính xác điều này.

Ảnh minh họa trong sách.

Một hệ thống phát triển cá nhân

Bên cạnh chương giới thiệu và kết luận, cuốn sách được chia thành bốn phần tương đối độc lập.

Phần đầu tiên giải thích về cách vận hành của động lực và mang đến một bộ công cụ có thể giúp bạn tạo ra Tầm nhìn cá nhân (Personal vision). Đây là một công cụ hỗ trợ bạn tìm thấy và duy trì động lực bên trong dài hạn.

Phần hai tập trung vào tính kỷ luật, hay kỹ năng làm việc hiệu quả để đạt được tầm nhìn của mình thông qua thực hiện các hoạt động chủ chốt và tuân thủ thói quen hằng ngày. Phần này bao gồm những phương pháp rõ ràng để chiến đấu với thói trì hoãn, công cụ quản lý nhiệm vụ cũng như thời gian, và công cụ dành để học hỏi thói quen tích cực và loại bỏ thói quen tiêu cực.

Phần ba tập trung vào kết quả đạt được từ hành động của bạn và mô tả phương pháp duy trì hạnh phúc. Các công cụ thực tiễn sẽ giúp bạn đạt được trạng thái ổn định cảm xúc tốt hơn; bạn sẽ học được cách làm thế nào phản kháng lại những thất bại và tác động tiêu cực bên ngoài.

Phần bốn, cũng là chủ đề cuối của cuốn sách này, là tính khách quan – khả năng nhìn thấu những nhận thức sai lầm bạn đang có về cả thế giới xung quanh lẫn chính mình. Chỉ khi nào xác định được thiếu sót của mình, bạn mới có thể sửa chữa thiếu sót ấy.

Petr Ludwig, Adela Schicker/Fonos - NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-co-thoi-quen-tri-hoan-khong-post1465788.html