Bám bản gieo chữ cho học trò vùng cao

Trên những dãy núi cao ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu đang có những điểm trường, ngôi trường và những bản làng nằm lẩn khuất giữa đại ngàn xanh thẳm. Vượt qua nhiều khó khăn, những giáo viên nơi đây đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp “trồng người”.

Giờ thực hành hóa học của thầy trò Trường PTDT Bán trú - THCS Co Mạ.

Giờ thực hành hóa học của thầy trò Trường PTDT Bán trú - THCS Co Mạ.

Cùng chị Cao Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh Co Mạ, đến điểm trường bản Xa Nhá B, là điểm trường xa nhất cách trung tâm xã gần 30 cây số. Đoạn đường này có khoảng 15 km là đường rừng; nhiều đoạn dốc cheo leo một bên là vực thẳm, từ xa nhìn con đường như sợi chỉ vắt ngang những đỉnh núi. Quả là không hề dễ đi, vậy mà ngày nào các giáo viên điểm trường này vẫn băng băng đi qua.

Sau gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đến Xa Nhá B. Ở vùng cao này khó tìm được mặt bằng để làm nền nhà, chính vì thế khi xây dựng năm 2018 điểm trường không có sân chơi cho trẻ, cô giáo phải tận dụng hành lang để làm chỗ ăn ở, sinh hoạt ngoài giờ cho trẻ. Cô giáo Phá Thị So, nhà ở xã Co Tòng, huyện Thuận Châu, mới vào dạy từ đầu năm học này, chia sẻ: Điểm trường có 26 học sinh, là dân tộc Mông và Khơ Mú của 2 bản Xa Nhá B, Hát Xiến, 100% học sinh thuộc diện hộ nghèo. Sáng nào cũng vậy, phụ huynh đưa trẻ đến lớp mang theo cả đồ ăn trưa để trẻ ăn, ngủ tại lớp. Nơi đây gió lạnh quanh năm, mùa đông đến rồi, trẻ lại thiếu chăn ấm, áo ấm, thương các cháu lắm.

Nhà trường có gần 600 học sinh, 10 điểm trường lẻ. Có gia đình sống rải rác trên các sườn đồi, xa bản, cách điểm trường 5-7 cây số, nên không cho trẻ đi học; cũng có phụ huynh để trẻ tự đi bộ đến lớp. Có lần, cô giáo điểm trường thông báo một số trẻ không đến lớp, nhưng lại không liên lạc được với phụ huynh, nên Ban Giám hiệu chia nhau đến tận gia đình để tuyên truyền, vận động các gia đình cho con em đi học và quan tâm đến trẻ nhiều hơn.

Giờ ra chơi của học sinh Trường mầm non Bình Minh Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Giờ ra chơi của học sinh Trường mầm non Bình Minh Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Do tảo hôn, nên một số trẻ đến tuổi đi học không có giấy khai sinh. Cô Hiệu trưởng cùng các giáo viên đến từng nhà để động viên trẻ ra lớp và vận động giáo viên toàn trường góp tiền mua sách vở cho các cháu. Cô giáo Huệ trăn trở: Sự hiểu biết của bà con hạn chế, tỉ lệ hộ nghèo cao, còn nhiều hủ tục lạc hậu. Vì vậy, tôi mong các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ chơi trong lớp, ngoài trời để trẻ yêu trường, yêu lớp hơn.

Cách trường mầm non không xa là Trường tiểu học Co Mạ 1. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư xây dựng. Các em xa nhà từ 4 cây số trở lên đều được hưởng chế độ bán trú, cùng với sự chăm sóc tận tình của các thầy cô giáo. Trường lớp ngày càng khang trang, có điện, có giếng nước... các thầy cô giáo yên tâm công tác, bám trường, bám lớp, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo,dục. Điều mừng là, hầu như không còn tình trạng học sinh bỏ học ở bậc học này.

Cô giáo Ngô Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Co Mạ 1, có gần 15 năm gắn bó với mảnh đất này, cho biết: Trường có 25 lớp với 667 học sinh; có một điểm trường lẻ ở bản Po Mậu, với 10 lớp, 247 học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú của 8 bản thuộc xã Co Mạ. Điểm trường có 190 học sinh bán trú, các em ở các bản xa điểm trường từ 10 đến hơn 15km.

Ngoài những khó khăn chung của ngành giáo dục ở các xã vùng cao, việc dạy học ở Trường PTDT bán trú - THCS Co Mạ lại có những khó khăn riêng. Đó là, đa số học sinh nhà xa trường, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường, trong khi đó, số lượng phòng ở khu bán trú hạn chế, do đó đa số học sinh phải ở trọ nhà dân, vì vậy ngoài giờ học trên lớp, nhà trường và gia đình khó khăn trong việc quản lý giờ giấc học tập và sinh hoạt của các em.

Thầy giáo Lê Trung Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú -THCS Co Mạ, chia sẻ: Do ngoài giờ lên lớp không có người quản lý, nên có học sinh chơi game, lướt web, tham gia mạng xã hội đến đêm muộn... tiềm ẩn việc tiếp cận văn hóa phẩm độc hại, bị lôi kéo dụ dỗ tham gia các tệ nạn xã hội, nạn tảo hôn, vi phạm Luật Giao thông đường bộ... Do đó, nhà trường đã và đang thực hiện “Giải pháp trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bán trú tại Trường PTDTBT-THCS Co Mạ” để trang bị thêm kiến thức cho học sinh và được học sinh toàn trường ủng hộ.

Co Mạ là một trong 6 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, chủ yếu là đồng đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo cao, sự hiểu biết của nhân dân hạn chế. Huyện đã bố trí 1 trường THPT, 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường PTDT bán trú - THCS, với 86 lớp, trên 2.800 học sinh. Trước đây, bậc tiểu học đều có các điểm trường lẻ, nhưng để học sinh được hưởng các chế độ của Nhà nước, nên đã đưa phần lớn học sinh tiểu học và THCS về bán trú tại trường trung tâm. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục đã được nâng lên.

Những nỗ lực vượt khó của các cô giáo, thầy giáo ở vùng cao Co Mạ đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; tỉ lệ lên lớp các cấp năm sau cao hơn năm học trước; duy trì tốt sĩ số học sinh... Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn kiên trì, thầm lặng bám bản để gieo giấc mơ con chữ cho học trò vùng cao.

Bài, ảnh: Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/bam-ban-gieo-chu-cho-hoc-tro-vung-cao-kfqheUVSR.html