'Bài toán' thoát nghèo cho người dân vùng cao Hà Giang với cây dược liệu

Hà Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu quanh năm mát mẻ, rất thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển.

Tiềm năng lớn về phát triển dược liệu

Hà Giang là một tỉnh miền núi phía bắc có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển các mô hình rừng nhiệt đới. Đặc biệt, dải núi Tây Côn Lĩnh và cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo thành 3 tiểu vùng mang đặc điểm khác nhau và kiểu thời tiết á nhiệt đới và ôn đới phù hợp với phát triển cây dược liệu.

Hiện nay, tỉnh Hà Giang có gần 1.565 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành. Nhiều loài quý hiếm như: Bát giác liên, hoa tiên, giảo cổ lam, hoàng tinh cách, thạch hộc... 51 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam . Trong đó, có 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia.

Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển dược liệu. Ảnh: Minh Ngọc

Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển dược liệu. Ảnh: Minh Ngọc

Theo các kết quả điều tra thổ nhưỡng, Hà Giang có 9 nhóm đất canh tác, đặc biệt là nhóm đất đen xám ở vùng Quản Bạ đều rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp và cây dược liệu. Ngoài ra, do địa hình bị chia cắt đã tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu nên nguồn gen về cây dược liệu của Hà Giang cũng rất đa dạng, phong phú.

Ngoài lợi thế về mặt điều kiện tự nhiên, Hà Giang còn là nơi sinh sống của 19 dân tộc; mỗi dân tộc đều có vốn tri thức bản địa về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, chế biến và sử dụng dược liệu địa phương. Tổng diện tích cây dược liệu trên toàn tỉnh Hà Giang cho đến thời điểm hiện nay là 10.727 ha. Từ những điều kiện trên đã tạo nên những lợi thế riêng có, đặc thù trong phát triển dược liệu của Hà Giang với các tỉnh Đông bắc và Tây bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện, tỉnh Hà Giang đã và đang đi đúng hướng trong việc thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến và phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, để kế hoạch được thực hiện như kỳ vọng, yêu cầu đặt ra những giải pháp mang tính đồng bộ, sát thực tiễn hơn để dược liệu thực sự là mục tiêu trọng điểm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Nỗ lực trở thành trung tâm dược liệu quốc gia

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng cao của thị trường, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp linh hoạt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến từ cây dược liệu. Tỉnh Hà Giang đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm giới thiệu sâu rộng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về tầm quan trọng và tiềm năng của cây dược liệu.

Thông qua các cuộc hội nghị như: Hội nghị xúc tiến phát triển vùng rau hoa, dược liệu của tỉnh; Hội thảo phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông bắc và Tây bắc; Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang thành vùng trọng điểm; Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp dược liệu tại Hà Giang để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và phát triển vùng trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư là chính sách mang lại nhiều bước tiến lớn trong phát triển dược liệu ở Hà Giang. Ảnh: Minh Ngọc

Phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư là chính sách mang lại nhiều bước tiến lớn trong phát triển dược liệu ở Hà Giang. Ảnh: Minh Ngọc

Thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã linh hoạt trong việc giao mặt bằng và đất sạch cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để trồng mới cây dược liệu; 100% lãi suất vay vốn để xây dựng vườn ươm giống dược liệu với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Hỗ trợ 100% lãi suất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản.

Đặc biệt, Hà Giang còn thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến dược liệu như: hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/nhà máy chế biến dược liệu; hỗ trợ 30% tiền thuê đất trồng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đặt tại tỉnh (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) với thời gian hỗ trợ 60 tháng...

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để trồng mới cây dược liệu; 100% lãi suất vay vốn để xây dựng vườn ươm giống dược liệu với mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ 36 tháng. Hỗ trợ 100% lãi suất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-toan-thoat-ngheo-cho-nguoi-dan-vung-cao-ha-giang-voi-cay-duoc-lieu-16923103014001517.htm