Bài toán định vị và nâng tầng sản phẩm OCOP - Kỳ 2

KỲ 2: NAN GIẢI CHUYỆN GIỮ SAO VÀ NÂNG HẠNG SẢN PHẨM OCOP

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tạo ra nhiều sản phẩm, khẳng định được lợi thế của các địa phương, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, không ít các sảm phẩm đạt sao nhưng các chủ thể còn loay hoay trong việc giữ sao, phát triển thương hiệu và nâng hạng cho sản phẩm.

Nhiều sản phẩm OCOP khó nâng hạng

Thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp sau khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP nhưng sau một thời gian không mở rộng được thị trường, hoặc quy mô cơ sở sản xuất chưa lớn, hạ tầng cơ sở đầu tư chưa bài bản nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; nhiều sản phẩm mang tính thời vụ, chưa chế biến sâu; một số chủ thể chưa tâm huyết, chưa chủ động xây dựng nâng tầm thương hiệu… nên có nguy cơ bị tụt sao, thậm chí bị người tiêu dùng quên lãng, “chết yểu”. Đơn cử như các sản phẩm: thanh long ruột đỏ, ruột trắng An Phú; rau cải xanh, rau cải bao, nước cốt chanh leo, nho đen, lạc đỏ, hạt dẻ Trùng Khánh…

Một vấn đề khiến cho sản phẩm OCOP khó định vị trên thị trường và chưa nâng tầm được sản phẩm, đó là một số sản phẩm OCOP chỉ ở cấp độ làng, xã có quy mô nhỏ, các sản phẩm hàng hóa OCOP có chất lượng, mẫu mã, tên gọi na ná nhau và có sự tương đồng khá cao. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngờ, “hoa mắt” trước các sản phẩm và cũng làm giảm tính cạnh tranh từ sản phẩm OCOP.

Sản phẩm Dao Phúc Sen (Quảng Hòa) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao nhưng sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, dẫn đến việc nâng hạng sao cho sản phẩm cũng gặp khó khăn.

Là một trong những địa phương đi đầu trong toàn vùng về Chương trình OCOP, đến nay, huyện Quảng Hòa có 30 sản phẩm thuộc 9 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác và 6 cơ sở sản xuất. Riêng năm 2023, là năm đầu huyện thực hiện phân cấp cho UBND cấp huyện hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm và đánh giá, phân hạng sản phẩm nên đã đánh giá và công nhận 19 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao cấp huyện. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào sau khi gắn sao cũng tìm được chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ rộng rãi và khẳng định giá trị riêng. Ngay như sản phẩm chè, huyện có 2 sản phẩm chè Lũng Sâu và chè Lũng Pán đều đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao hay như 2 sản phẩm hoai lang Phúc Sen, khoai lang Tự Do... Nếu không quan sát và tìm hiểu kỹ, nhiều người tiêu dùng khó có thể phân biệt được chất lượng và mẫu mã sản phẩm của các chủ thể sản xuất.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nông Chí Kiên cho rằng: Thực tế cho thấy, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP trở thành giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP vẫn gặp khó khăn trong việc định vị và nâng tầm sản phẩm. Nguyên nhân là các sản phẩm của người dân nơi đây chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô, tính độc đáo và nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài. Nhiều địa phương lúng túng trong cách làm, xác định tiềm năng, lợi thế và chủ thể sản xuất, mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm nhiều đến phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống. Một số sản phẩm do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, chưa quan tâm đến kiểu dáng, bao bì đóng gói nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng hàng hóa của các hệ thống phân phối... dẫn đến việc nâng hạng sao cho sản phẩm gặp khó khăn.

Loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Ngoài những khó khăn nội tại, có một hạn chế nữa mà sản phẩm OCOP không có chỗ đứng trên thị trường đó là đầu ra cho sản phẩm. Để được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn rất nhiều công sức. Thế nhưng khi “những đứa con tinh thần” được gắn nhãn sản phẩm OCOP thì các “ông chủ” lại loay hoay tìm lối đi cho sản phẩm, bởi nhiều sản phẩm OCOP vẫn “vắng bóng” trên kệ hàng của các trung tâm thương mại, siêu thị…

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số sản phẩm OCOP của tỉnh, như: sản phẩm lạp sườn, thịt hun khói của Hợp tác xã Tâm Hòa; miến dong Tân Việt Á của Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á; gạo nếp Hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm; các sản phẩm bún khô của Hợp tác xã nông nghiệp 3 sạch Hưng Đạo, Công ty TNHH Cao Tuyền… đã ký kết hợp đồng với một số chuỗi siêu thị lớn như hệ thống siêu thị Winmart+, Big C, AEON và tham gia thị trường tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng và các hệ thống siêu thị tại Cao Bằng; một số sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu, gồm: sản phẩm hồng trà, lục trà của Công ty TNHH Kolia được xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia; sản phẩm chiếu trúc, Chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, còn một số sản phẩm chưa đưa vào siêu thị được do: sản lượng không đáp ứng nhu cầu của siêu thị, sản phẩm không bảo quản được lâu, giá thành cao hơn các sản phẩm thông thường…

Về sự chọn lựa giữa sản phẩm thường và sản phẩm OCOP, chị Hoàng Thu Hương, phường Sông Hiến (Thành phố) chia sẻ: Vẫn biết sản phẩm OCOP chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng nhưng giá cao nên tôi hay mua những sản phẩm thường, rất ít khi dùng các sản phẩm OCOP, nếu có thì chỉ mua làm quà biếu trong dịp lễ, tết.

Khi được hỏi về các kênh bán hàng, các chủ thể sản phẩm OCOP đều cho rằng việc tiếp cận các kênh bán hàng qua siêu thị, hệ thống thương mại là rất khó. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ thông qua các nền tảng mạng xã hội, bán lẻ hoặc bán qua các thương lái quen nên thị trường không ổn định, giá trị kinh tế không cao.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu được bán qua các hội chợ thương mại, cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở các sự kiện của tỉnh.

Bà Nông Thị Lệ Thùy, chủ thể của sản phẩm thạch đen Lê Thùy Thạch An cho biết: Thạch đen Lê Thùy được công nhận OCOP 3 sao năm 2020. Mặc dù sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhưng do điều kiện địa lý cách trở, gặp những khó khăn về giao thông và chi phí vận chuyển, dẫn đến khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm bị hạn chế. Vì vậy, phần lớn sản lượng thạch đen được sản xuất ra chủ thể đều tự bày bán, quảng bá qua mạng xã hội, tiêu thụ theo hình thức truyền thống, bán tự do trên thị trường.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Hòa Hoàng Huy Hiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chủ sản phẩm loay hoay tìm thị trường tiêu thụ là do sản xuất quy mô nhỏ, việc hình thành chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Nhiều đơn vị sản xuất chưa chú trọng đầu tư quảng bá sản phẩm, mẫu mã nghèo nàn, nhiều sản phẩm sản xuất mang tính thời vụ nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Thực tế cho thấy, trước sự “nở rộ” Chương trình OCOP thì còn có nỗi lo về đầu ra sản phẩm. Câu chuyện về sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh là một ví dụ điển hình. Theo đó, sau khi đạt chuẩn 3 sao và được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hạt dẻ chủ yếu vẫn chỉ tiêu thụ nội địa và giá bán ngoài thị trường không cao hơn so với lúc chưa được chứng nhận, bởi quy mô sản xuất nhỏ. Sản phẩm tạo ra chủ yếu ở dạng thô, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm chưa được chú trọng khiến cho sản phẩm khó lọt vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn.

Lời giải cho bài toán để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, nâng tầm được sản phẩm, tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở phù hợp điều kiện của địa phương; lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.

Kỳ cuối: Cần có giải pháp đưa sản phẩm OCOP lên tầm cao mới

KỲ 1: “BỆ PHÓNG” CHO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VƯƠN XA

Thanh Thúy

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bai-toan-dinh-vi-va-nang-tang-san-pham-ocop-ky-2-3168548.html