Bài toán để xuất bản Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển

Từ xu hướng xuất bản của thế giới đến bài toán để xuất bản Việt Nam đổi mới, hội nhập, phát triển và góc nhìn về trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam.

Công nghệ số và toàn cầu hóa đang tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trên lĩnh vực xuất bản sách. Khó có thể nhận định ngay rằng trong những thay đổi đang diễn ra, thay đổi nào là tích cực, thay đổi nào là tiêu cực bởi sẽ cần nhiều thời gian hơn để kiểm chứng cho tác động của nó, nhưng việc nắm bắt, tìm hiểu để khai thác trở thành một yêu cầu sống còn cho các nhà xuất bản trên khắp quy mô toàn cầu.

Chúng ta không nằm ngoài vòng xoáy phát triển chung đó dù có nhiều nét đặc thù, vì thế, trong giới hạn bước đầu tìm hiểu, chúng tôi cung cấp các xu hướng quan trọng đang diễn ra trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là những xu thế nổi trội hiện nay, trong ngành xuất bản thế giới.

Vậy những xu thế đó là gì? Có những xu hướng nào cần lưu tâm đối với chúng ta.

1. Chuyện về xu hướng xuất bản nhìn từ thế giới

Nội dung và hình thức sách

Bên cạnh việc chứng kiến tác động ghê gớm của đại dịch Covid-19 đối với ngành xuất bản trên khắp thế giới, mà như một phân tích trên tờ Publishers Weekly, đại dịch vẫn xuất hiện trong xuất bản năm 2022, thì chính nhờ sự phát triển rất mạnh về công nghệ, khiến cho việc in sách với số lượng ít vẫn có thể đáp ứng lợi nhuận của nhà xuất bản.

Vì thế, nhìn trên bình diện nội dung sách, rất nhiều nhà xuất bản ngày càng quan tâm và tập trung xuất bản các sách có nội dung đáp ứng nhu cầu mang tính cá thể hóa ngày càng cao của bạn đọc. Đặc biệt xu hướng này kết hợp với xu hướng tự xuất bản sẽ nói ở phần sau khiến cho cơ cấu thị trường có sự thay đổi rất lớn. Trong khảo sát năm 2021 ở thị trường sách Mỹ, số lượng đầu sách có tira khoảng 1.000 bản tăng cao. Penguin Random House đã chứng kiến 3/4 doanh số bán hàng của mình trong các danh mục đó biến mất khỏi thị trường tự xuất bản từ năm 2011 đến 2019.

Tuy nhiên, xuất bản thế giới vẫn không thiếu những dòng sách chủ đạo, tạo lượng bạn đọc lớn. Trong những năm gần đây, những cuốn sách thuộc thể loại chính trị trở nên rất phổ biến; đặc biệt là các cuốn sách dạng hồi ký, tự truyện của các nhân vật chính trị nổi tiếng, hoặc những cuốn sách viết về các nhân vật chính trị nổi tiếng; sách do các nhân vật chính trị nổi tiếng viết.

Và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023. Cuốn sách thứ ba của cựu Tổng thống Barack Obama, Miền đất hứa, đã bán được 3,3 triệu bản tại Mỹ trong tháng đầu tiên xuất bản. Cả hai cuốn sách Cuộc đời tôi của Bill Clinton và Những điểm quyết định của George W. Bush đã bán được tổng cộng từ 3,5 đến 4 triệu bản.

Những cuốn sách về Donald Trump cũng cực kỳ nổi tiếng. Tính đến tháng 12 năm 2020, 12 cuốn sách phổ biến nhất về Trump đã bán được hơn 3,1 triệu bản in. 4/10 sách phổ biến nhất trên Amazon là những cuốn sách được viết bởi hoặc dựa trên Kamala Harris. Cuốn sách gần đây nhất của Tổng thống Mỹ John Biden, Promise Me, Dad là cuốn sách bán chạy nhất của tờ The New York Times, với số lượng bán được hơn 300.000 bản. So sánh ở Việt Nam, thời gian qua, chúng ta thấy, sách giáo khoa, sách bài tập vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 60-70% tổng bản sách, trong khi chiếm chưa đến 7% số đầu sách.

Về hình thức, sẽ không ngạc nhiên khi thấy sách điện tử đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng so với sách truyền thống. Đặc biệt, người ta chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất mạnh của sách nói hoặc sách nghe nhìn. Nếu trước đây, sách nói chỉ xuất hiện ở loại hình sách hư cấu hay các sách chính trị, triết học, lịch sử thì hiện nay, phạm vi sách nói đã mở rộng sang cả sách có nội dung học thuật.

Thế hệ OTG thích nghe và xem hơn là chỉ đọc. Do đó, xu hướng xuất bản sản xuất nhiều nội dung học thuật nghe nhìn hơn là nội dung viết phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng. Định dạng xuất bản nghe nhìn làm cho nghiên cứu dễ tiếp cận hơn.

Định dạng này thu hút lượng khán giả lớn hơn, mở rộng cơ hội cho các nhà xuất bản trên toàn thế giới. Tìm kiếm nền tảng sách nói Audible đã tăng 140% trong 15 năm qua. Và 20% người tiêu dùng Mỹ đã nghe sách nói trong năm ngoái. Doanh thu sách nói ở Mỹ năm 2022 tăng 14,3% so với năm 2021.

Phạm vi sách nói đã mở rộng sang cả sách có nội dung học thuật. Ảnh: Thanh Trần.

Bên cạnh định dạng sách nói, sách nghe nhìn, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của các nền tảng tóm tắt sách. Thế giới ngày nay có nhịp độ nhanh, và thích mọi thứ đang di chuyển. Tương tự, người tiêu dùng cũng thích phiên bản tóm tắt của sách phi hư cấu. Để đáp ứng những nhu cầu này, vô số nền tảng cung cấp tóm tắt sách đã xuất hiện.

Nội dung sách dung lượng nhỏ trở nên có nhu cầu cao trên toàn thế giới. Các nền tảng tóm tắt sách này tạo ra nội dung bằng văn bản và nghe nhìn. Do đó, ý tưởng ban đầu về các nền tảng xuất bản trực tuyến đã khai sinh ra một số nền tảng quy mô nhỏ và quy mô lớn cung cấp các bản tóm tắt ngắn về những cuốn sách nổi tiếng.

Các nền tảng xuất hiện và nổi lên với sức cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay như Blinkist, GetAbstrast, Storyshort, Audible (12 phút), Mentorbox (hợp tác với các tác giả để biến tài liệu của một cuốn sách thành một khóa học đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Doanh thu của Blinkist khoảng 37 triệu đôla; GetAbstrast là 24 triệu đôla, Mentorbox là 6,2 triệu đôla).

Quy trình và việc ứng dụng công nghệ vào xuất bản

Đang có cuộc chuyển biến mạnh về quy trình xuất bản xuất phát từ những ứng dụng mới về công nghệ. Trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất gắn với các công nghệ đột phá như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại - ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, công nghệ di động, phân tích dữ liệu lớn..., những thói quen mới của độc giả dần hình thành và chiếm ưu thế như: mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook (sách điện tử) và VRbook (sách thực tế tăng cường ảo) buộc các nhà xuất bản phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu.

Về cơ hội, trước hết, xét một cách cơ bản, mục đích của xuất bản chính là truyền tải tri thức, lan tỏa, chia sẻ tri thức của một người, một nhóm người, một cộng đồng và của toàn nhân loại nhằm giữ gìn, bảo lưu các giá trị của tri thức. Mục đích đó sẽ được đáp ứng tối ưu nhất với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, các ứng dụng công nghệ truyền thông mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống (sách in giấy) sẽ được giảm thiểu để sản phẩm đến được tay nhiều độc giả nhất, trong thời gian nhanh nhất.

Bên cạnh đó, nếu xét những nhân tố thúc đẩy (tốc độ, chiều sâu và phạm vi ảnh hưởng, sự chuyển đổi triệt để của toàn bộ hệ thống), công nghệ mới sẽ thay đổi bản chất công việc của tất cả các ngành nghề. Tự động hóa thay thế dần sức lao động của con người. Người ta đã thấy sự thay thế máy móc cho con người ngay cả ở một số hoạt động trước đây chỉ có thể do con người thực hiện trong hoạt động báo chí như công nghệ tự động viết tin hay những nội dung đơn giản với tốc độ nhanh, tạo ra nhiều phiên bản khác nhau cho nhiều đối tượng.

Và với xuất bản, sẽ không lạ nếu một ngày nào đó, những công việc thường xuyên hiện nay của biên tập viên sẽ được thay thế bằng những phần mềm chuyên dụng. Thêm nữa, sự phát triển của trí thông minh nhân tạo sẽ trợ giúp cho biên tập viên trong một số khâu công việc, chẳng hạn như tổng hợp tất cả nguồn thông tin về cùng một chủ đề trên toàn cầu, những robot sẽ thay thế bộ phận chế bản hay nhân công làm kỹ thuật in ấn, giúp nhà xuất bản tinh giản bộ máy; đồng thời còn giúp nhà xuất bản kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát được tình trạng đạo văn, ăn cắp ý tưởng, tiếp cận được sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ...

Cùng đó, việc tiếp nhận thông tin “đầu vào” cho xuất bản cũng được mở ra những cơ hội mới. Thay vì lấy tác giả làm trung tâm như xuất bản truyền thống, tức là thông thường, tác giả có bản thảo sẽ tự tìm đến nhà xuất bản để xuất bản, thì nay, với những phương tiện hiện đại trong tay, được kết nối toàn cầu, các luồng thông tin trở nên đặc biệt phong phú, những người làm xuất bản không còn thụ động “ngồi chờ” nguồn bản thảo nữa, mà họ có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người đọc, hoặc chủ động tìm kiếm, khai thác đề tài rồi đặt các tác giả viết. Cũng chính nhờ sự phong phú, đa dạng của các nguồn thông tin mà ngày nay, các mảng đề tài được khai thác xuất bản ngày càng đa dạng hơn.

Ngoài ra, công nghệ mới sẽ giúp tiết kiệm chi phí lưu thông dẫn đến hạ giá thành sách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không gian lưu trữ... Với xuất bản sách giấy, nhà xuất bản chỉ có thể ước lượng nhu cầu của thị trường để quyết định số lượng bản in, nếu số bản tiêu thụ thực tế nhỏ hơn mức dự tính ban đầu thì sẽ dẫn đến tình trạng sách tồn kho, lãng phí một nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Sách điện tử có thể khắc phục được mối lo ngại này.

Thực tế, trong những năm qua, có thể thấy trí tuệ nhân tạo (AI) âm thầm và mạnh mẽ tác động vào quy trình xuất bản. AI mang lại nhiều lợi thế và có nhiều tiềm năng cho những tiến bộ thuận lợi hơn. Tất nhiên AI không chỉ đem đến sự thuận lợi. Theo Steve Forbes, Tổng biên tập Tạp chí Forbes nổi tiếng, AI, và cụ thể là ChatGPT, có thể đánh dấu kết thúc của việc xuất bản sách.

Mô hình xuất bản

Từ những thay đổi về sản phẩm và quy trình đưa đến những thay đổi về mô hình. Lúc này, cùng các mô hình đã có, sẽ xuất hiện những mô hình mới mà trọng tâm của nhà xuất bản không chỉ còn là bản thân sản phẩm, mà là định hướng khách hàng; cũng tức là các nhà xuất bản thay cho vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sẽ chuyển dần sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa người đọc với tác giả. Ngược lại, một số công ty cung cấp dịch vụ thông tin sẽ lấn sân, trở thành “bà đỡ” cho mỗi ấn phẩm. Nhìn trên bình diện toàn cầu, ta có thể thấy mấy xu hướng mới về mô hình như sau:

- Cá nhân tự xuất bản: Số lượng sách tự xuất bản trực tuyến đã vượt xa các bảng xếp hạng kể từ năm 2010. Đại dịch Covid-19 đã đẩy những con số này đi xa hơn. Các tác giả không phải lo lắng về việc tìm kiếm một nhà xuất bản coi tác phẩm của họ đáng được xuất bản. Thay vào đó, các nhà văn có thể dễ dàng tự xuất bản sách của họ trực tuyến thông qua các nền tảng xuất bản điện tử khác nhau theo ý của họ.

Tự xuất bản cho phép các nhà văn cung cấp cho độc giả cách tiếp cận tốt hơn tới tác phẩm của họ và nhờ vậy, họ nhận được thù lao cao hơn. Thập kỷ vừa qua đã ghi lại những câu chuyện thành công của vô số tác giả tự xuất bản, những người đang dẫn đầu cuộc chơi của họ bây giờ. Các tác giả từng xuất bản sách theo cách truyền thống đã chuyển sang tự xuất bản do những lợi ích vô tận mà nó mang lại.

Quay trở lại năm 2005, trước khi việc tự xuất bản trở nên phổ biến, các nhà xuất bản truyền thống của Mỹ đã xuất bản 172.000 đầu sách mới. Tính đến năm 2021, các nhà xuất bản truyền thống đã phát hành gần 300.000 đầu sách mỗi năm trong khi hoạt động tự xuất bản tạo ra 2,3 triệu đầu sách. Các tác giả tự xuất bản hiếm khi bán được nhiều bản - hầu hết sách của họ không hay lắm - nhưng họ có đủ số lượng để chiếm một nửa tổng doanh thu sách điện tử và một phần lớn doanh thu sách bìa mềm. Họ đã tàn phá ngành kinh doanh thể loại tiểu thuyết (lãng mạn, khoa học viễn tưởng, kinh dị) tại các nhà xuất bản truyền thống. Penguin Random House chứng kiến 3/4 doanh số bán hàng của mình trong các danh mục đó biến mất khỏi thị trường tự xuất bản từ năm 2011 đến 2019. Theo một số ước tính, Mỹ hiện sản xuất tới 4 triệu cuốn sách mỗi năm, nếu bạn tính gộp cả xuất bản thương mại, tự xuất bản, tái bản, tài liệu thuộc phạm vi công cộng, xuất bản giáo dục...

- Các “đại gia” xuất bản hợp nhất: bắt đầu những năm 2000, ngành xuất bản bị chi phối bởi “sáu ông lớn”: Hachette, Macmillan, Penguin, HarperCollins, Random House và Simon & Schuster. “Sáu ông lớn” này chiếm 50% tổng số sách bán ra ở Mỹ vào năm 2012. Năm 2013, Random House và Penguin hợp nhất, để lại ngành này cho “năm ông lớn”. Số liệu thống kê cho thấy năm nhà xuất bản này chiếm 80% tổng số sách bán ra vào năm 2021. Cũng trong năm 2021, Penguin Random House (PRH) thông báo rằng họ mua Simon & Schuster với giá hơn 2 tỷ USD. Thương vụ đã không được thông qua.

- Kết nối và gián đoạn giữa xuất bản và thư viện. Nếu như mối quan hệ cộng sinh giữa thư viện và các nhà xuất bản đã tồn tại từ rất lâu thì trong bối cảnh các sản phẩm đọc, nghe, nhìn ngày càng chiếm ưu thế, sự rạn nứt đã xuất hiện. Vì các thư viện điện tử và nền tảng xuất bản trực tuyến thu được doanh thu từ cùng một người tiêu dùng, nên cuộc “ganh đua” giữa hai bên đã diễn ra trong suốt thập kỷ.

Sự căng thẳng giữa các thư viện và nhà xuất bản diễn ra đa dạng dưới nhiều hình thức. Một số nền tảng xuất bản trực tuyến, như Amazon, cấm các thư viện mua sách dưới ấn phẩm của họ. Các nhà xuất bản áp đặt giới hạn khi cung cấp sách của họ cho khách hàng quen. Sự gián đoạn này tuy đã được giải quyết bước đầu ở một số nơi nhưng về lâu dài, đây vẫn sẽ tiếp tục như một xu hướng của ngành xuất bản của năm 2023, mở ra một xu thế mới cho sự kết hợp, phân chia lợi ích giữa nhà xuất bản và thư viện.

Hình ảnh tại một kỳ hội sách Frankfurt, Đức. Ảnh: DW.

2. Từ câu chuyện xu hướng của thế giới đến bài toán để xuất bản Việt Nam đổi mới, hội nhập, phát triển và góc nhìn về trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam

Chủ động đón nhận các xu hướng mới và tìm lời giải riêng phù hợp với đặc thù của quốc gia mình là cách tiếp cận khôn ngoan và chính xác để tồn tại và phát triển trong thế giới VUCA (Volatility, uncertainty, complexity and ambiguity: biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ) hiện nay.

Thực tế, biên giới xuất bản giữa các quốc gia sẽ dần mờ đi trước tác động ngày càng dữ dội của công nghệ. Trong khi đó, nhìn về năng lực, quy mô, trình độ (cả quản trị lẫn nghiệp vụ) của ngành xuất bản nước nhà, tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế mà nếu không có giải pháp khả thi, chúng ta có thể thất bại ngay trên sân nhà. Về tổng thể có lẽ có sáu bài toán cần lời giải và trong đó, với trách nhiệm của mình, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ phải là một chủ thể tham gia tích cực vào việc tìm lời giải này.

Một là, tham gia vào công tác hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Trong hoàn thiện thể chế, Luật Xuất bản sẽ là khâu đột phá mũi nhọn. Không có nhiều quốc gia có một đạo Luật dành riêng cho xuất bản (Hiện chỉ có Trung Quốc có quy chế về quản lý hoạt động xuất bản do Quốc vụ viện ban hành [tương đương Nghị định của Chính phủ]; các quốc gia khác không có luật riêng mà là các quy định rải rác trong Luật bản quyền, thương mại, doanh nghiệp...). Chúng ta có Luật Xuất bản, và đã thi hành được 10 năm. Tới nay, nhiều nội dung đã bộc lộ độ trễ cần điều chỉnh. Nhưng có lẽ, những nội dung gắn với các chính sách khuyến đọc, chuyển đổi số, bảo vệ bản quyền và thương mại điện tử xuyên biên giới, là những nội dung cần thiết và cấp bách phải bổ sung khi sửa đổi Luật Xuất bản lần này.

Hai là, tham gia vào xây dựng và thực thi quy hoạch nhằm sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại. Là cơ quan tư vấn và phản biện, Hội cần thể hiện rõ nét vai trò của mình trong quá trình xây dựng và thực thi quy hoạch trên tinh thần tinh gọn đầu mối, chuyển đổi mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của nhà xuất bản; Xây dựng đề án phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm theo từng mảng sách, đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản và các đơn vị phát hành, dần hình thành chuỗi liên kết có thương hiệu mạnh, đủ năng lực dẫn dắt thị trường.

Ba là, hỗ trợ để các nhà xuất bản triển khai Chương trình sách Quốc gia, Chương trình sách mục tiêu và các Chương trình phát triển văn hóa đọc cộng đồng theo phương thức xã hội hóa. Việc thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản hoạt động dưới hình thức Công ty, do Hội quản lý sẽ là một giải pháp đột phá giúp các nhà xuất bản tháo gỡ khó khăn ngay từ khâu mua bản thảo; đồng thời hỗ trợ những start-up về công nghệ mạnh dạn đầu tư, phát triển những công nghệ mới, phát triển các thị trường mới (sách nói, sách thực tế ảo, sách tinh gọn), tạo động lực phát triển cho ngành.

Bốn là, truyền thông là chìa khóa để phát triển các thị trường sách. Hội cần trở thành trung tâm hỗ trợ hoạt động này trên cơ sở phát triển Tạp chí Tri thức trực tuyến với các hệ thống truyền thông báo chí và mạng xã hội.

Năm là, Hội cần chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu phát triển các module đào tạo số để các nhà xuất bản có thể chủ động xây dựng và triển khai thực hiện đào tạo, thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Cuối cùng, “xây” luôn đi kèm với “chống”. Phát triển thị trường cần đi đôi với các giải pháp bảo vệ thị trường, chống hiện tượng gian lận thương mại, buôn bán sách lậu, sách giả. Đây vốn là một vấn nạn nhức nhối bao năm qua. Sẽ cần những giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện thể chế đến tăng cường tuyên truyền ý thức pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn gian lận mà Hội cũng cần xác định trách nhiệm của mình để tham gia tích cực vào công tác này. Tuy nhiên, đã đến lúc cần sớm có một Trung tâm về bảo vệ bản quyền sách của Hội để có thiết chế tham gia hiệu quả công tác này.

Nguyễn Nguyên - Phạm Trần Long

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-toan-de-xuat-ban-viet-nam-doi-moi-hoi-nhap-va-phat-trien-post1446227.html