Bài thuốc trị đau mắt đỏ từ khi bệnh mới chớm

Đau mắt đỏ là tên gọi dân gian của bệnh viêm kết mạc, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (hay lòng trắng) và kết mạc mi. Bệnh gặp nhiều vào thời điểm giao mùa, từ nắng chuyển sang mưa, nóng sang lạnh...

1. Tác nhân gây bệnh và biểu hiện đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở cả nam và nữ, mọi lứa tuổi và dễ lây lan.

Có nhiều nguyên nhân gây đau mắt đỏ, có thể kể đến như:

- Virus:Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Đặc trưng bởi các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt.

- Vi khuẩn:Thường là vi khuẩn Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae ... Với các biểu hiện thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt.

- Dị ứng:Bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc... nhưng thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát với các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây.

Nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý, bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi thậm chí mù lòa.

Theo Y học cổ truyền, những biểu hiện của đau mắt đỏ được mô tả trong phạm vi các bệnh chứng "Thiên hành xích nhãn", "Bao phong khách nhiệt" hay "Bạch mạc sâm tình".

Nguyên nhân chủ yếu do cảm nhiễm phong nhiệt độc, gây mất cân bằng âm dương khí huyết, rối loạn công năng các tạng can và phế. Điều trị thường dùng các loại dược liệu có tính mát nhằm mục đích thanh nhiệt, giải độc, tư âm lương huyết.

Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân gây ra.

Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân gây ra.

2. Một số bài thuốc hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ

- Tả can tán: Hắc sâm 4g, tri mẫu 4g, khương hoạt 4g, mang tiêu 4g, đại hoàng 4g, cát cánh 4g, long đởm thảo 4g, hoàng cầm 4g, xa tiền tử 4g, đương quy 4g. Sắc mỗi ngày 1 thang uống sau ăn.

- Đạo xích tán: Mộc thông 4g, hoàng bá 4g, trúc diệp 4g, cam thảo 4g, sinh địa 4g, đăng tâm thảo 4g, chi tử 4g, tri mẫu 4g. Sắc mỗi ngày 1 thang uống sau ăn.

- Thanh nhiệt tả hỏa thang: Kinh giới 12g, bạc hà 12g, kim ngân hoa 16g, chi tử 12g, cát cánh 10g, tang bạch bì 10g, xuyên khung 8g, bạch chỉ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang sau ăn.

Vị thuốc hắc sâm trong bài thuốc Tả can tán.

Vị thuốc hắc sâm trong bài thuốc Tả can tán.

Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, tùy điều kiện có thể sử dụng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Trà búp 3g, tang diệp 4g, cúc hoa 10g, cam thảo 5g, sắc nước uống trong ngày.

Bài 2: Trà búp 5g, mướp đắng tươi 50g (khô 20g), sắc nước uống trong ngày.

Bài 3: Kim ngân hoa 10g, bạc hà 5g hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà.

Bài 4: Cốc tinh thảo 12g, tang diệp 3g, cúc hoa 6g, sắc nước uống trong ngày.

Bài 5: Củ mã thầy 60g, mía tươi 60g. Mã thầy và mía gọt, róc bỏ vỏ, rửa sạch, thêm nước, sắc uống trong ngày.

Củ mã thầy kết hợp với các vị thuốc khác hỗ trợ trị đau mắt đỏ khi bệnh còn nhẹ.

Củ mã thầy kết hợp với các vị thuốc khác hỗ trợ trị đau mắt đỏ khi bệnh còn nhẹ.

Những điều cần lưu ý khi điều trị đau mắt đỏ

Để việc điều trị có hiệu quả, bên cạnh sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh đau mắt đỏ cần lưu ý những điều sau đây:

Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Nhỏ mắt mỗi ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%.
Không dụi và day mắt để tránh làm tổn thương giác mạc.
Sử dụng kính chắn bụi, gió khi ra đường để giảm thiểu việc tiếp xúc với các loại khói bụi dễ gây kích thích cho mắt.
Không để nước bẩn dây vào mắt, tránh đi bơi khi bị bệnh.
Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian bị bệnh.
Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày để tăng cường hệ miễn dịch.
Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.

Mời bạn xem tiếp video:

Cách Điều Trị Đau Mắt Đỏ Do Virus Hoặc Vi Khuẩn | SKĐS

ThS.BS. Phạm Đức Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-tri-dau-mat-do-tu-khi-benh-moi-chom-169230807140821529.htm