Bài thuốc trị các trường hợp hen suyễn khi trời lạnh

Hen và suyễn là hai trạng thái bệnh lý khác nhau, tuy nhiên ít thấy chứng hen phát ra đơn thuần, mà phần nhiều có kèm theo suyễn...

Bệnh sinh chủ yếu từ tạng phế. Hen là tiếng khò khè trong cổ. Suyễn là hơi thở gấp gáp, hơi đưa lên thì nhiều, đưa xuống thì ít, thậm chí người bệnh không nằm ngửa được, phải so vai rụt cổ, há miệng mà thở. Khi gặp thời tiết lạnh, triệu chứng khó thở của hen suyễn có thể nặng hơn.

1. Các trường hợp hen suyễn khi trời lạnh

- Hen hàn: Biểu hiện hơi thở gấp gáp, trong họng có tiếng khò khè, ngực bụng đầy tức, đờm ít, trong và loãng, sắc mặt nhợt nhạt hoặt tím tái, miệng không khát hoặc khát nhưng thích uống nước ấm; có khi kèm theo sốt, sợ lạnh, thân mình đau nhức, không ra mồ hôi;

Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nổi nhanh (phù khẩn) hoặc căng nhanh (huyền khẩn), thì nên nghĩ tới trường hợp hen hàn (tức là chứng hen do sức chịu lạnh của cơ thể suy giảm gây nên).

Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc sau:

+ Trường hợp bệnh tương đối nhẹ, dùng bài "Ma hoàng cam thảo thang": Ma hoàng 6g (nếu không có ma hoàng có thể thay bằng lá tía tô khô 15g, hoặc lá tươi 30g), cam thảo 5g; dùng 300ml nước, sắc còn 100ml, uống hết 1 lần vào lúc đói bụng, mỗi ngày có thể dùng tới 2-3 thang.

Ma hoàng, vị thuốc trị hen suyễn.

+ Trường hợp bệnh nặng dùng bài "Tán hàn định suyễn thang": Ma hoàng 10g, tế tân 4g, bán hạ chế 10g, bạch giới tử (hạt cải trắng) 6g, tô tử (hạt tía tô) 6g, ngũ vị tử 3g, cam thảo 6g, gừng tươi 10g, hồng táo (táo tàu) 3 quả. Dùng 1000ml nước, sắc còn 450ml, chia ra 3 phần uống trong ngày (buổi sáng, buổi trưa và buổi tối) lúc đang đói bụng.

- Hen đờm: Biểu hiện khó thở, phải ngồi dậy hoặc nằm kê cao đầu mới thở được. Đờm gây tắc nghẽn trong họng nghe như tiếng kéo cưa, ngực đầy tức, đờm vàng đặc khó khạc ra ngoài; miệng không khát; rêu lưỡi dầy, mạch hoạt thực (trơn, mạnh), thì nên nghĩ tới trường hợp hen đờm.

Để chữa trị, có thể sử dụng bài thuốc "Tam tử dưỡng thân thang": Hạt củ cải (lai phục tử) sao vàng 6g, hạt cải trắng (bạch giới tử) sao vàng 3g, hạt tía tô (tô tử) sao 6g; tất cả đem giã nát, bọc vào túi vải, sắc nước uống thay trà trong ngày.

Vị thuốc cam thảo phối hợp với ma hoàng trị hen suyễn.

- Hen do nội thương suy yếu: Nếu thỉnh thoảng lại tái phát những cơn hen kéo dài, suyễn thở (thở gấp), người mệt mỏi, tiếng nói yếu ớt, hễ cử động là bệnh phát thêm nặng; môi và móng tay tím tái, chất lưỡi tối, mạch nhược (yếu), thì nên nghĩ tới trường hợp hen do cơ thể suy nhược.

Để chữa trị có thể dùng bài "Bổ hư định suyễn thang": Đảng sâm 15g, bạch truật 10g, phục linh 10g, ngũ vị tử 10g, sơn thù 10g, tô tử 6g, mẫu lệ 20g, cam thảo 6g; dùng 1200ml nước, cho mẫu lệ vào sắc trước, sau 20 phút mới cho các vị thuốc còn lại vào, sắc còn 450ml, chia ra 3 phần uống trong ngày (buổi sáng, buổi trưa và buổi tối), lúc đang đói bụng.

Lưu ý, trong điều trị hen suyễn, đang trong cơn phải cắt được cơn, định được suyễn, loại bỏ đờm, nằm hổ phục hoặc nghển cổ để dễ thở.

Tránh gió lạnh và khi thời tiết thay đổi, buổi sáng khi mới ngủ dậy không ra ngoài trời sớm, không uống nước lạnh. Giữ ấm cơ thể trong những ngày lạnh, ẩm, nhất là ban đêm.

Kiêng không ăn các thức ăn lạ, thức ăn sống lạnh, ăn đủ chất dinh dưỡng.

Vận động nhẹ nhàng.

Nghỉ ngơi, luyện tập đều đặn.

Mời bạn xem thêm video:

4 bí quyết để bạn sống thọ hơn | SKĐS

Lương y Huyên Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-tri-cac-truong-hop-hen-suyen-khi-troi-lanh-169231116230142585.htm