Bài kết: Khai thác 'mỏ vàng' như thế nào?

Có thể thấy việc đầu tư chứng khoán một cách cảm tính, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, không tuân thủ kỷ luật - đặc biệt là dùng đòn bẩy quá cao - đã khiến cho rất nhiều nhà đầu tư mất tiền, mất thời gian, tổn hại sức khỏe. Có người còn mất tất cả.Vậy các 'chứng sĩ' nên đầu tư như thế nào để có thể khai thác được 'mỏ vàng ròng' này?

Không dễ để có thể chiến thắng trên TTCK.

Càng đầu tư, càng lỗ nặng

Trả lời phỏng vấn PetroTimes, ông Nguyễn Tuấn Anh, sáng lập FinPeace - Công ty cung cấp giải pháp đào tạo và đầu tư chuyên nghiệp - cho biết có ba nguyên nhân khiến cho rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ khi tham gia thị trường. Đó là do thiếu kiến thức, thiếu chủ động và thiếu nhất quán.

Hiện thị trường có quá nhiều chuyên gia và nguồn tài liệu. Một số NĐT bị “tẩu hỏa nhập ma” khi mà phương pháp của chuyên gia nào cũng tham khảo, sách nào cũng đọc, nhưng không hiểu nguyên lý tiêu chuẩn, không biết áp dụng đúng. Thứ hai, họ đầu tư theo bạn bè và các nhóm hội chứng khoán, có lần lãi cao, có lần lỗ nặng song tổng kết lại thì vẫn lỗ.

Thứ ba, NĐT sử dụng nhiều phương pháp cùng lúc trong khoảng thời gian ngắn, dẫn đến việc ra quyết định vội vàng. Hoặc kết hợp nhiều phương pháp nhưng không rõ phương pháp nào là phù hợp và hiệu quả với bản thân.

Còn theo một chuyên gia thuộc Công ty chứng khoán Vietcap, đa phần NĐT tại Việt Nam (nhất là các NĐT mới) tham gia thị trường với tư tưởng “đánh bạc". Họ để cho sự tham lam và nỗi sợ hãi lấn át tất cả, khiến cho không thể phân biệt được lúc nào nên mua, lúc nào nên bán và thường “mua đỉnh bán đáy”.

Các NĐT này thường vung một khoản tiền lớn (của bản thân, gia đình hoặc đi vay) để đầu tư một cách hết sức dễ dãi. Hễ ai “phím" mã nào là nhắm mắt nhắm mũi mua bằng được, không cần biết đấy là công ty nào, làm ăn ra sao, thị trường đang có những thuận lợi khó khăn gì?, những biến số nào có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường? Đầu tư theo phương pháp nào, chốt lời cắt lỗ ra sao?

“Đa phần NĐT F0 đều chỉ muốn làm giàu nhanh. Họ ném một đống tiền vào rồi hy vọng nhân đôi, nhân ba tài khoản trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, dù cho có may mắn “ăn” được thời gian đầu thì sau lại phải trả lại thị trường hết, thậm chí âm vào vốn” - chuyên gia này cho biết.

Một số NĐT tham gia lâu hơn một chút thì lại mắc bệnh “gồng lỗ” giỏi mà “gồng lãi” kém. Do từng bị thua lỗ lớn, nên sau này khi trở lại thị trường nhiều NĐT thấy tài khoản của mình lãi khoảng 3% đến 5% đã vội “chốt lời". Nhưng đến khi lỗ 10%, rồi 20% thì họ vẫn giữ chặt quyết không bán. Cuối cùng dẫn đến một khoản lỗ lớn, đến 50-70% tài khoản thì không chịu nổi nữa, sợ mất hết nên đành ra quyết định cắt lỗ. Song oái oăm thay khi vừa nghiến răng bán thì cổ phiếu lại quay đầu tăng mạnh!

“Thực ra gồng lỗ không có gì sai, nếu như trước khi mua cổ phiếu nhà đầu tư đã nghiên cứu kỹ thị trường, nghiên cứu kỹ doanh nghiệp, sẵn sàng chịu khoản lỗ trong ngắn hạn, có kế hoạch giải ngân từng phần để “trung bình giá". Những nhà đầu tư này phải có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời khoản tiền mà họ đầu tư phải là tiền nhàn rỗi, không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường" - chuyên gia FinPeace khẳng định.

"Nhà đầu tư nên có cái nhìn dài hạn về cổ phiếu của doanh nghiệp" - chuyên gia Finpeace khuyến nghị.

Còn theo ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI - thường mọi người vào thị trường chứng khoán cứ nghĩ đến việc "lướt sóng" nhanh nhưng lại không hiểu rằng đầu cơ rất khó. Vậy nên với nhiều bạn mới chưa có kinh nghiệm lao vào thị trường, mà lại thích theo hàng "lái" (nhóm cổ phiếu đầu cơ cao), rồi lại cướp cả lái, thì hậu quả khôn lường.

Ăn được hàng của lái thì chỉ nhờ có may mắn thôi, chứ nếu lái nào để bạn ăn được liên tục thì hóa ra lái vì “đam mê”. May mắn thì như chơi xổ số: ngày nào mình cũng thấy có người trúng thưởng, chỉ có điều là mỗi ngày là một cái tên khác nhau, và thường thì đó không phải tên mình. Với các nhà đầu tư mới thì lao đầu vào đầu cơ là không nên. Tất nhiên bạn có thể bỏ một phần nhỏ danh mục vào hoạt động đầu cơ để trải nghiệm, nhưng đừng all-in ngay khi mới bắt đầu đầu tư.

Còn theo NĐT Nguyên Huấn - Công ty VPS, với thanh khoản trên thị trường trung bình khoảng 15-20 ngàn tỷ đồng/phiên thì vẫn luôn có cơ hội cho các nhà đầu cơ ngắn hạn, mua bán liên tục (còn gọi là trading T+).

Tuy nhiên, những NĐT này cần có đủ kinh nghiệm, trình độ phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật đều phải giỏi; có thời gian bám bảng. Thêm nữa cần hiểu rất sâu về các kỹ thuật trading khi thị trường sideway (đi ngang), uptrend hoặc downtrend…

Để thành công trên thị trường, NĐT cần dành thời gian học hỏi kiến thức, kinh nghiệm...

Tích sản cổ phiếu - lợi nhuận vững bền

Anh Nguyễn Văn Kiểm (45 tuổi trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) là một NĐT được bạn bè nhận xét là có phương pháp khá “dị".

Anh tham gia thị trường cũng từ một lời rủ rê của một người bạn đang làm quản lý trong một công ty sản xuất phân bón, hóa chất. Do không có quá nhiều thời gian để “soi” bảng điện, Kiểm giao dịch rất ít. Một tuần, có khi cả tháng anh mới mở ứng dụng ra, nạp tiền đặt lệnh mua 100-200 cổ phiếu. Số tiền này được trích ra từ khoản lương, thưởng và một số công việc “tay trái" của Kiểm.

Thoạt nghe thì kiểu đầu tư như vậy có vẻ “không ăn thua", song Kiểm cứ mua đều cổ phiếu trong 3-5 năm, thì tổng số cổ phiếu anh nắm lên đến vài chục ngàn. Mặc dù thỉnh thoảng do ảnh hưởng bởi các biến số kinh tế vĩ mô, thị trường thế giới… khiến giá phân bón giảm, và giá cổ phiếu có biến động song Kiểm vẫn kiên trì mua vào đều đặn, và tin tưởng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp thì dù có lỗ cũng chỉ trong ngắn hạn. Và cổ phiếu càng giảm anh lại càng mua thêm.

Theo sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp Kiểm nắm được thông tin doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi, và được nhận cổ tức đều đặn. Với phong cách đầu tư “ăn chắc mặc bền” như vậy, sau gần 10 năm đầu tư Kiểm đã nhân ba lần số vốn ban đầu. Hơn thế, Kiểm gần như không phải thấp thỏm, lo sợ rằng cả đống tiền của mình tự nhiên “bay hơi" đến quá nửa, chỉ sau một thời gian ngắn.

“Bạn bè khi biết tôi mua 100 cổ phiếu/tuần ai cũng cười lăn cười bò. Họ bảo đầu tư thế bao giờ mới giàu? Nhưng trải qua mấy đợt sập mạnh như đầu năm 2020 hay 2022 thì hầu như ai cũng lỗ chổng vó, riêng tôi thì vẫn lãi to" - Kiểm cho biết.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh, phương pháp đầu tư của anh Kiểm được dân chuyên gọi là phương pháp tích sản. Phương pháp này được nhiều NĐT cá nhân cũng như tổ chức ở Hàn Quốc áp dụng rất thành công. Và FinPeace cũng là một trong những công ty khuyến khích nhà đầu tư Việt Nam nên đầu tư theo phương pháp này.

Để có thể theo chiến lược "tích sản", chuyên gia Tuấn Anh nhấn mạnh NĐT phải chọn được đúng mã cổ phiếu và mua đều đặn mã đó. Nguyên lý chọn cổ phiếu tích sản là NĐT cần chọn các doanh nghiệp “cơ bản", không có xác suất phá sản trong 5-10 năm tới. Ngoài ra, NĐT cũng cần phải bám sát doanh nghiệp để nắm được các biến động về nhân sự, về tài sản, tình hình kinh doanh, dòng tiền…

Còn theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Azfin, những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt thì mức tăng giá hàng năm sẽ dựa theo tăng trưởng của kết quả kinh doanh cộng với cổ tức. Thông thường, cổ phiếu tăng giá từ 10 - 40%/năm, không có những đợt tăng đột biến như các mã có tính đầu cơ cao. Khác biệt ở chỗ, cổ phiếu cơ bản tăng giá bền vững qua nhiều năm, lãi suất kép sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu tăng, giảm phụ thuộc nhiều vào cung - cầu và dòng tiền trên thị trường, nhưng về dài hạn, giá cổ phiếu phản ánh sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Vì vậy, chọn được cổ phiếu tốt, nhà đầu tư phải kiên trì nắm giữ, kết quả sẽ mang lại hiệu suất sinh lời cao.

Thực tế, những nhà đầu tư theo trường phái tích sản nếu mua đều, nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp tốt, cơ bản trong thời gian 5-10 năm thì đều có được những khoản lợi nhuận lớn. TTCK thực sự đã trở thành “mỏ vàng ròng" để họ khai thác.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh - Founder của Finpeace.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace - từng có nhiều kinh nghiệm tại nhiều Công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam. Ông có nhiều năm làm việc tại Công ty chứng khoán SSI, sau đó phụ trách mảng tự doanh của Công ty chứng khoán Thiên Việt. Trước khi sáng lập Finpeace ông là Giám đốc khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán VNDirect.

Cũng theo chuyên gia này, để có thể đầu tư thành công và có lợi nhuận ổn định, nhà đầu tư cần phải có sự hiểu biết và quản lý danh mục đầu tư đúng cách. Cụ thể:

1. Phân bổ đầu tư: Phân bổ đầu tư đúng cách là việc chia tỷ lệ đầu tư vào các loại tài sản khác nhau, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, hoặc hàng hóa. Mục tiêu là giảm rủi ro bằng cách không đặt hết tiền vào một loại tài sản.

2. Kế hoạch đầu tư: Một kế hoạch đầu tư cụ thể là một tài liệu hoặc hướng dẫn về cách bạn sẽ đầu tư. Kế hoạch này bao gồm mục tiêu đầu tư, thời gian đầu tư, phân bổ tài sản, và chiến lược tài chính. Điều này giúp bạn không bị xáo trộn bởi biến động thị trường và đảm bảo bạn tuân thủ mục tiêu đầu tư của mình.

3. Quản lý rủi ro: Điều này bao gồm việc xác định rủi ro trong các khoản đầu tư, xây dựng phương án dự phòng, và quản lý rủi ro để bảo vệ vốn đầu tư khỏi các biến động không mong muốn. Điều quan trọng là bạn có một kế hoạch cho việc rủi ro, để không bị "tự do" trong quyết định dựa vào cảm xúc khi thị trường biến đổi.

Minh Tiến

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bai-ket-khai-thac-mo-vang-nhu-the-nao-698850.html