Bài học quý trước thềm World Cup nữ 2023 của Đội tuyển nữ Việt Nam

Trận thua 0-2 trước Đội tuyển nữ New Zealand ngày 10/7 có lẽ không quá bất ngờ đối với huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung và các học trò, bởi đội chủ nhà World Cup nữ 2023 có lợi thế sân nhà cùng sự vượt trội về kinh nghiệm thi đấu tại những giải đấu đỉnh cao. Qua màn đối đầu với New Zealand, các cầu thủ của Đội tuyển nữ Việt Nam đã có thêm nhiều bài học quan trọng để hướng đến World Cup nữ 2023.

Các cầu thủ Đội tuyển nữ Việt Nam đã thu được nhiều bài học bổ ích sau trận giao hữu với New Zealand. Ảnh: Liên đoàn bóng đá Việt Nam

Các cầu thủ Đội tuyển nữ Việt Nam đã thu được nhiều bài học bổ ích sau trận giao hữu với New Zealand. Ảnh: Liên đoàn bóng đá Việt Nam

Trên bảng xếp hạng FIFA tháng 6/2023, Đội tuyển nữ Việt Nam xếp hạng 32, còn đối thủ New Zealand hơn chúng ta 6 bậc. Khoảng cách không quá lớn, nhưng đội chủ nhà World Cup nữ 2023 đã có kinh nghiệm từng 5 lần dự World Cup nữ, còn Đội tuyển nữ Việt Nam trước đây chưa từng dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đội bạn cũng sở hữu đội hình gồm nhiều cầu thủ có thể hình cao to, trình độ chuyên môn tốt, đang chơi bóng tại những quốc gia có bóng đá nữ phát triển như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Australia. Vậy nên, trận đấu với New Zealand là cơ hội để HLV Mai Đức Chung thử nghiệm lối chơi phòng ngự - phản công cho World Cup nữ 2023 sắp tới.

Những diễn biến thực tế trên sân McLean Park đã cho thấy Đội tuyển nữ Việt Nam đã gặp quá nhiều khó khăn trước đội chủ nhà New Zealand. Với nền tảng thể lực, thể hình vượt trội, đội bạn đã dễ dàng áp đặt thế trận và đẩy Đội tuyển nữ Việt Nam vào thế phòng ngự vất vả. Ở trận đấu này, New Zealand có thời lượng kiểm soát bóng lên đến 63%, còn Đội tuyển nữ Việt Nam chỉ kiểm soát 37%, đội bạn tung ra 27 lần dứt điểm, còn Đội tuyển nữ Việt Nam chỉ có 2 lần dứt điểm.

Trên mặt trận phòng ngự, các cô gái Việt Nam chủ động lùi sâu để bọc lót cho nhau, các tiền vệ cũng tích cực lui về hỗ trợ cho tuyến dưới. Nhưng do phải dành phần lớn thời gian để theo kèm đội bạn, căng mình phòng ngự hay tranh chấp với đối thủ to khỏe hơn nhiều đã khiến cho các cầu thủ nữ Việt Nam mắc sai lầm trong hiệp 1. Bàn thua đầu tiên đến từ một tình huống cố định, lỗi thuộc về hậu vệ cánh phải Thu Thảo với tình huống phá bóng thiếu dứt khoát. Còn bàn thua thứ hai đến từ việc trung vệ đã không có sự bọc lót kịp thời cho hậu vệ cánh trái Hoàng Thị Loan, để đội bạn dễ dàng thoát xuống biên rồi căng ngang.

Hai bàn thua đã cho thấy điểm yếu của hàng phòng ngự Đội tuyển nữ Việt Nam, nếu bàn thua đầu đến từ lỗi cá nhân thì bàn thua thứ hai đến từ lỗi của hệ thống phòng ngự. Các hậu vệ Việt Nam vốn hạn chế về mặt thể hình, thể lực (không có trung vệ nào cao trên 1,7m), yếu tố tốc độ, sức mạnh, độ va đập trong những tình huống tranh chấp tay đôi không bằng đối thủ. Vậy nên giải pháp để ngăn chặn, giảm bớt sự nguy hiểm của hàng công đội bạn là phải bọc lót kín kẽ, giữ cự ly đội hình gần nhau để kịp thời hỗ trợ. Dẫu vậy, hai trung vệ lệch cánh của chúng ta là Thu Thương và Trần Thị Thu đã không bọc lót kịp thời cho các đồng đội ở biên trong hiệp 1.

Tuy nhiên, sau mỗi bàn thua, các cầu thủ Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học để không mắc phải sai lầm tương tự trong hiệp 2. Những tín hiệu tích cực đến từ khả năng thích nghi, tự điều chỉnh của các cầu thủ Việt Nam là rất quan trọng, bởi tại World Cup 2023 sắp tới, các đối thủ của chúng ta như Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha đều là những đội bóng có khả năng áp đặt lối chơi, tạo sức ép lớn. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh về mặt con người của HLV Mai Đức Chung đã giúp Đội tuyển nữ Việt Nam phòng ngự tốt hơn trong hiệp 2, chúng ta không còn bị choáng ngợp trước lối chơi tốc độ cao của đội bạn.

Một trong những điểm sáng của hàng phòng ngự Đội tuyển nữ Việt Nam trong trận đấu này là thủ môn Kim Thanh, dù phải vào lưới nhặt bóng 2 lần, nhưng Kim Thanh đã có 10 tình huống cản phá thành công những cú dứt điểm của đội bạn. Trước sức ép lớn từ các chân sút đội chủ nhà, nếu không có tài năng của Kim Thanh, đội bóng áo đỏ có lẽ đã phải nhận nhiều hơn 2 bàn thua. Bên cạnh đó, Kim Thanh có 60 lần chạm bóng với tỉ lệ chuyền thành công là 86% (32/37).

Bên cạnh Kim Thanh, tiền vệ Dương Thị Vân cũng có một trận đấu hay ở khu vực tuyến giữa. Do Bích Thùy và Thanh Nhã có xu hướng bám biên, không giỏi để bao quát tuyến giữa nên mọi gánh nặng đều đổ dồn về phía Dương Thị Vân. Dù thể hình thua thiệt so với đối thủ, nhưng Dương Thị Vân đã thắng tới 11 trong số 14 pha đấu tay đôi. Nguồn năng lượng dồi dào của Dương Thị Vân đã giúp Đội tuyển nữ Việt Nam chống đỡ phần nào áp lực mà đội bạn tạo ra ở tuyến giữa. Khi phòng ngự, cầu thủ mang áo số 16 đeo bám đối thủ quyết liệt, có nhiều tình huống cắt bóng thành công.

Trên mặt trận tấn công, so với trận giao hữu gần nhất thua 1-2 trước Đội tuyển nữ Đức, các học trò của HLV Mai Đức Chung đã có một trận đấu khó khăn hơn khi chỉ có 2 cú sút về phía khung thành Đội tuyển nữ New Zealand. Lối chơi phản công với những đường chuyền nhanh lên cho tiền đạo Huỳnh Như và Hải Yến đã bị đội bạn dễ dàng hóa giải. Nguyên nhân đến từ việc Bích Thùy và Thanh Nhã vốn là những cầu thủ đá cánh, nhưng được sử dụng ở vị trí trái sở trường là tiền vệ trung tâm đã phần nào khiến cho những tình huống lên bóng thiếu sự mạch lạc.

Khi sợi dây liên kết giữa hàng tiền vệ và hàng tiền đạo không được duy trì tốt, Đội tuyển nữ Việt Nam đã phải sử dụng những đường chuyền dài vượt tuyến. Dẫu vậy, những đường chuyền đó đã bị hàng phòng ngự cao to của New Zealand dễ dàng hóa giải, bởi các chân sút của chúng ta đều gặp bất lợi về thể hình, tốc độ so với các trung vệ đối phương. Đây sẽ là một “bài toán” mà HLV Mai Đức Chung cần lưu ý, bởi tại World Cup nữ 2023 sắp tới, nếu như Đội tuyển nữ Việt Nam không có phương án tấn công hữu hiệu, hàng thủ của chúng ta sẽ gặp áp lực rất lớn.

Một trong những giải pháp mà vị thuyền trưởng Đội tuyển nữ Việt Nam có thể sử dụng là quay lại với sơ đồ 5-4-1 như ở trận đấu giao hữu với Đức. Khi đó, Đội tuyển nữ Việt Nam có thể sử dụng thêm 1 tiền vệ trung tâm như Thái Thị Thảo, Thùy Trang hoặc Hải Linh, giúp giảm tải áp lực cho Dương Thị Vân, đồng thời tăng thêm khả năng giữ nhịp trong lối chơi, thời lượng kiểm soát bóng, từ đó tạo thêm đất diễn cho những tiền vệ cánh như Thanh Nhã, Thúy Hằng, Bích Thùy. Sự hỗ trợ của hàng tiền vệ sẽ mở ra không gian hoạt động cho các tiền đạo Huỳnh Như, Hải Yến có cơ hội uy hiếp khung thành đối phương.

Sau trận đấu giao hữu với New Zealand, thầy trò HLV Mai Đức Chung còn 1 trận “tổng duyệt” trước Đội tuyển nữ Tây Ban Nha vào ngày 14/7. Sau đó, Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ bước vào hành trình lịch sử tại World Cup nữ 2023, lần lượt gặp đội đương kim vô địch Mỹ (ngày 22/7), Bồ Đào Nha (ngày 27/7) và đội đương kim á quân Hà Lan (ngày 1/8).

Trọng Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bai-hoc-quy-truoc-them-world-cup-nu-2023-cua-doi-tuyen-nu-viet-nam-post463530.html