Bài học đấu tranh tại Hội nghị Geneva-Ngọn đuốc dẫn dắt cách mạng ở Đông Dương

Những câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva, về ý nghĩa quan trọng của việc ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 đối với cuộc cách mạng ở Việt Nam, Lào, Campuchia đã được các đại biểu chia sẻ trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 25-4.

Dự đoán tài tình của Bác Hồ về Hội nghị Geneva

Tại lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương-con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng-đã chia sẻ câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva mà ông đã được ba mình kể lại.

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương-con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng-chia sẻ câu chuyện kể của ba mình về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương cho biết, ông may mắn được sống cùng với ba và Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch nên đã được ba mình kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneva. Ông bồi hồi nhớ lại: “Bác Hồ là người chín chắn, giàu kinh nghiệm. Bác đã dự đoán Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva sẽ gặp những áp lực rất lớn. Mặc dù Chiến thắng Điện Biên Phủ có sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp, là cơ hội thuận lợi cho ta, nhưng khó khăn lớn nhất là sự can thiệp của các nước lớn tại Hội nghị. Chủ trương của Đảng và Bác Hồ là “vừa đánh, vừa đàm” để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Geneva là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự để thực hiện mục tiêu đó. Bác căn dặn ba của tôi: “Trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia”. Trong thời gian họp Hội nghị Geneva, ba tôi thường xuyên báo cáo và xin ý kiến trực tiếp của Bác Hồ”.

Các đại biểu quốc tế chăm chú lắng nghe những câu chuyện kể về Hội nghị Geneva cách đây 7 thế kỷ. Ảnh: LÂM KHÁNH

Theo lời kể của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, Chính phủ định cử Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám, nhưng sau có ý kiến của Bác Hồ, Bác quyết định cử Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu, đồng chí Tạ Kính và nhiều chuyên viên, đều là những người biết ngoại ngữ và giỏi tiếng Pháp, có thể nói chuyện trực tiếp không qua phiên dịch.

Cũng theo Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, Hội nghị Geneva các bên tham gia, gồm: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (tức Chính quyền Bảo Đại), đại biểu Lào và Campuchia đến dự không được các đoàn phương Tây chấp nhận. “Quá trình đàm phán gay go, quyết liệt kéo dài 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng với nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị. Cuối cùng, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn”, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương nhấn mạnh.

Dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài ở Đông Dương

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh khẳng định, sự kiện ký kết Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn của nhân dân ba nước Đông Dương, giành được hòa bình, độc lập cho Tổ quốc. Việc ký kết Hiệp định Geneva này là chiến thắng vĩ đại, trong đó thực dân Pháp và các nước tham gia hội nghị lần đầu tiên cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước Đông Dương. Đồng thời, việc ký kết Hiệp định cũng đã thể hiện rõ lòng yêu nước cao cả, đường lối đấu tranh cách mạng độc lập tự chủ đúng đắn trong của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Theo Đại sứ, nhìn lại phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân Pháp, từ trước năm 1954, thực dân Pháp đã thực hiện mọi hình thức trấn áp nhằm dập tắt phong trào và lực lượng cách mạng của ba nước Đông Dương, khiến hàng loạt cán bộ, lực lượng cách mạng và nhân dân ba nước Đông Dương hy sinh, gây ra tội ác đẫm máu đối với ba nước Đông Dương. Liên minh chiến đấu của ba nước Đông dương cũng như cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của mỗi nước đã diễn ra vô cùng khó khăn, tuy đau đớn, hy sinh xương máu, nhưng kiên cường và từng bước giành được thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã buộc thực dân Pháp hạ vũ khí, chấp nhận đàm phán rút khỏi Đông Dương tại Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ).

Hiệp định Geneva năm 1954 thể hiện cho thấy rõ đường lối đấu tranh cả về quân sự lẫn chính trị ngoại giao là sáng suốt, linh hoạt, cũng như tinh thần hy sinh, sự đoàn kết trong nội bộ và bên ngoài của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương và của lãnh đạo Đảng ba nước. Đường lối về quân sự là ngừng bắn, rút lực lượng quân sự nước ngoài ra khỏi ba nước và lập lại hòa bình tại Đông Dương. Đường lối về chính trị ngoại giao là công nhận, bảo đảm hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, Việt Nam và Campuchia, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương.

Bài học về đấu tranh tại Hội nghị Geneva và kinh nghiệm trong Chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn đuốc dẫn dắt cách mạng, đấu tranh quân sự và chính trị trong nhiều chiến dịch với giặc ngoại xâm và cùng giải phóng hoàn toàn ba nước Đông Dương trong năm 1975.

Tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn

Với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha, sự thật đã ghi nhận, sự hy sinh và lòng dũng cảm của các bậc tiền nhân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã được thể hiện bằng tinh thần đoàn kết cùng nhau chiến đấu vì công cuộc thống nhất giải phóng đất nước thoát khỏi ách thống trị của chế độ thực dân ngoại bang. Đại sứ Chea Kimtha khẳng định, tất cả sự nỗ lực và hy sinh đó đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở ba quốc gia Campuchia, Việt Nam và Lào vào ngày 20-7-1954 tại Hội nghị Geneva (có hiệu lực vào hồi 8 giờ sáng 21-7-1954).

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha. Ảnh: LÂM KHÁNH

Theo Đại sứ Chea Kimtha, sau khi ký Hiệp định Geneva, cả Campuchia, Việt Nam và Lào chưa có được một nền hòa bình ngay tức thì mà thay vào đó, lại phải đối mặt với những biến cố khó lường, cũng như các cuộc chiến tranh dai dẳng khác nổ ra trong nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, ba nước đã kề vai sát cánh và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như đấu tranh chống tội ác diệt chủng tàn bạo ở Campuchia. Ngoài ra, ba nước còn tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong các khuôn khổ song phương và đa phương nhằm khôi phục đất nước và không ngừng phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/bai-hoc-dau-tranh-tai-hoi-nghi-geneva-ngon-duoc-dan-dat-cach-mang-o-dong-duong-774311