Bài học đắt giá của Ấn Độ về biến chủng nguy hiểm nhất thế giới

Sự ứng phó chậm trễ trước sự xuất hiện và càn quét của biến chủng Delta đã đưa Ấn Độ rơi vào vực thẳm đau thương của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2021.

Gần cuối tháng một, thành phố Amravati, Ấn Độ với hơn 600.000 dân, dường như đang trở thành mục tiêu của làn sóng dịch Covid-19 mới. Nếu trước đó, các triệu chứng sẽ thuyên giảm trong khoảng 14 ngày, giờ đây các bệnh nhân phải chống chọi với virus từ 20 đến 25 ngày.

Cách Ấn Độ ứng phó với Delta trong giai đoạn đầu đã kích hoạt sự lây lan của loại biến chủng này. Việc xác định loại biến chủng đã bị trì hoãn vì các phòng thí nghiệm của nước này gần như đã "đóng băng" trong năm 2020 và đầu năm 2021. Nguyên nhân một phần do nước này hạn chế nhập khẩu các hợp chất giải trình tự gene cần thiết.

Đã có nhiều cảnh báo về chủng virus mới vào đầu tháng 2, nhưng tới cuối tháng 3, Ấn Độ mới công khai thông tin về biến chủng Delta.

Hoạt động nghiên cứu bị cản trở

Giải trình tự bộ gene, quy trình được sử dụng để giải mã virus corona và tìm hiểu thêm về sự tiến hóa của các đột biến, là việc làm quan trọng để góp phần đưa ra giải pháp tránh bùng dịch toàn cầu.

Sự xuất hiện của biến chủng Delta cho thấy việc không có cơ sở hạ tầng giám sát virus mạnh mẽ, đặc biệt là để giải trình tự gene, có thể biến các thành phố lớn thành ổ lây nhiễm biến chủng mới.

Một khu vực phủ đầy bụi tại Bệnh viện Amravati, nơi đã điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bị nhiễm biến chủng Delta trong giai đoạn đỉnh dịch. Ảnh: Bloomberg.

Hiện nay, Omicron nhanh chóng thống trị tại Mỹ và nhiều nơi khác, nhưng giới khoa học kịp thời giải mã khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của nó.

Nam Phi đã xác định và công bố thông tin chi tiết về biến chủng mới chỉ vài tuần sau khi thấy số ca mắc bệnh ở một tỉnh tăng đột biến.

Ngược lại, hầu như trong năm 2020, Ấn Độ nghiên cứu virus rất hời hợt, kết quả nghiên cứu nguồn gốc chính xác của Delta hiện chưa rõ ràng. Cho đến nay, nước này mới chỉ giải mã và chia sẻ 0,3% tổng số ca lây nhiễm chính thức vào cơ sở dữ liệu GISAID.

Ấn Độ đã bị kìm hãm vì chỉ có một số phòng thí nghiệm cấp nhà nước và cấp bang mới được hoạt động trong năm đầu tiên của đại dịch để lập bản đồ virus.

Bhramar Mukherjee, một nhà dịch tễ học và chủ nhiệm thống kê sinh học tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Michigan, cho biết những nỗ lực giải trình tự của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi “hệ thống quan liêu, tình hình chính trị, chủ nghĩa ngoại lệ và việc thờ ơ với các biến chủng”.

Một cựu quan chức cho biết bộ máy khoa học của Ấn Độ thiếu sự năng động. Các chuyên gia sẽ không đặt các câu hỏi chất vấn quan trọng vì họ sợ sự nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, Bộ Y tế Ấn Độ thậm chí không lắng nghe hoặc đưa ra quyết định theo lời khuyên của chuyên gia.

Việc tăng cường giải trình tự ở Ấn Độ cũng bị hạn chế nghiêm trọng bởi lệnh cấm vào tháng 5/2020 đối với việc nhập khẩu thuốc thử - loại hóa chất giúp cung cấp nhiên liệu cho các máy xử lý trình tự. Thủ tướng Modi triển khai chiến dịch "Make in India" nhằm đảm bảo đất nước không phụ thuộc vào những nơi như Trung Quốc, đồng nghĩa với việc các phòng thí nghiệm công không thể nhập khẩu các mặt hàng trị giá dưới 2 tỷ rupee (26,5 triệu USD).

Ấn Độ chủ yếu sử dụng công nghệ giải trình tự của hãng Illumina, có trụ sở ở San Diego, Mỹ và hãng Oxford Nanopore Technologies của Anh, chạy trên các loại thuốc thử nội địa đã được cấp bằng sáng chế không thể thay thế.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất mà các nhà khoa học phải vật lộn để thuyết phục giới chức trách về giá trị của việc giải mã cấu trúc của virus. Ngay cả Anh, quốc gia có trình độ giải trình tự hàng đầu thế giới đã ghi nhận 13% tổng số trường hợp, từng có những lời chỉ trích rằng về hoạt động này là một bài tập học thuật tốn kém không thực tế.

Tìm cách xoay xở

Từ mùa hè năm ngoái, một số nhà khoa học Ấn Độ được biết rằng loại virus bị biến đổi trong nước sẽ gây ra nhiều tác động nghiêm trọng. Nhưng sau khi dịch lắng xuống vào tháng 10/2020, bất chấp những dự đoán về một làn sóng mới, giới chức trách thường bỏ qua các cảnh báo khoa học.

Các kỹ thuật viên chiết xuất RNA từ các mẫu virus tại Phòng thí nghiệm chẩn đoán phân tử Covid-19, Đại học Sant Gadge Baba Amravati. Ảnh: Bloomberg.

Sự xuất hiện của biến chủng Alpha ở Anh vào giữa tháng 12/2020 đã dấy lên sự cấp thiết về việc giải trình tự trong cộng đồng khoa học Ấn Độ.

Một phòng thí nghiệm cấp nhà nước đã được phép sử dụng thuốc thử Illumina sau khi được tầng lớp các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Gần đây, chính phủ đã bật đèn xanh để thành lập Hiệp hội bộ gene SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG), một nhóm gồm 10 phòng thí nghiệm do nhà nước tài trợ được thành lập để giúp bịt các lỗ hổng lớn trong mạng lưới gene của Ấn Độ và các nhà khoa học buộc phải tranh thủ nghiên cứu.

Prashant Thakare, phó giáo sư công nghệ sinh học tại Đại học Sant Gadge Baba Amravati, đã rất lo lắng. Ông đã thấy được số lượng ca nhiễm tăng bất ngờ ở trạm thử nghiệm trong khuôn viên trường.

“Tất cả đều có kết quả xét nghiệm dương tính. Đây không phải là trường hợp thuộc làn sóng dịch đầu tiên, vì vậy chúng tôi đã rất ngạc nhiên", ông Thakare cho biết.

Phó giáo sư Thakare nói rằng chính quyền bang Maharashtra đã phản ứng nhanh chóng và tìm cách xử lý tình hình. Việc giải trình tự ở Ấn Độ là một quá trình tốn nhiều thời gian. Chất lượng của nhiều mẫu bệnh phẩm thường thấp, đôi khi do cán bộ y tế tuyến dưới xử lý ẩu hoặc không biết cách làm.

Tại thời điểm này, INSACOG cũng đang vật lộn để khởi đầu. Các cơ sở thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ - một trong những cơ quan tư vấn chặt chẽ nhất cho chính phủ về Covid-19, từ chối chia sẻ dữ liệu gene với các đối tác của INSACOG.

Lời hứa ban đầu cho INSACOG trị giá 1,15 tỷ rupee (khoảng 15 triệu USD) từ Quỹ Hỗ trợ công dân và Cứu trợ trong các tình huống khẩn cấp của Thủ tướng Modi cũng không thành hiện thực, khiến Bộ Công nghệ Sinh học phải dồn tiền, chỉ đầu tư được 700 triệu rupee (9,4 triệu USD).

Chậm trễ

Rajesh Karyakarte là trưởng khoa vi sinh vật học của Đại học Y tế BJ, đã cùng nhóm nghiên cứu tìm hiểu về dữ liệu được giải trình tự thô được trả về thành phố Pune từ Bengaluru.

Các mẫu từ Amravati có hai đột biến kỳ lạ trên protein đột biến - chìa khóa mà virus sử dụng để mở cửa xâm nhập vào các tế bào của cơ thể. Karyakarte đã trình bày chi tiết mối quan tâm của mình với giới chức vào ngày 18/2. Ông nói: “Đó là đột biến thoát miễn dịch".

Một phòng theo dõi trong trung tâm tiêm chủng Covid-19 tại một bệnh viện thành phố ở Pune, vào tháng 5/2021. Ảnh: Bloomberg.

Ngày hôm sau, báo cáo của Karyakarte đã được gửi đến Trung tâm Khoa học Tế bào Quốc gia và Viện virus Quốc gia ở Pune để kiểm tra chéo. Họ cùng tìm thấy B.1.617 - loại biến chủng được phân chia thành 3 dòng và tạo ra biến chủng Delta. Từ các bằng chứng về các đột biến, cùng với số ca nhiễm tăng cao, chính quyền Maharashtra đã giãn cách xã hội thành phố Amravati vào ngày 22/2.

Ông Thakare đã được giới chức trách yêu cầu không tiết lộ những phát hiện của Karyakarte. Các quan chức y tế khác cũng phải giữ kín thông tin về biến chủng mới.

Ngày 10/3, INSACOG đã đệ trình một báo cáo nội bộ lên Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia nhằm xác nhận có một biến chủng mới đang lan rộng rất đáng lo ngại.

Không có thông báo công khai nào cho đến cuộc họp ngày 17/3 với các Thống đốc của các bang Ấn Độ, khi ông Modi thừa nhận có sự gia tăng ca nhiễm ở Maharashtra và cảnh báo về một đợt dịch bùng phát toàn quốc, cùng với sự cần thiết phải xác định các đột biến và sự ảnh hưởng của chúng.

Tuy nhiên, đến ngày 24/3, Bộ Y tế Ấn Độ mới xác nhận sự hiện diện của đột biến kép. Họ cho biết nó có "khả năng tránh khỏi miễn dịch và tăng khả năng lây nhiễm" và được tìm thấy trong khoảng 20% mẫu, nhưng không "được phát hiện với số lượng đủ" để giải thích cho sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm.

Một số nhà khoa học khác cho rằng biến chủng mới không hẳn là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng nhanh chóng trở thành trận bùng phát diện rộng. Tính đến cuối tháng 3, Ấn Độ đã chứng kiến hơn 60.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Hậu quả lớn

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, chính phủ Ấn Độ không muốn áp đặt các biện pháp hạn chế để tránh gây thiệt hại kinh tế. Các bang tự xử lý theo tình hình địa phương nhưng họ lại thực hiện một cách chắp vá.

Lễ hỏa thiêu tập thể ở New Delhi, vào tháng 4/2021. Ảnh: Bloomberg.

Tỷ lệ ca bệnh ở Ấn Độ đã tăng vọt vào giữa tháng 4 đến mức không thể bỏ qua.

Vào ngày 12/4, các nhà khoa học Ấn Độ đã trình bày phát hiện của họ về B.1.617 cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tại một cuộc họp báo, họ đã nhận định đây là một “biến chủng cần quan tâm”, nhưng bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO, gọi đó là “đáng lo ngại”. Cùng ngày, các chuyên gia y tế Ấn Độ tiếp tục hạ thấp mối đe dọa của biến chủng này.

Đối với Ấn Độ, thiệt hại của làn sóng từ biến chủng Delta là hiển nhiên. Nhiều gia đình và bạn bè đã mất đi người thân yêu. Những hình ảnh bi thảm từ các bệnh viện, giống như ở Amravati, đã được công bố trên thế giới, cho thấy sự thất bại của một hệ thống y tế đang vật lộn để cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản như oxy và giường bệnh.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang cố gắng đẩy nhanh các đợt tiêm chủng, họ sẽ bắt đầu tiêm cho những người dưới 18 tuổi và tiêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế vào tháng tới.

Hàng loạt thi thể trên bờ cát có thể bị trôi xuống sông Hằng Sông Hằng đã bị ô nhiễm ở mức độ đáng báo động trong nhiều năm qua. Làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Bảo Châu

Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-dat-gia-cua-an-do-ve-bien-chung-nguy-hiem-nhat-the-gioi-post1286477.html