Bài đồng dao nào được hát tối 30 Tết?

Ngày xưa tại các làng xã, tối 30 Tết, các trẻ em nghèo họp nhau thành từng bọn rủ nhau đi chúc Tết.

XÚC SẮC XÚC SẺ

Tối hôm ba mươi Tết, ngày xưa tại các làng xã, các trẻ em nghèo họp nhau thành từng bọn rủ nhau đi chúc Tết, tuy chưa hẳn là ngày Tết.

Các em, mỗi bọn có một chiếc ống trong đựng tiền, thường là ống tre. Các em tới từng gia đình, và các em cùng nhau hát, vừa hát vừa lắc ống tiền:

Xúc xắc xúc sẻ, Nhà nào còn đèn còn lửa, Mở cửa cho chúng tôi vào; Bước lên giường cao Thấy đôi rồng ấp; Bước xuống giường thấp, Thấy đôi rồng chầu; Bước ra đằng sau Thấy nhà ngói lợp Voi ông còn buộc, Ngựa ông còn nằm. Ông sống một trăm Linh năm tuổi lẻ. Vợ ông sinh đẻ Những con tốt lành; Những con như tranh, Những con như rối. Tôi ngồi xó tối. Tôi đối một câu.

Đối rằng

Các em vừa xúc xắc xúc sẻ vừa hát, trong lúc gia đình chủ nhà chăm chú nghe, và sau câu hát gia đình nào cũng tặng các em ít tiền, tiền đó các em bỏ luôn vào ống. Tục cho rằng, các em đến đem sự may mắn lại. Không gia đình nào không tặng tiền cho các em. Nhiều ít ai cũng tặng các em một số tiền trước khi các em rời sang nhà khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: RDNE Stock project/Pexels.

ĐÒI NỢ CUỐI NĂM

Các chủ nợ có lệ cuối năm giằng thúc con nợ, cố đòi cho được số tiền đã cho vay, dù rằng đòi được tiền về để đấy. Người ta cho rằng, nếu không đòi được tiền trước giao thừa, ngày hôm sau, món tiền nợ đã ra nợ cũ, và ngày mồng một đầu năm và những ngày sau nữa, người ta không dám đòi nợ, vì con nợ kiêng sợ giông. Đòi nợ vào ngày Tết, không những con nợ không trả nợ, mà có khi còn mắng lại chủ nợ vì không biết kiêng cho mình.

Tục lệ như vậy nên cái ngày Tất niên này, những người có nợ làm ăn kém may mắn không có tiền trả mà khất chủ nợ không chịu, đành phải đi trốn nợ cho đến lúc giao thừa mới trở về:

Ta có câu:

Đến cửa quan, người khôn ngoan đủ lý lẽ để đối đáp, còn người giàu có, ba mươi Tết không có chủ nợ tới réo ngõ, giằng thúc.

CÚNG GIA TIÊN

Chiều ba mươi Tết, mọi việc sửa soạn đã xong xuôi, sau khi đã đi viếng mộ gia tiên về, người ta sửa lễ cúng gia tiên, và sau đó đèn nhang, nhất là nhang phải giữ thắp suốt mấy ngày Tết cho tới khi hóa vàng.

Trong mấy ngày này, trên bàn thờ luôn luôn có sự hiện diện của tổ tiên. Để giữ cho hương khỏi bị tắt, từ chiều ba mươi Tết, người ta thường dùng hương vòng (nhang khoang) hoặc hương sào (nhang ống). Hương vòng là một cuộn hương thắp được suốt đêm tới sáng, còn hương sào là một hương thật to, có thể thắp được suốt ngày đêm mới hết. Ta cúng gia tiên lúc chiều ba mươi Tết, bởi vậy, lúc cúng giao thừa, ta không cúng gia tiên nữa.

Khôn ngoan, đến cửa quan mới biết, giầu có ba mươi Tết mới hay.

Cùng với lễ cúng gia tiên, lẽ tất nhiên phải có cúng Thổ công. Cúng gia tiên ba mươi Tết, sáng ngày mùng một cũng lại cúng. Và trong mấy ngày Tết cho đến khi hóa vàng, ngày hai buổi có lễ cúng gia tiên. Văn khấn gia tiên. Cúng tổ tiên cũng phải có văn khấn, như cúng Thổ công và cúng giao thừa.

Dưới đây là một mẫu văn khấn tổ tiên trong ngày Tết:

Duy Việt Nam Đinh Mùi niên, xuân thiên, chính nguyệt sơ nhất nhật. Kim thần phụng sự Đàm Sĩ Nguyên, sinh quán Nhất Động xã, Thường Tín phủ, Hà Đông tỉnh, toàn gia cư ngụ Tân Sơn Nhì xã, Tân Bình quận, gia Định tỉnh, đồng gia quyến đẳng, khể thủ, đồn thủ bách bái.

Cẩn dĩ hương đăng, kim ngân hoa quả, mâm bàn cụ vật, phù lưu thanh chước, thứ phẩm chi nghi cảm kiền cáo vu. Cung thỉnh. Đàm môn lịch đại tổ tiên, tự cao, tằng, tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, tổ khảo, tổ tỉ, hiển khảo, hiển tỉ, thúc, bá, đệ, huynh, cô, dì, tỉ, muội, đồng lai lâm chứng giám.

Ngưỡng vọng. Bảo hộ gia đình, tự lão chí ấu, hạnh phúc an khang, vạn sự hanh thông, nhân tăng vật vượng. Thượng hưởng

Lược dịch:

Nước Việt Nam, năm Đinh Mùi, tiết xuân ngày mồng một tháng giêng. Nay con giữ việc phụng thờ tên là Đàm Sĩ Nguyên, quán tại xã quất Động, phủ Thường Tín, tỉnh hà Đông, hiện nay toàn gia cư trú tại xã Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình, tỉnh gia Định, đồng gia quyến cúi đầu trăm bái.

Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả, cỗ bàn rượu nước trầu cau cùng mọi phẩm vật dâng lên. Kính mời các cụ họ Đàm, kỵ, cụ, ông, bà, cha mẹ, chú, bác, anh, em, cô, dì, chị, em cùng về chứng giám.

giám mong. Tiên tổ bảo hộ gia đình, từ già đến trẻ, hạnh phúc an khang, vạn sự hanh thông, người tăng vật vượng. Thượng hưởng.

Người gia trưởng khấn lễ tổ tiên xong, toàn thể người nhà đều lần lượt theo thứ bực tới lễ trước bàn thờ.

Trong lúc đó để đón mừng tổ tiên về cùng con cháu, một tràng pháo nổ ran ở ngoài sân, xác pháo tung bay như muốn khoe sắc thắm cùng muôn hồng ngàn tía của trời xuân.

Mùi khói pháo thơm quyện với mùi hương khói khiến cảnh Tết càng đượm vẻ tưng bừng trong thân mật.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/bai-dong-dao-nao-duoc-hat-toi-30-tet-post1458965.html