Bài cuối: Xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý, giáo dục

Cách thức và thủ đoạn hoạt động của tội phạm trẻ ngày càng manh động, liều lĩnh, tinh vi, côn đồ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Vậy, đâu là giải pháp hữu hiệu để giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tội phạm vị thành niên, qua đó bảo đảm môi trường sống lành mạnh cũng như tương lai của thế hệ trẻ?

Gia đình - Nhà trường là yếu tố căn cốt

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng hiện nay và sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, vai trò giáo dục của gia đình trong việc hình thành đạo đức, nhân cách của trẻ em càng trở lên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cán bộ phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hưng Yên tuyên truyền cho học sinh Trường THPT Dương Quảng Hàm (Văn Giang, Hưng Yên). Nguồn: Công an tỉnh Hưng Yên

Cán bộ phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hưng Yên tuyên truyền cho học sinh Trường THPT Dương Quảng Hàm (Văn Giang, Hưng Yên). Nguồn: Công an tỉnh Hưng Yên

Là phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên, bà Nguyễn Thị Hồng (Yên Mỹ, Hưng Yên) khẳng định, “hiện nay, một bộ phận gia đình, nhà trường còn thiếu sự quản lý chặt chẽ đối với con trẻ. Trong khi đó, các con đang ở trong độ tuổi tâm sinh lý chưa phát triển, dễ bị tác động bởi phim ảnh và các game có bạo lực. Đây là độ tuổi dễ bị lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, việc giáo dục ở gia đình và nhà trường là cực kỳ quan trọng”.

Cùng quan điểm, Luật sư Đặng Thị Tâm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, “là một người mẹ, cũng là một luật sư chuyên tư vấn hôn nhân gia đình, bản thân tôi nhận thấy gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình nhân cách của con trẻ. Khi lớn lên, các con sẽ thấm nhuần văn hóa, giáo dục từ gia đình để hình thành nên hành vi, nhân cách tốt cho bản thân. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tình trạng ly hôn đang diễn ra khá phổ biến, nhiều gia đình tan vỡ đã để lại tổn thương rất lớn cho những người con. Lâu dần, thiếu đi sự chăm sóc, dạy dỗ trong một gia đình trọn vẹn dễ khiến cho trẻ phát triển theo chiều hướng lệch lạc và tạo nên hành vi nổi loạn, bất cần. Vì vậy, đây là lúc bố mẹ cần phải nhìn nhận lại bản thân để con trẻ có một môi trường sống lành mạnh”.

Hiệu trưởng Trường THPT Yên Mỹ (Hưng Yên) Nghiêm Đức Văn cho biết, thời gian qua, nhà trường đã thực hiện có hiệu quả các kế hoạch liên tịch phối hợp cùng với các cơ quan chức năng như: Công an, Tỉnh đoàn… để tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các em học sinh với những nội dung như: tác hại của ma túy; an toàn trên không gian mạng; quy định của pháp luật về giao thông; phương thức thủ đoạn hoạt động, lôi kéo, dụ dỗ học sinh của các loại tội phạm… “Đối với những trường hợp nhà trường phát hiện học sinh cá biệt hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật sẽ nhắc nhở, phối hợp chặt chẽ cùng gia đình để tiến hành giáo dục và có hình thức ngăn chặn, uốn nắn kịp thời những hành vi, đạo đức và nhận thức của học sinh, tránh để các em sa chân vào con đường phạm pháp”, ông Văn nhấn mạnh.

Giám sát, quản lý bằng nhiều hình thức

Trước tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 27.9.2022 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Chỉ thị yêu cầu các ngành, chức năng; các địa phương phải có những giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng này để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo đó, các cơ quan chức năng, các địa phương trên toàn tỉnh đã tích cực vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các mô hình quản lý, giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng; quản lý, cảm hóa người chưa thành niên có quá khứ vi phạm pháp luật đang sinh sống tại địa bàn, khu dân cư...

Điển hình, hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì 50 mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” và tiếp tục nhân rộng mô hình này trong tương lai. Hay mới đây, công an xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động đã thành lập mô hình “Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên, học sinh, trẻ em hư không vi phạm pháp luật” nhận được sự đồng tình đông đảo của người dân trên địa bàn. Theo đó, lực lượng công an xã sẽ tiến hành giám sát, quản lý những thiếu niên này bằng nhiều hình thức khác nhau như gọi, hỏi thăm, giáo dục, răn đe, theo dõi trên hệ thống camera được lắp đặt quanh xã và tuần tra vào ban đêm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn giải tán những nhóm thanh thiếu niên có biểu hiện xấu.

Theo Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hưng Yên, Thượng Tá Nguyễn Tiến Hưng, Công an các đơn vị, địa phương luôn thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 506/KH-BCA-C02 ngày 15.12.2020 của Bộ Công an về phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi (giai đoạn 2021 - 2025); Kế hoạch số 459/KH-BCA-C02 ngày 28.9.2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/DH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ông Hưng cho biết, “lực lượng Công an các cấp thông qua việc phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tiến hành vận động quần chúng nhân dân phát hiện sớm các thanh, thiếu niên hư ngay từ ban đầu để có biện pháp giáo dục kịp thời…”.

Việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức trong thanh, thiếu niên về tệ nạn xã hội cũng như hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Từ đó, góp phần làm giảm nguy cơ phát sinh, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi gia đình cần có định hướng cụ thể, rõ rệt, cùng một phương pháp giáo dục khoa học. Và điều thiết yếu, cần phải kết hợp hài hòa ba môi trường: Gia đình - Nhà trường và Xã hội mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn

Thái Yến - Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/bai-cuoi-xay-dung-va-nhan-rong-cac-mo-hinh-quan-ly-giao-duc-i335893/