Bài cuối: Ưu tiên đầu tư các trục giao thông kết nối

Nhằm tăng cường hợp tác, liên kết phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã làm việc thống nhất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Quảng Ninh tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu theo nguyên tắc 'Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển'. HĐND tỉnh luôn bám sát nội dung Quy hoạch tỉnh để thẩm định, thông qua các nghị quyết, quy hoạch cấp dưới; tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư các trục giao thông kết nối liên tỉnh để tăng cường liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc…

Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng

Nhằm tăng cường hợp tác, liên kết phát triển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã làm việc thống nhất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương liên quan trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu theo nguyên tắc "Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển" nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Trong đó, tăng cường hợp tác liên kết vùng, đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cậu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, tạo điều kiện cho Bắc Giang "có biển - gần biển".

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, HĐND tỉnh luôn bám sát nội dung Quy hoạch tỉnh để thẩm định, thông qua các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch cấp dưới, các nghị quyết phân bổ vốn đầu tư công, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư liên kết vùng, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư các trục giao thông kết nối liên tỉnh như: Đường Vành đai 5; đường nối QL37 - QL17 - Võ Nhai (Thái Nguyên), xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; cầu Hòa Yên kết nối với tỉnh Thái Nguyên; xây dựng Cầu Đồng Việt kết nối tỉnh Bắc Giang với Hải Dương; cầu Hà Bắc 1, Hà Bắc 2 kết nối với tỉnh Bắc Ninh; các tuyến đường kết nối khu vực huyện Sơn Động, Lục Nam với tỉnh Quảng Ninh, huyện Lục Ngạn, Lục Nam với huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn… để tăng cường liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Về giám sát thực hiện quy hoạch, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt với Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Thông qua hoạt động giám sát, chất vấn, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh đã nắm bắt được những thông tin, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Từ đó, quyết định hoặc kiến nghị các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa quy hoạch tỉnh thành hiện thực.

Hội nghị triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa các tỉnh Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang

Hội nghị triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa các tỉnh Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Giang

Đổi mới quy trình xin ý kiến cộng đồng

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, tuy nhiên, hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật khác nhau và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Quy hoạch tỉnh được lập, trình duyệt trong khi chưa có quy hoạch chung của quốc gia, của vùng; quy hoạch được phê duyệt mới chỉ thể hiện những nội dung lớn; còn những nội dung nhỏ, chuyên ngành chưa được thể hiện đầy đủ nên phải tiếp tục cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, xác định tầm nhìn quy hoạch chưa tốt, dự báo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ khi thực hiện…

Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang kiến nghị rà soát toàn bộ các luật, văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến công tác quy hoạch để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng và triển khai thực hiện. Qúa trình lập và thực hiện quy hoạch, cần coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư, phản biện của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu khách quan của xã hội, của thị trường. Như vậy, cần đổi mới quy trình xin ý kiến cộng đồng mang tính thực chất, hiệu quả hơn, nâng cao mức độ tham gia của cộng đồng.

Trong giám sát, cần chọn nội dung, thời điểm phù hợp. Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh hiện nay là quy hoạch tích hợp rất nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, cần lựa chọn lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm song phải bảo đảm đủ để có “cái nhìn” tổng quát về tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch, chiến lược cũng như việc thực hiện các nghị quyết, quy hoạch do Trung ương ban hành trên địa bàn.

Hàng năm, khi ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ vốn đầu tư công, cần tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, kết nối giữa các tuyến đường tỉnh với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai; hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ và là trung tâm phát triển các khu vực, tiểu vùng; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; phát triển hạ tầng xã hội bảo đảm nhu cầu xã hội và đẩy mạnh phát triển dịch vụ xã hội.

BÁCH HỢP

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/bai-cuoi%C2%A0uu-tien-dau-tu-cac-truc-giao-thong-ket-noi-i318989/