Bài cuối: Tìm lại nét đẹp đích thực

Tính đến thời điểm này, hầu hết các lễ hội diễn ra an vui, chưa nơi nào trở thành 'điểm nóng'. Tuy nhiên, mùa lễ hội còn kéo dài, cần tiếp tục triển khai các phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của truyền thống, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh hướng đến một mùa lễ hội an toàn, văn minh.

Bài 1: Vui xuân đúng nghĩa
Bài 2: Chủ động chuẩn bị từ sớm

Không có “điểm nóng” lễ hội

Với khoảng 8.000 lễ hội, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 20 lễ hội và thời gian tổ chức thường tập trung vào mùa xuân. Những năm trước dịch Covid-19, mỗi mùa lễ hội lại xuất hiện những cụm từ quen thuộc như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc, kích động bạo lực tại lễ hội; mê tín dị đoan; cờ bạc, thương mại hóa, lợi dụng thời điểm đông người để nâng giá thu lợi; tình trạng sử dụng xe công, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính... Nét đẹp văn hóa tâm linh từ ngàn xưa truyền lại dường như bị lu mờ trước những hành vi không đẹp, phản cảm.

Lễ hội Đúc Bụt, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc năm nay đã phần nào giảm được tình trạng tranh cướp chiếu. Ảnh: Nam Nguyễn

Lễ hội Đúc Bụt, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc năm nay đã phần nào giảm được tình trạng tranh cướp chiếu. Ảnh: Nam Nguyễn

Thời gian các hoạt động lễ hội tạm ngưng bởi Covid-19 là dịp để lắng lại, “gạn đục khơi trong”, tìm lại nét đẹp, giá trị đích thực của lễ hội. Đây cũng là dịp cơ quan quản lý đánh giá lại công tác tổ chức và chuẩn bị cho một mùa lễ hội mới văn minh hơn. Có thể thấy, trong những ngày đầu năm, lễ hội diễn ra an vui, trật tự.

Thay đổi này được diễn ra chủ yếu từ công tác tổ chức lễ hội. Chẳng hạn, lễ hội Đả cầu cướp phết ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc diễn ra ngày 28.1 (mùng 7 tháng Giêng), các nghi lễ truyền thống vẫn diễn ra bình thường, chỉ phần hội cướp phết không được tiến hành để bảo đảm an ninh trật tự cũng như tránh bị biến tướng. Tại lễ hội Đúc Bụt, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, ngày 29.1 (mùng 8 tháng Giêng), điểm mới là phần “cướp chiếu” được thay bằng “tản chiếu phát lộc”, phần nào giảm tình trạng tranh cướp chiếu gây phản cảm.

Lễ hội Phết Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ (diễn ra ngày 12 - 13 tháng Giêng) từng “vỡ trận” vì những màn tranh cướp quyết liệt. Năm nay, do điều kiện bãi đánh trận không bảo đảm an toàn, UBND xã Hiền Quan đã họp với dân làng và quyết định dừng nghi lễ đánh phết. Hội Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, Ban Tổ chức đã chỉ đạo nghiêm cấm tất cả hình thức hát quan họ ngửa nón xin tiền, hát nhạc không phù hợp...

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, một vài năm trước đại dịch Covid-19, có thời điểm dấy lên trong dư luận những lo ngại trước các biến tướng tại lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở đã đồng hành với các địa phương có lễ hội “điểm nóng” để bàn thảo phương án tổ chức mới phù hợp, bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách. Nhiều địa phương đã gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịch bản, phương án tổ chức cụ thể, đặc biệt đối với một số lễ hội còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tổ chức phần hội. Việc đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền công đức, đốt đồ mã tại các cơ sở Phật giáo... được tập trung chấn chỉnh.

Tổ chức khoa học, hiệu quả

Đông đảo người đi lễ đầu năm, đi trẩy hội xếp hàng trật tự, nhiều lễ hội nhỏ ở các địa phương diễn ra yên bình, giữ nét đẹp truyền thống từ bao đời truyền lại... ngoài ý thức của người dân được nâng lên, còn là kết quả của những nỗ lực chuẩn bị phương án, xây dựng kế hoạch tổ chức khoa học, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mùa lễ hội còn kéo dài, cần tiếp tục theo sát diễn biến, dự báo những tình huống có thể nảy sinh để sẵn sàng ứng phó.

Những hành vi không đẹp, phản cảm trong một số lễ hội truyền thống cơ bản xuất phát từ nhận thức sai, lệch lạc của một bộ phận người đi dự hội không hiểu quy tắc tối thiểu của việc đi lễ ở các di tích; một số người "cuồng tín", tham cầu tài, cầu lộc; một số người ham mê cờ bạc, muốn làm giàu nhanh, sa đà vào các trò chơi dân gian bị biến tướng... Bởi vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu, công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội xuân cũng như thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở Phật giáo cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nhìn nhận: “ta đều hiểu lễ hội nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực; làm tắc nghẽn, tai nạn giao thông, tình trạng rượu chè, cờ bạc, bạo lực, giành giật… có cả. Nhưng đó không phải lỗi ở lễ hội mà do cách thức tổ chức không tốt. Điều tôi trăn trở ấy, rất may đang được cải thiện”.

Muốn có một lễ hội văn minh, an toàn và không bạo lực, địa phương phải có giải pháp khắc phục những hiện tượng phản cảm, đổi mới phương thức, có phương án bảo đảm trật tự an toàn, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về giá trị truyền thống của lễ hội. Nói như vậy, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, TS. Trần Hữu Sơn cho rằng, khắc phục tình trạng tiêu cực, tôn lên giá trị của lễ hội phải nhấn mạnh vai trò quản lý của nhà nước. Vai trò đó thể hiện ở chỗ thường xuyên giám sát, theo dõi diễn biến của các lễ hội để nắm bắt những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào nhằm bảo đảm không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng thực hiện hình thức mê tín dị đoan hoặc xuyên tạc, truyền bá phản cách mạng. Vai trò của nhà nước cũng thể hiện ở việc bảo đảm trật tự, an ninh xã hội trong thời gian tổ chức lễ hội, hướng tới mùa lễ hội an toàn, văn minh.

Thái Minh - Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-cuoi-tim-lai-net-dep-dich-thuc-i315170/