Bài cuối: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Mới đi vào vận hành từ giữa năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng nhưng Khu xử lý rác sinh hoạt huyện Bảo Yên, tại xã Yên Sơn đã bộc lộ nhiều bất cập. Người dân và chính quyền địa phương đều mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có phương án khắc phục.

Cần làm rõ những bất cập tại khu xử lý rác thải ở Bảo Yên

>>> Bài 1: Dân khổ sở vì bị bãi rác tra tấn

Trở lại khu xử lý rác sau khi vụ việc người dân chặn không cho xe chở rác vào Khu xử lý rác sinh hoạt huyện Bảo Yên tại xã Yên Sơn tạm lắng, chúng tôi nhận thấy xung quanh việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt này vẫn còn những câu hỏi lớn cần giải đáp. Theo Quyết định 2020/QĐ-UBND ngày 21/7/214 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý rác sinh hoạt huyện Bảo Yên, tổng mức đầu tư dự án là 41,2 tỷ đồng. Dự án gồm gồm các hạng mục: Khu chôn lấp rác, nhà điều hành, nhà phân loại, nhà lò đốt, nhà để xe, hệ thống đường nội bộ, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống mương thoát nước, cổng vào, hệ thống thu gom nước thải và lớp đậy mái taluy…

Trong đó, các hạng mục chính là khu chôn lấp rác có diện tích 32.000 m2, thiết kế thành 3 ô. Hệ thống thu nước thải bao gồm các ống thu nước rác tại mỗi ô chôn lấp và ống dẫn nước rác từ các ô về bể tập trung. Đường nội bộ bãi rác được bố trí chạy xung quanh bãi rác. Trên các tuyến đường nội bộ có bố trí các bãi quay xe và đổ rác. Khu xử lý nước rác có tổng diện tích 2.989 m2, bao gồm hồ điều hòa, hồ lọc sinh học, hồ chứa.

Tuy nhiên, dù khu xử lý rác được chủ đầu tư rục rịch làm các thủ tục bàn giao cho chính quyền xã quản lý và đi vào vận hành hơn nửa năm nay, nhưng thực tế vẫn còn thiếu nhiều hạng mục như nhà điều hành, nhà phân loại, nhà lò đốt, hệ thống đường vào bãi rác đã xuống cấp...

Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy việc vận hành bãi rác này đang có một số bất cập. Ví dụ, theo thiết kế, nước từ bãi rác phải thẩm thấu qua các bể lọc, sau đó được xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân, bãi rác thường xuyên bị ngập khi có mưa do hệ thống thu nước bị tắc; khu xử lý nước thải chưa đảm bảo và mương thoát nước cuối cùng đi thẳng vào khu ruộng vẫn canh tác của người dân. Không hiểu vì sao khi triển khai thi công dự án, chủ đầu tư không tính toán điều chỉnh thiết kế hoặc thu hồi diện tích ruộng của dân bởi nhiều diện tích ruộng, ao nằm dưới chân bãi rác khó mà sản xuất được.

Khi phóng viên đến ghi nhận thực tế tại bãi rác, nhiều người dân đã đến phản ánh sự việc ngày 14 và 15/2 vừa qua. Theo đó, vào thời gian trên, đơn vị xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt đã đặt máy bơm công suất lớn để hút nước rồi thải xả thẳng vào kênh dẫn nước. Từ kênh này, nước chảy thẳng vào mương đất rồi đổ ra khu ruộng sản xuất của người dân. Thậm chí, khi thấy chúng tôi, một người dân địa phương còn ra lớn tiếng vì nghĩ rằng đã bắt quả tang người của đơn vị thi công chuẩn bị cho hút nước thải đổ vào ruộng của dân.

Cùng đi khảo sát Khu xử lý rác sinh hoạt huyện Bảo Yên, một số người dân và cán bộ xã Yên Sơn băn khoăn đặt câu hỏi: Không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại đặt vị trí bãi tập kết rác trên thượng nguồn suối Lự. Chỉ bằng mắt thường thôi cũng thấy nhiều bất cập khi thiết kế các hạng mục như đường chở rác, khu xử lý nước thải ở đây?

Đặc biệt, theo người dân địa phương thì khi thuyết minh dự án, nhà thầu khẳng định rằng nước thải của bãi rác sau khi xử lý bằng công nghệ mới sẽ sạch và an toàn với môi trường, có thể sử dụng phục vụ sản xuất. Vậy nhưng, mới vận hành được hơn nửa năm đã gặp trục trặc, nước thải ra không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường. Hồ xử lý thì bốc mùi hôi thối và là nơi sinh sản của ruồi, muỗi. Hơn nữa, thời gian đầu vận hành, bãi rác không có đường cho xe vào đổ rác nên xe đứng trên taluy cao gần 20 m mà đổ rác xuống gây thủng lớp bạt lót ở nhiều điểm. Về lâu dài, có thể gây sạt lở và rò rỉ nước trong lòng bãi chưa được xử lý ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Một cán bộ xã Yên Sơn cho biết, trong cách bố trí các hạng mục thì có 2 tuyến đường. Một tuyến vòng quanh bãi rác và một tuyến đi vào lòng bãi rác chạy song song nhau rất lãng phí. Nếu khi thiết kế, chủ đầu tư có thể nghiên cứu mở thẳng lối xuống bãi rác từ tuyến đường vòng quanh bãi rác thì sẽ giảm được rất nhiều kinh phí trong khi vẫn đảm bảo vận hành.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn lo lắng cho biết: Mùa mưa lũ đang cận kề, không biết đơn vị vận hành sẽ xử lý ra sao với hệ thống thu gom, xử lý nước thải và hệ thống thoát nước. Dù nằm trên địa bàn xã và đã được chủ đầu tư đề nghị bàn giao để địa phương quản lý, nhưng UBND xã chưa nhận vì chủ đầu tư chưa xác định được mốc, đường vào bãi rác bị hư hỏng nhiều điểm và thực tế bãi rác cũng chưa hoàn thiện. Ngoài ra còn 3 hộ có đất sản xuất nằm ven đường lên bãi rác, khi đơn vị thi công san gạt đường bị sạt lở nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Hiện các hộ dân này vẫn đang yêu cầu bồi thường.

UBND xã Yên Sơn đề nghị trước khi bàn giao Khu xử lý rác sinh hoạt huyện Bảo Yên cho chính quyền địa phương quản lý, chủ đầu tư và nhà thầu cần khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành và môi trường. Cùng với đó, sửa chữa lại tuyến đường cho xe vào bãi rác, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đất, ruộng của người dân…

Những câu hỏi xung quanh bất cập ở Khu xử lý rác thải ở Bảo Yên là rất nhiều, như việc quy hoạch, công nghệ xử lý rác, việc vận hành hệ thống xử lý rác và việc hoàn thiện các hạng mục theo thiết kế của dự án…đang được dư luận đặt ra rất cần câu trả lời xác đáng từ các sở, ngành liên quan của tỉnh và chính quyền huyện Bảo Yên.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365233-bai-cuoi-nhung-cau-hoi-con-bo-ngo