Bài cuối: Đồng bộ giải pháp gỡ 'điểm nghẽn'

Có 11 huyện miền núi với 6 huyện nghèo, Thanh Hóa hiện gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) theo chuẩn mới, nhiều xã có nguy cơ 'lỡ hẹn' với mục tiêu về đích nếu chính quyền và Nhân dân không quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp gỡ các 'điểm nghẽn'.

Khó khăn ở các huyện miền núi

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa với 7 xã, 77 bản, hơn 95% dân số là dân tộc thiểu số, hiện mới có 17/77 bản đạt chuẩn bản NTM và vẫn “trắng” xã NTM, toàn huyện đạt bình quân 5 tiêu chí/xã. Đại diện lãnh đạo UBND huyện cho biết: do xuất phát điểm nền kinh tế của huyện thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; kết cấu hạ tầng thiếu thốn; sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện chủ yếu là tự cung, tự cấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở mức rất cao, chiếm tới 65,4%, thu nhập bình quân mới đạt 22,65 triệu đồng/người/năm. Trình độ dân trí chưa đồng đều, đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ một số tập quán, phong tục lạc hậu. Ngoài ra, nguồn thu ngân sách thấp, huy động nguồn lực trong dân khó khăn nên việc triển khai các tiêu chí cứng, nhất là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới

Tương tự tại huyện Lang Chánh, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu có 2 xã gồm: Đồng Lương và Tân Phúc đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, Đồng Lương mới đạt 13/19 tiêu chí, Tân Phúc mới đạt 16/19 tiêu chí. Tại xã Đồng Lương, các tiêu chí chưa đạt, gồm: điện, lao động, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, nghèo đa chiều. Theo Chủ tịch UBND xã Lê Khánh Đạt, người dân địa phương chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp với mức thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo 33,82%, hộ cận nghèo chiếm 32,4%. Do đó, để đạt tiêu chí giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 còn dưới 6,5% là một bài toán khó. Bên cạnh đó, một số tiêu chí mềm, như: môi trường, an ninh trật tự xã hội, văn hóa… cũng cần thêm thời gian, nguồn lực để triển khai sâu rộng.

Còn tại huyện Thạch Thành, năm 2022, huyện phấn đấu có 3 xã về đích NTM, gồm: Thạch Long, Thạch Cẩm, Thành Thọ. Tuy nhiên, hiện mới có xã Thành Thọ đang đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM. Xã Thạch Long và Thạch Cẩm vướng chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn nên chưa thể về đích. Năm 2023, theo mục tiêu đề ra, huyện Thạch Thành sẽ có tới 7 xã phải về đích NTM, nhưng đến nay chỉ có xã Thành Tiến đã tìm ra được giải pháp đầu tư nối đường ống dẫn nước để lấy nước từ nhà máy nước Kim Tân về để hoàn thành chỉ tiêu 17.1, còn lại nhiều xã chưa biết sẽ thực hiện chỉ tiêu có 20% số hộ trở lên sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung bằng cách nào khi mật độ dân cư thấp, không tập trung...

Huy động mọi nguồn lực

Thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho thấy, đến tháng 3.2023, toàn tỉnh có 61 xã, 700 thôn, bản thuộc khu vực miền núi đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, có 65 xã miền núi, trong đó có 26 xã thuộc các huyện nghèo phấn đấu đạt chuẩn NTM. Đây là các xã có nguồn thu ngân sách trên địa bàn rất hạn hẹp, vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, kinh tế khó khăn, các tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn, chủ yếu thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, cần nguồn vốn lớn để xây dựng và phát triển sản xuất, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

Giám đốc Sở NN - PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng NTM Thanh Hóa Cao Văn Cường chia sẻ: ngay sau khi Bộ tiêu chí mới được áp dụng, nhiều chỉ tiêu và tiêu chí nâng cao hơn so với trước đã đặt ra không ít thách thức với nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi. Văn phòng điều phối NTM đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các chỉ tiêu, tiêu chí theo các bộ tiêu chí NTM, nhất là những tiêu chí mới, khó, như: nước sạch tập trung, nghèo đa chiều, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế chủ lực, các nội dung tiêu chí liên quan đến chuyển đổi số... Từ đó, có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Để nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, Chánh Văn phòng điều phối NTM Thanh Hóa cho rằng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng lòng, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, nhất là các huyện miền núi. Trong đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện toàn diện đời sống cho người dân - yếu tố cốt lõi quyết định thành công trong xây dựng NTM. Đối với các xã vùng khó khăn, UBND tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn, đầu tư có trọng điểm để các xã này có cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện các tiêu chí. Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho những xã khó khăn tháo gỡ các “điểm nghẽn”, cán đích đúng hẹn.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi-dong-bo-giai-phap-go-diem-nghen-i326064/