Bài cuối: Đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông

Trong điều kiện cơ sở hạ tầng ở TP.Biên Hòa chưa theo kịp với sự phát triển của đô thị và gia tăng dân số cơ học, cầu dân sinh vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đi lại của người dân tại nhiều phường, xã.

Người dân KP.6 và KP.7, P.Long Bình đang rất trông đợi TP.Biên Hòa triển khai xây dựng cầu liên khu phố 6-7, kết nối 2 tuyến đường nội bộ để giảm tải cho đường Bùi Văn Hòa. Ảnh: P.Liễu

Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần có ngay những giải pháp trước mắt và tổng thể, lâu dài để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý các cây cầu dân sinh, ngăn ngừa hiểm họa từ những cây cầu này, nhất là khi mưa to, nước lũ tràn về.

* Mong chờ những cây cầu an toàn

Trong số các phường, xã của TP.Biên Hòa, thì “siêu phường” Long Bình với hơn 130 ngàn dân, có nhiều khu vực bị chia cắt bởi các nhánh của suối Linh, suối Bà Lúa. Do đó, nhu cầu có thêm những cây cầu dân sinh kiên cố, đủ an toàn để đáp ứng nhu cầu đi lại đang được người dân rất trông đợi.

Một trong những cây cầu dân sinh được nhiều người dân P.Long Bình chờ đợi nhất đó là cầu liên khu phố 6-7 bắc qua suối Bà Lúa. Cầu này dài 12m, nối 2 đầu tuyến đường nội bộ song song với đường Bùi Văn Hòa. Mặc dù đã được tỉnh đồng ý chủ trương cho xây dựng từ 3 năm trước nhưng dự án đến nay vẫn chưa được triển khai…

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vào ngày 3-7 tại P.Long Bình, nhiều cử tri kiến nghị thành phố sớm triển khai dự án xây dựng cầu liên khu phố 6-7, bởi hiện nay tuyến đường Bùi Văn Hòa thường xuyên xảy ra ùn tắc do lưu lượng người và xe qua lại rất lớn, chủ yếu là xe tải nặng, xe container, dẫn đến xung đột giao thông do trên tuyến đường này có nhiều khu công nghiệp, cảng và cụm công nghiệp. Việc xây cầu liên khu phố 6-7 sẽ giải quyết được vấn đề kẹt xe, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và đặc biệt là cho 2 ngàn học sinh, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh qua lại tuyến đường này để đến trường.

Một vấn đề khác khiến người dân ở những địa bàn gần sông, suối mong đợi là các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra độ an toàn của các cây cầu dân sinh để kịp thời cảnh báo cho người dân những nguy hiểm khi qua cầu, nhất là vào mùa mưa lũ; đẩy nhanh triển khai các dự án nạo vét sông, suối để người dân yên tâm mỗi khi mùa mưa về.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông qua các cầu dân sinh, hàng năm trước mùa mưa bão, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban và UBND 30 phường, xã tiến hành kiểm tra, rà soát các cây cầu dân sinh không đảm bảo an toàn để xử lý như: sửa chữa lan can tay vịn, gắn biển cảnh báo và cổng chặn qua cầu đối với các cầu bị ngập nước và cắt cử lực lượng trực các vị trí trọng điểm khi có mưa lớn…

Ông Nguyễn Văn Thọ (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, ông đang rất trông đợi thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án nạo vét suối Săn Máu giai đoạn 2 để giảm sự “uy hiếp” từ những sự cố từ suối Săn Máu đối với sự an toàn của những cây cầu dân sinh hiện bắc qua con suối, bảo đảm an toàn cho người đi lại trên những khu vực trũng thấp gần suối Săn Máu khi mùa mưa đến.

Tương tự, trước thực trạng nguy hiểm rình rập tại các cây cầu dân sinh liên quan đến suối Bà Lúa, người dân P.Long Bình Tân và P.An Hòa cũng kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án nạo vét suối Bà Lúa chảy qua địa phận 2 phường này. Bởi nhiều năm qua, suối Bà Lúa vào mùa mưa luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân, thực tế đã có nhiều vụ tai nạn chết người thương tâm do nước cuốn trôi vào mùa mưa tại con suối này vào những năm trước.

* Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Từ thực tế cho thấy, tình trạng mất an toàn ở những cây cầu dân sinh, ngoài vấn đề cơ bản là những cây cầu đã cũ, xuống cấp thì nguyên nhân làm trầm trọng thêm nguy cơ cũng như khả năng xảy ra những sự cố, tai nạn thương vong liên quan đến cầu dân sinh chính là do tác động bởi dòng nước từ các suối không được nạo vét, khơi thông kịp thời. Giải pháp cho vấn đề này là cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án chống ngập ở Biên Hòa.

Một đoạn suối Săn Máu ở khu vực cầu Lộc Lâm (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) bị người dân ven suối xây dựng lấn chiếm, làm hẹp dòng chảy, gây uy hiếp sự an toàn cho cây cầu này. Ảnh: K.Liễu

Mới đây, để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua các khu vực bị ngập sâu, giữa tháng 6-2023, UBND TP.Biên Hòa đã triển khai kế hoạch thực hiện khắc phục tình trạng ngập nước khi mưa lớn giai đoạn 2023-2026. Theo đó, UBND TP.Biên Hòa đã giao Phòng Quản lý đô thị thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đưa các dự án chống ngập, tiêu thoát lũ vào danh mục dự án cấp bách để được ưu tiên bố trí vốn và có cơ chế đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Trước đó, ngày 25-5-2023, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên đã đến kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện dự án nạo vét chống ngập tại 3 tuyến suối gồm: suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan. Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương có tuyến suối đi qua tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải, nhất là đối với các hộ dân đang vướng về các thủ tục hồ sơ xác nhận nguồn gốc đất. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ đầu tư các dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cần đôn đốc nhà thầu tập trung việc thi công dự án tại các khu vực đã được giải phóng và bàn giao mặt bằng, tổ chức phương án thi công hiệu quả kể cả trong mùa mưa, nhưng phải đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như người dân sống dọc hai bên bờ suối.

Phó giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai Nguyễn Xuân Song cho rằng, việc thi công dự án Chống ngập suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan đang bị vướng bởi các cây cầu dân sinh qua suối, do đó công ty đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý đồng bộ vấn đề trên, vừa đảm bảo thuận lợi trong thi công, vừa để người dân đi lại an toàn.

Cũng qua ghi nhận từ thực tế, việc thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nạo vét một số con suối cùng các giải pháp chống ngập là những biện pháp mang tính lâu dài và bền vững.

Tuy nhiên, một giải pháp khác cũng rất cần trong giai đoạn hiện nay, đó là thành phố nên tổ chức một cuộc khảo sát toàn diện với tất cả các cầu tạm dân sinh hiện có trên địa bàn toàn thành phố. Từ đó có đánh giá thực chất về số lượng, chất lượng, độ an toàn, sự tiện ích cũng như lưu lượng người và phương tiện qua những cây cầu dân sinh này. Qua đó có biện pháp xử lý như cho tiếp tục lưu thông qua những cây cầu tạm còn đủ kiên cố, đủ an toàn; cho sửa chữa, tu bổ, bảo dưỡng kịp thời đối với cầu tạm hoặc cho dỡ bỏ những cây cầu nguy cơ cao về mất an toàn để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Phương Liễu - Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/hiem-hoa-chuc-cho-tu-cau-dan-sinh-bai-cuoi-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-dan-luu-thong-3172625/