Bài cuối: 'Có cơ chế đặc thù sẽ tháo gỡ hết vướng mắc'

Theo ý kiến nhiều đại biểu, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là thiết chế văn hóa đặc biệt của quốc gia, nên cần có cơ chế đặc thù, nếu không sẽ khó, thậm chí không thể phát triển như mục tiêu đã đề ra.

Nhiều ưu đãi không dành cho “Làng”

Theo Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Ban Quản lý tổ chức tương đương cấp Tổng cục, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bao gồm: quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai...

Vợ chồng Nghệ nhân Đinh Văn Lương - dân tộc Mường, trò chuyện với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Tuy nhiên, quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Trịnh Ngọc Chung, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai... chưa đề cập Ban Quản lý như một cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn đối với Làng. Ông Chung dẫn chứng, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hiện hành, có quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế, khu công nghiệp… nhưng chiểu theo Nghị định này thì Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không thuộc loại nào, Ban Quản lý cũng không có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nên vướng khi hợp tác.

“Sự phân định trách nhiệm, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước đối với Làng, giữa Ban Quản lý với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Làng, đặc biệt là trong công tác kêu gọi đầu tư”, ông Chung bổ sung.

Ngân sách đầu tư chưa được cấp đủ, ngân sách chi thường xuyên cũng hạn chế, dẫn đến khó khăn trong duy tu, bảo dưỡng các công trình và tổ chức hoạt động tại Làng. Khu các làng dân tộc Việt Nam đã cơ bản hoàn thành, tái hiện không gian văn hóa, kiến trúc nhà ở của tất cả 54 dân tộc. Các công trình kiến trúc dân gian được xây dựng theo nguyên bản với kết cấu và vật liệu kém bền vững như gỗ, tranh, tre, lá cây, đất… Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở miền Bắc, không được duy tu và đưa vào hoạt động thường xuyên, nên sau 16 - 17 năm, một số công trình nhà dân tộc đã có biểu hiện xuống cấp.

Hiện đã có 16 cộng đồng dân tộc (mỗi dân tộc 8 người) hoạt động thường xuyên tại Làng, cao điểm 500 đồng bào. Con số này còn khiêm tốn so với 54 dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S, song theo Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Trịnh Ngọc Chung, đã là một nỗ lực lớn. “Mời được bà con về Làng đã rất vất vả, giữ được bà con ở lại hoạt động ổn định càng khó”. Hiện chưa có cơ chế, chính sách cho đồng bào hoạt động tại Làng. Định mức chi cho đồng bào đang phải vận dụng chính sách hiện có áp dụng cho các đối tượng phổ biến khác.

Nghệ nhân Đinh Văn Lương, khu nhà Mường, kể, vợ chồng ông ở Làng từ năm 2017, tham gia giới thiệu, trình diễn văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc mình. Ban đầu, mỗi tháng được Làng trả 1,5 triệu đồng/người, đến nay đã tăng lên 3 triệu đồng/người/tháng. Được cái nhà ông ở Hòa Bình, gần Làng, nên thi thoảng về cũng tiện. Có đặc sản gì của quê hương lại mang ra Làng, vừa giới thiệu vừa bán cho du khách, tăng thêm thu nhập. Cộng đồng các dân tộc khác sinh hoạt tại Làng cũng làm theo cách đó.

“Chúng tôi đang xây dựng Thông tư về mức chi hỗ trợ bà con theo mức lương tối thiểu vùng I của Hà Nội (4.680.000 đồng/tháng), nếu được Bộ Tài chính đồng ý thì sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua và áp dụng trong năm 2024”, ông Chung thông tin.

Tìm cơ chế quản trị, khai thácphù hợp

Để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đầu tư phát triển theo đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã xác định, đồng thời được khai thác, vận hành hiệu quả, Ban Quản lý Làng kiến nghị xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù để Ban Quản lý Làng có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai... tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam như Khu kinh tế hay Khu công nghệ cao… “Phải xác định Làng là mô hình đặc biệt và áp dụng cơ chế đặc thù. Nếu áp dụng cơ chế đặc thù, chắc chắn sẽ tháo gỡ được hết các vướng mắc hiện nay”, ông Chung khẳng định.

Là người trong ngành, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, “rất sốt ruột”. Được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, lẽ ra sau 26 năm Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phải trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn nhưng thực tế lại chưa được như kỳ vọng. Khẳng định, Làng là mô hình đặc biệt nên cần cơ chế đặc biệt, nếu không sẽ khó phát triển, song PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, “không phải cái gì cũng đổ lỗi cho cơ chế”, cần đánh giá lại hoạt động đầu tư, khai thác của Làng, xác định cụ thể những vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có mô hình và cách thức triển khai hoạt động của Làng.

“Cái gì đặc thù cũng cực kỳ khó khăn. Có cơ chế đặc thù nhưng điều kiện đi kèm để triển khai không đặc thù thì cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng”, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Trần Việt Anh lưu ý.

Nhấn mạnh, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình thiết chế văn hóa đặc biệt của cả nước với mục tiêu và kỳ vọng lớn về một địa chỉ văn hóa, du lịch quốc gia, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng, Ban Quản lý Làng phải nỗ lực hơn nữa, tham mưu, đề xuất chính sách, điều kiện bảo đảm, tìm cơ chế phù hợp để quản trị, khai thác thiết chế này. Trong đó, “đầu tư có trọng tâm trọng điểm, quản lý tốt nguồn vốn, bám sát quy hoạch, quan tâm đến quản lý, khai thác hiệu quả các công trình, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực”.

Bài và ảnh: Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-cuoi-co-co-che-dac-thu-se-thao-go-het-vuong-mac-i357805/