Bài cuối: Chuyên nghiệp hóa trong quản lý, tổ chức

Việc duy trì trật tự, văn minh hứa hẹn bức tranh lễ hội năm 2024 có nhiều điểm sáng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam; tuy nhiên, công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn cần được theo dõi sát sao, hướng dẫn kịp thời.

Giữ uy tín, thương hiệu

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý công tác tổ chức lễ hội. Cụ thể, ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội; tăng cường tổ chức các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội nhằm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống và các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội...

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội vẫn cần được theo dõi sát sao, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Hồng Hà

Qua theo dõi và ghi nhận thực tế tại một số lễ hội diễn ra từ đầu năm, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhận xét: “Nhìn chung, lễ hội năm nay trật tự hơn, văn minh hơn”. Theo GS.TS Từ Thị Loan, tình trạng phản cảm như cướp lộc, chen lấn xô đẩy, trộm cắp, ăn xin… vốn là vấn đề nhức nhối xảy ra tại lễ hội những năm trước căn bản đã không còn xảy ra. Điều này một phần nhờ cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực trong lễ hội; ban quản lý lễ hội tại các địa phương cũng ngày càng chuyên nghiệp hóa. Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống; công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành sát sao ngay từ đầu mùa lễ hội…

“Nói chung phía Nhà nước ngày càng nghiêm khắc, quyết liệt; cộng đồng, người dân nâng cao ý thức tham gia lễ hội. Hơn nữa, bây giờ lễ hội nào lộn xộn, xảy ra hiện tượng tiêu cực, ngay lập tức báo chí, truyền thông sẽ vào cuộc thông tin rộng rãi. Do đó, Ban tổ chức lễ hội ngày càng ý thức giữ gìn uy tín, thương hiệu, hình ảnh của lễ hội, lễ hội nọ nhìn lễ hội kia học hỏi nhau làm cho công tác tổ chức lễ hội chỉn chu hơn. Ví dụ, một số nghi thức trước đây gây tranh cãi như nghi thức chém lợn trong lễ hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh nay đã đưa vào lễ mật, nghi thức chỉ diễn ra ở phạm vi rất nhỏ trong cộng đồng. Hay hội chọi trâu cũng càng ngày càng quy củ hơn...”, GS. TS Từ Thị Loan phân tích.

Theo dõi sát sao, hướng dẫn kịp thời

GS. TS Từ Thị Loan cho rằng, dù rằng xã hội có nhiều biến đổi, lễ hội vẫn luôn hấp dẫn con người ở những giá trị tích cực. Đến với lễ hội, ngoài việc gửi gắm những mong cầu cho đời sống, công việc, còn là dịp du xuân, vãn cảnh, chiêm bái các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. “Đi lễ hội là nhu cầu văn hóa, tâm linh của người Việt. Đến các không gian linh thiêng đình, đền, chùa… người ta cảm thấy được lắng mình, tĩnh tâm để quay lại chu kỳ làm việc trong năm mới có thêm năng lượng mới. Nhiều người đưa cả gia đình, bạn bè, con cái đi lễ hội để con trẻ được giáo dục truyền thống, thể hiện sự quan tâm đến đạo lý uống nước nhớ nguồn. Lễ hội cũng là dịp gắn kết các thành viên cộng đồng... Rất nhiều giá trị như vậy khiến lễ hội sẽ luôn là nơi hấp dẫn ngày càng đông đảo người tham gia”.

Chính vì ngày càng đông người tham gia nên theo GS. TS Từ Thị Loan, công tác tổ chức lễ hội luôn rất phức tạp. Trong số hàng nghìn lễ hội diễn ra trên khắp cả nước, không tránh khỏi nơi này, nơi kia xảy ra lộn xộn, tiêu cực… Trên thực tế tại một số lễ hội vẫn còn hiện tượng chèn ép giá trông xe, giá đồ lễ, dịch vụ ăn uống, đốt nhiều vàng mã… Hoặc vẫn còn cách hành xử không đúng ở không gian đình, đền, chùa… “Việc người dân mang vàng mã vào đốt trong chùa là không đúng với giáo lý nhà Phật, vì vàng mã chỉ được đốt ở các đình, đền, miếu, phủ… Hoặc ở chùa phải cúng chay, trong khi nhiều người vẫn đưa cả đồ mặn vào lễ cúng. Rồi không gian lễ hội chùa chiền, thịt thú rừng treo bán khắp nơi… Tất cả những điều đó là chưa chuẩn chỉnh, chưa thể hiện sự văn minh, hiểu biết về bản chất không gian lễ hội, tín ngưỡng”.

Dịch Covid-19, suy thoái kinh tế ít nhiều tác động đến các lễ hội, không còn tình trạng quá tải. Tuy nhiên rất có thể trong một vài năm tới khi kinh tế phục hồi, lễ hội đông vui trở lại thì các hiện tượng tiêu cực lại xảy ra. “Cho nên, cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải theo dõi sát sao, có văn bản hướng dẫn kỹ hơn, sâu sát hơn, bám chắc tình hình hơn, cụ thể, chi tiết, đi sâu đối với từng loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó, chính quyền địa phương cũng có căn cứ để triển khai thực thi pháp luật; cộng đồng, ban quản lý, ban tổ chức lễ hội có căn cứ để thực hiện”, GS. TS Từ Thị Loan nhận định.

Ngọc Phương - Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-cuoi-chuyen-nghiep-hoa-trong-quan-ly-to-chuc-i362847/