Bài cuối: Chú trọng công nghiệp chế biến

Bài 1: Còn đó những tiềm năng

Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, về vùng nguyên liệu để đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây (loại nông sản chủ lực của tỉnh), góp phần tăng thu nhập cho nông dân là một trong những mục tiêu quan trọng mà Tiền Giang đã và đang hướng đến.

CƠ CHẾ ƯU ĐÃI

Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đối với chế biến nông sản, Tiền Giang đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, giải pháp hỗ trợ. Về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nói chung, tỉnh Tiền Giang hiện có 2/11 đơn vị hành chính thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (huyện Tân Phước, huyện Tân Phú Đông; 2/11 đơn vị hành chính thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây).

Chế biến trái cây là lĩnh vực mà Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Chế biến trái cây là lĩnh vực mà Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Ngoài các chính sách ưu đãi chung, Tiền Giang cũng đã ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Riêng đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thực hiện Nghị định 57 ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 5 tỷ đồng, Kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 3 tỷ đồng để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

Thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực chế biến trái cây, những năm qua Tiền Giang cũng đã thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn, chẳng hạn: Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát - Tập đoàn ANDROS Asia đã khai trương Kho lạnh Gò Công, có sức chứa 1.500 pallet, kho lạnh có diện tích 6.000 m2 là một phần của nhà máy chế biến có diện tích 16.000 m2, trong đó diện tích lưu trữ và xuất nhập hàng là 2.500 m2; Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang cũng đã triển khai Dự án Nhà máy chế biến trái cây tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo và đưa vào vận hành chính thức vào đầu tháng 10-2021, dây chuyền chế biến rau quả cấp đông với công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày, chủ yếu sử dụng các loại trái cây chủ lực của tỉnh như: Thanh long, xoài, mít, chuối…

Trong năm 2022, công ty đưa vào vận hành dây chuyền chế biến sản phẩm từ dừa có công suất 300.000 trái/ngày đêm góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng thể đối với nhóm ngành chế biến nông sản xuất khẩu, đặc biệt là trái cây, theo đánh giá chung của Sở Công thương, các sản phẩm của doanh nghiệp hiện chưa đa dạng, chủ yếu trái cây đóng hộp, chất lượng nguyên liệu không đồng đều, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; mối quan hệ chưa bền vững giữa người cung ứng và doanh nghiệp sản xuất; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn trong khâu chuyển đổi quy trình sản xuất, thiếu vốn cho đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới dây chuyền sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới; việc kết nối các khâu của chuỗi giá trị, giữa người sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài và chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh hiện còn chịu áp lực từ các thị trường nhập khẩu nông sản do liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm; khó khăn trong việc bảo quản trái cây.

Chưa kể, việc xuất khẩu trái cây tươi gặp khó khăn do thời gian bảo quản ngắn. Tình trạng thiếu kho bảo quản nông sản và nhà máy sơ chế đối với một số loại trái cây thu hoạch vào mùa thuận, thời vụ với sản lượng thu hoạch rất lớn như: Thanh long, mít, xoài, khóm... vẫn còn diễn ra.

HƯỜNG TỚI NỀN NÔNG NGHIỆP TOÀN DIỆN

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng về tổng thể tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực trái cây, thủy sản của Tiền Giang thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, tiến độ còn chậm so với yêu cầu; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn có tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nguyên liệu cho phát triển các ngành công nghiệp chế biến; thương mại chưa khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh chưa được chế biến sâu để xuất khẩu, mà chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước hoặc sơ chế xuất khẩu, giá trị gia tăng thấp; đồng thời, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại trong những năm qua còn ít so với yêu cầu của sự phát triển; chưa có doanh nghiệp thật sự lớn mạnh, doanh nghiệp đầu tàu về chế biến và xuất khẩu nông sản.

Để khai thác hết tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, trong thời gian tới Tiền Giang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực trái cây, thủy sản theo hướng thu hút đầu tư nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân; sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tương ứng với sản phẩm chủ lực về nông nghiệp và thủy sản; xây dựng 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, ứng dụng quy trình xử lý chiếu xạ sau thu hoạch, đảm bảo nông sản xuất khẩu được xử lý bằng chiếu xạ.

Tiền Giang cũng tính toán thu hút đầu tư nhằm hình thành những vùng chuyên canh lớn, đặc biệt là chuyên canh cây ăn trái, vùng trồng lúa cao sản theo hướng nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào hệ thống thương mại, mạng lưới thu mua, chế biến, gắn với sản xuất, tiêu thụ, phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phát triển ổn định, bền vững.

Đồng thời, Tiền Giang cũng tính toán đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao khoảng 100 ha ở xã Điềm Hy (huyện Châu Thành) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thực hiện chức năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp - thử nghiệm - trình diễn - chuyển giao; đồng thời, thu hút đầu tư mở rộng cảng và hoàn thành cơ bản hạ tầng đồng bộ cảng biển và cảng cá, đội tàu vận tải biển, dịch vụ hàng hải, công nghiệp tàu thủy và phát triển một số nghề biển mới trên cơ sở kết quả nghiên cứu, thăm dò tài nguyên như phát triển nuôi trồng một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở vùng biển, ven biển, khai thác tài nguyên dưới đáy biển; sử dụng năng lượng gió, sóng và thủy triều.

Một trong những định hướng quan trọng là Tiền Giang sẽ tập trung thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, bao gồm công nghiệp chế biến thủy sản, rau quả…; khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu lúa - gạo, trái cây, rau màu, vùng nuôi trồng, khai thác thủy sản của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

A. PHƯƠNG - M. THÀNH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202401/loi-giai-cho-bai-toan-thu-hut-dau-tu-vao-nong-nghiep-bai-cuoi-chu-trong-cong-nghiep-che-bien-1000839/