Bài cuối: Chính quyền rốt ráo vào cuộc

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan Trung ương thì địa phương - nơi trực tiếp chịu trách nhiệm thực thi Quyết định 22 cũng đang rốt ráo đưa chính sách nhân văn vào cuộc sống. Với cấp ủy, chính quyền địa phương, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người hoàn lương có việc làm, tái hòa nhập cộng đồng không chỉ là việc phải làm đối với cá nhân người lầm lỡ mà còn là trách nhiệm vì sự ổn định, phát triển của toàn xã hội...

Mỗi bước đi của người từng lầm lỗi luôn có sự động viên của cả hệ thống chính trị. Ảnh: Q. Bình

Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp Võ Phan Thành Minh: Cứu cánh của người hoàn lương, công cụ hữu hiệu của chính quyền

Hiện nay, toàn thành phố đang quản lý 274 người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương cư trú. Trong đó, có tới 158 người không có việc làm hoặc việc làm tạm bợ, không ổn định; thiếu vốn để tổ chức sản xuất; bản thân còn tự ti, mặc cảm...

Trước tình hình trên, chúng tôi xác định, Quyết định 22 không chỉ là cứu cánh cho người hoàn lương mà còn là công cụ hữu hiệu cho chính quyền thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Song, để nâng cao hiệu quả triển khai Quyết định 22, các ban ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quyết định bằng hình thức đưa các quy định về thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn được vay vốn trên Cổng thông tin điện tử thành phố để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nắm, hiểu và thực hiện đúng quy định.

Mặt khác, tuyên truyền những gương điển hình, mô hình, cách làm hay, có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; tiếp tục kêu gọi các cấp, ngành, tổ chức xã hội và cá nhân, doanh nghiệp trong việc xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong hình phạt tù, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Cả hệ thống chính trị phải phối hợp chặt chẽ, cùng nhau thống nhất thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, lực lượng công an cấp cơ sở cần xem xét thận trọng về khả năng điều kiện, phương án của người vay trước khi đề xuất để bảo đảm cho công tác thu hồi, bảo toàn nguồn vốn. Công an thành phố rà soát nhu cầu vay vốn thực tế của người chấp hành xong hình phạt tù và cơ quan sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong hình phạt tù trên địa bàn để đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH theo từng năm hoặc theo giai đoạn.

Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La Dương Anh Tuấn: Căn cứ pháp lý quan trọng

Tôi cho rằng, Quyết định 22 là căn cứ pháp lý quan trọng, giải quyết vấn đề khó khăn về vốn cho các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù; giúp cấp ủy, chính quyền xã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội gắn với phát triển kinh tế tại địa bàn.

Chiềng Sơn là địa bàn phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy ngày càng tinh vi; đối tượng người đi tù sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường không tự giác đến khai báo, bỏ đi làm ăn khỏi địa bàn… do đó, công tác giúp đỡ, bám nắm, giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.

Trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn xã có 61 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; các trường hợp này đều được hỗ trợ để tái hòa nhập. Riêng năm 2021, đã có 8 người sau cai nghiện ma túy, lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng được vay 380 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác theo Chỉ thị số 40-CT/TW để chăn nuôi trâu, bò sinh sản, trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả, cây chè... Hiện nay, các mô hình đã bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như hộ vay vốn Lê Đình Ngoan tại bản Hương Sơn, xã Chiềng Sơn, gia đình vay vốn trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả như hồng giòn; nhãn; bơ...với mức thu nhập trên 240 triệu đồng/năm.

Chính sách nhân văn và thiết thực là vậy nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi rất mong NHCSXH tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc cho vay vốn với những người đã từng lầm lỡ, giúp bà con mau chóng có việc làm, thu nhập ổn định. Có như vậy mới giúp họ tránh tái phạm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Uông Bí, Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành: Vốn lãi suất thấp - giải pháp căn cơ!

Tôi cho rằng, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất thấp là giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù và hộ gia đình có người lầm lỗi có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.

Do đó, bên cạnh đầu tư cho phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố coi việc giúp đỡ các đối tượng này mau chóng có việc làm ổn định, có nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự tại địa phương.

Trước khi có Quyết định 22, thành phố đã có nhiều mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập và có công ăn việc làm. Hiện nay, có ít nhất 2 mô hình vẫn đang hoạt động hiệu quả như "Mở đường cho người lầm lỗi"… Thông qua đó, đã có hơn 230 người/743 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm nuôi sống bản thân và quay lại hỗ trợ, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế.

Tính đến nay, ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh cấp, UBND thành phố đã bố trí 7.086 tỷ đồng ủy thác thông qua NHCSXH để thực hiện cho vay giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện, có nhu cầu vốn, có dự án vay bảo đảm đều được tiếp cận với nguồn vốn này. Trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay các đối tượng quy định.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai Quyết định 22, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; không kỳ thị để họ có nhiều cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-cuoi-chinh-quyen-rot-rao-vao-cuoc-i364938/