Bài cuối: Cần có giải pháp quản lý phù hợp

Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo, nếu để học sinh sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều sẽ bào mòn thị lực, đạo đức, nhân cách của học sinh từng ngày, nguy hiểm hơn sẽ khiến các em quên đi nhiệm vụ chính của mình là học tập. Vì vậy, ngay từ bây giờ, vấn đề quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh của học sinh phổ thông cần được xem xét và có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong nhà trường: Những vấn đề đặt ra

>> Bài 1: Smartphone - “Sứ mệnh thời Covid" và ảnh hưởng tiêu cực hôm nay

Nhóm học sinh mải sử dụng điện thoại, không tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, số học sinh tiểu học của tỉnh có điện thoại thông minh hiện nay là 570/82.277; học sinh THCS có điện thoại thông minh là 14.477/59.701. Có tổng số 10/186 trường tiểu học và 90/189 trường THCS cho phép học sinh mang điện thoại đến trường. Số tiết học giáo viên đăng ký cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh là 369 tiết với cấp tiểu học và 1.823 tiết với cấp THCS.

Xin nêu 2 ví dụ cụ thể: Tại Trường THCS Kim Tân (thành phố Lào Cai) năm học 2022 - 2023, toàn trường có hơn 1.000 học sinh thì qua khảo sát có tới 560 học sinh sử dụng điện thoại thông minh. Còn tại Trường THCS số 1 xã Võ Lao, huyện Văn Bàn có 712 học sinh thì cũng có tới hơn 200 học sinh có điện thoại thông minh.

Nên hay không nên cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học? Đây đang là vấn đề không chỉ các bậc phụ huynh quan tâm, mà còn là trăn trở của ban giám hiệu các nhà trường.

Thông tư số 32, ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Vì vậy, nhà trường hiện chỉ cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác trong tiết học mà giáo viên cho phép sử dụng. Việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại được các nhà trường thực hiện nghiêm túc bằng nhiều biện pháp, trong đó có cả việc tổ chức tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng sử dụng điện thoại thông minh đối với học sinh. Tuy nhiên, từ thực tế tại các trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nay, nhiều học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, khi tan học, thậm chí lén lút sử dụng trong các giờ học gây ảnh hưởng không nhỏ kết quả học tập và tinh thần, sức khỏe của các em.

Nhiều học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.

Trong quá trình thực hiện phóng sự này, qua khảo sát từ nhiều giáo viên cho thấy, hầu hết thầy cô giáo không đồng tình với việc cho học sinh sử dụng điện thoại khi đến trường.

Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai) có khá nhiều học sinh dùng điện thoại di động. Để quản lý, nhà trường đã yêu cầu giáo viên đăng ký trước các tiết học có sử dụng thiết bị thông minh và phải được sự đồng ý của trường, sau đó thông báo cho học sinh chuẩn bị. Trong lớp học, giáo viên cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở khung thời gian nhất định như lúc làm bài tập hay lúc cần trả lời câu hỏi, ngoài khung thời gian đó, học sinh không được sử dụng. Tại các lớp học cũng có camera giám sát việc này.

Cô giáo Cao Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Cho học sinh sử dụng smartphone một cách thoải mái sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều học sinh bên ngoài rất ngoan ngoãn nhưng trên mạng xã hội lại khác hoàn toàn. Để tránh những hệ lụy không mong muốn, khi tuyển sinh vào trường, chúng tôi đã cho các em ký giao ước với nhà trường, trong đó có những quy định rõ ràng về sử dụng điện thoại di động và mạng xã hội.

Thầy giáo Lê Văn Huyển, Hiệu trưởng Trường THCS số 1 xã Võ Lao (Văn Bàn) cũng cho rằng: Khi sử dụng điện thoại thông minh, học sinh sẽ tra cứu Google để trả lời tất cả các câu hỏi của thầy cô giáo, thậm chí tìm đáp án cho hầu hết bài tập của các môn mà ít cần động não suy nghĩ, điều này sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, việc học sinh sử dụng điện thoại nhiều cũng làm giảm tương tác giữa các em với bạn bè, với thầy cô, gia đình. Trong khi ở lứa tuổi học trò, việc tương tác với bạn bè, thầy cô là một kỹ năng quan trọng giúp các em hoàn thiện nhân cách.

Không chỉ giáo viên mà nhiều phụ huynh học sinh cũng bày tỏ lo ngại khi thấy con em mình được mang điện thoại thông minh đến trường. Ông Tô Văn Ký, Trưởng Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường THCS Kim Tân cho biết: Thực tế đã có nhiều phụ huynh phàn nàn về việc con em họ dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại làm ảnh hưởng đến việc học tập; thậm chí có cháu đã bị rủ rê, lôi kéo vào những vụ việc ẩu đả, cãi nhau thông qua mạng xã hội… Qua hỏi ý kiến, nhiều phụ huynh nêu quan điểm rõ ràng là không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học vì sẽ tạo cơ hội cho học sinh vào mạng internet lướt facebook, chơi game, không tập trung cho việc học.

Tổ chức hoạt động dạy và học qua các phần mềm góp phần thu hút học sinh tham gia mà không quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh.

Trước thực tế trên, nhiều trường học đã có quy định học sinh không được mang điện thoại thông minh tới trường. Nhưng quy định này còn có những ý kiến trái chiều, cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: Các thiết bị di động đã giải quyết rất tốt việc đảm bảo tiến độ dạy và học trong điều kiện dịch bệnh như giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua. Thế nhưng, sau giai đoạn đó, những chiếc smartphone lại trở thành “người bạn thông minh” của nhiều học sinh. Nhiều em đã không còn giao tiếp, kết nối với nhau, không còn tương tác như lứa tuổi học trò vốn có, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai. Trước tình hình đó, chúng tôi đã làm việc với các nhà trường, phân tích những cái “được”, cái “mất” để nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng điện thoại di động trong trường học của học sinh; đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361201-bai-cuoi-can-co-giai-phap-quan-ly-phu-hop