Bài 4: Mở rộng liên kết công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia

Sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và những năm tiếp theo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngành công nghệ cao có bước phát triển vượt bậc. Nổi bật là, tổ chức lực lượng công nghệ cao được củng cố, kiện toàn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quân đội, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Cơ chế quản lý, hệ thống tổ chức ngày càng hoàn thiện, tinh, gọn, hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đổi mới, hiện đại hóa. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được coi trọng, thu hút, bổ sung ngày càng nhiều.

Kết quả này trực tiếp bác bỏ những luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng chúng ta không biết cách tổ chức sản xuất công nghiệp quốc phòng, làm lãng phí nguồn tài nguyên đất nước.

Tự lực, tự cường phát triển ngành công nghệ cao hiện đại, đồng bộ, có nhiều bên tham gia

Đến nay, ngành công nghệ cao đã hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, sản xuất trang bị kỹ thuật cho lực lượng lục quân và góp phần quan trọng hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không - không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, tình báo, tác chiến không gian mạng,... giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đồng thời làm chủ được công nghệ lõi, nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí chiến lược, tạo bước tiến vượt bậc về năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất. Cùng với phát triển theo chiều sâu, nghiên cứu phát triển các loại vũ khí hiện đại, thông minh, sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt. Xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tấn công mạng diễn ra gay gắt. Sự phát triển mạnh mẽ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động sâu sắc đến khoa học - công nghệ quân sự; nhiều loại vũ khí mới ra đời, xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng và công nghiệp quốc phòng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh đó, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta chủ trương xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ, chiến thuật cao theo yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Quân đội hiện đại.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, như: nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai các dự án đầu tư tiềm lực, phát triển sản phẩm trọng điểm; huy động nguồn lực tài chính Nhà nước và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng; thu hút, đào tạo, giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; khuyến khích, phát huy, trọng dụng nhân tài,...

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất nước. Tổ chức lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, tiến tới thành lập tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bảo đảm tinh, gọn, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại, vừa sản xuất, vừa sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm, phù hợp thế bố trí chiến lược 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tiếp tục chuyển một số viện nghiên cứu sang mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ và nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp quốc phòng.

Muốn làm được như vậy, các đơn vị mũi nhọn như Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và các Bộ có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, các viện nghiên cứu… cần đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá nghiên cứu phát triển, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ quân sự, làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí chiến lược, vũ khí lục quân thế hệ mới, bảo đảm khả năng cơ động và tác chiến trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Tập trung các nguồn lực nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, góp phần hiện đại hóa Quân đội.

Để các đề án, dự án, chiến lược mang tính khả thi cao, cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng; mở rộng liên kết công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia.

Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng là vấn đề lớn, bao hàm nhiều nội dung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về nguồn nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ,... Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các ngành, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng; kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng trong chiến lược xây dựng, phát triển của các bộ, ngành, địa phương, nhất là đối với các dự án trọng điểm, sản phẩm mũi nhọn.

Cùng với đó, ngành đẩy mạnh liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật; chú trọng hợp tác cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng với các đối tác trong và ngoài nước. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phát triển công nghiệp quốc phòng; ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thế mạnh phục vụ nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp then chốt quốc gia, như: hóa chất, luyện kim, cơ khí chế tạo máy, điện tử, tin học, viễn thông,... tham gia vào chuỗi sản xuất của công nghiệp quốc phòng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Con người, nhân tố cốt lõi để xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng

Một yếu tố đặc biệt quan trọng là chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp quốc phòng. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, cùng với xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu, lộ trình xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút nhân tài, tiềm năng chất xám từ các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ sở nghiên cứu, viện thiết kế trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án công nghệ cao của công nghiệp quốc phòng. Ưu tiên thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, cán bộ kỹ thuật những ngành đặc thù quốc phòng, nhất là các chuyên gia đầu ngành, kỹ sư trưởng và tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Có chính sách đãi ngộ tốt, có đặc thù cao để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản trị và công tác thị trường của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng. Có chính sách thỏa đáng, phù hợp đối với lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ lõi, đặc thù quân sự, tạo nên thế và lực mới để công nghiệp quốc phòng có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong chuyến đi thực tế giữa năm 2020 tới một số nhà máy, viện nghiên cứu thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, được mắt thấy hệ thống xe đón đưa công nhân ở Nhà máy Z111; nhà công vụ ở Nhà máy Z195... mới thấy hết sự quan tâm chăm sóc của các đơn vị, cơ quan nhà máy tới người làm công tác nghiên cứu hay công nhân lao động, chúng tôi đã hiểu tại sao nhiệm vụ phát triển con người, chăm lo cho con người, xây dựng con người mới luôn được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đặt lên hàng đầu. Và chính vì đã và đang làm rất tốt điều này, nhiều năm qua, đội ngũ những người lính Quân giới đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng ngày càng nặng nề.

Chia sẻ về câu chuyện về tương lai Trung tá Hoàng Văn Đức, Thiếu tá Bùi Văn Đồng, kỹ sư Tuấn Anh, kỹ sư Trần Anh Đức ở viện Hàng không vũ trụ Viettel đều có chung nhận định, việc chúng ta làm chủ kỹ thuật quân sự ở trình độ cao giúp chúng ta làm chủ về mặt tác chiến, chủ động về kỹ thuật; từ đó giúp chúng ta không bị phụ thuộc vào nguồn sản phẩm từ bên ngoài. Khi làm chủ về kỹ thuật, làm chủ về nhân lực, chúng ta còn mở rộng ra nhiều sản phẩm kỹ thuật quân sự công nghệ cao trong tương lai. Làm chủ kỹ thuật chúng ta đang có và ứng dụng tốt nhất các thành tựu KHKT thế giới là sự chủ động tốt nhất cho tương lai. Thiếu tá Bùi Văn Đồng nhận định, với nền tảng kỹ thuật hiện tại của Viettel, với lực lượng nhân lực hiện có, tương lai sẽ chúng ta tự tin sẽ còn có thêm nhiều sản phẩm ở trình độ cao hơn.

Nói thêm về sự sáng tạo của các kỹ sư, Trung tá Hoàng Văn Đức đặc biệt nhấn mạnh tới sự tự chủ của từng cá nhân. Điều này cần sự thực chất, chứ không thể chạy theo phong trào chung chung. Sáng tạo thực sự là bắt buộc khi công tác ở một đơn vị như Viện Vũ trụ hàng không Viettel. Sáng tạo là gốc của sự đột phá, từ quản lý điều hành cho tới giải pháp kỹ thuật. Sáng tạo còn mang ý nghĩa là sống còn của đơn vị. Kỹ sư Tuấn Anh cho rằng, kích thích ý tưởng sáng tạo trong đội ngũ kỹ sư trẻ, có cơ chế cho phép các kỹ sư có ý tưởng sáng tạo được phát triển ý tưởng có tính ứng dụng là giải pháp căn cơ và thu hút những người đam mê khoa học.

Hoa Huyền

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-4-mo-rong-lien-ket-cong-nghiep-quoc-phong-voi-cong-nghiep-quoc-gia-256936.html