Bài 3: Tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm dấn thân

Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Vành đai 4) tại 7 quận, huyện với nhiều khó khăn, phức tạp, thời gian thực hiện gấp rút thực sự là thách thức. Nhưng đây đồng thời cũng là cơ hội thể hiện bản lĩnh, tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm dấn thân của đội ngũ cán bộ các cấp.

Lãnh đạo huyện Mê Linh thăm hỏi, động viên người dân xã Thanh Lâm tại điểm chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Lãnh đạo huyện Mê Linh thăm hỏi, động viên người dân xã Thanh Lâm tại điểm chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Bám dân, sát cơ sở

Là một trong 7 quận, huyện có dự án Vành đai 4 đi qua, huyện Mê Linh phải giải phóng mặt bằng đoạn tuyến có chiều dài 11,2km, với tổng diện tích khoảng 140ha. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, các công việc liên quan được triển khai theo đúng tiến độ của thành phố và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, UBND huyện và Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện đã ban hành 57 văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của dự án. Với tinh thần bám dân, sát cơ sở, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án của huyện đã tổ chức 12 buổi họp với nhân dân 5 xã có dự án đi qua để thông tin, tuyên truyền và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong triển khai Vành đai 4.

UBND huyện cũng đã phát 600 cuốn tài liệu về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gửi đến thành viên Ban Chỉ đạo, UBND 5 xã, các thôn và từng hộ dân có đất thu hồi phục vụ dự án. Đến nay, huyện đã tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được 30,8ha trên tổng số 120,3ha đất nông nghiệp (đạt 25,6% diện tích); hoàn thành di chuyển 370/370 ngôi mộ thuộc chỉ giới đường đỏ của dự án và khu tái định cư.

Bà Đỗ Thị Thuần (thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) cho biết: "Gia đình có hơn 200m2 đất nông nghiệp trong chỉ giới đường đỏ của Vành đai 4. Ngay sau khi được các cấp, các ngành tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường, gia đình đã sớm di dời toàn bộ cây trồng, bàn giao đất cho Nhà nước và có đơn xin nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng trong đợt đầu tiên”.

Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm Nguyễn Văn Giỏi chia sẻ, thực hiện sự chỉ đạo của thành phố và huyện, Đảng ủy, UBND xã phân công cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ xã, thôn xuống từng hộ gia đình phải thu hồi đất để tuyên truyền, vận động người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của Vành đai 4 và những chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đến nay, 100% hộ dân của xã đồng thuận, ký cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ; 221/221 hộ có đơn xin nhận kinh phí hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng ngay trong đợt 1.

Cùng với Mê Linh, các quận, huyện có dự án Vành đai 4 đi qua cũng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Là huyện có 17,1km tuyến đường đi qua, dài nhất trong 7 quận, huyện của Thủ đô, Hoài Đức đã kê khai, kiểm đếm 99,62ha, của 3.522 hộ có đất nông nghiệp; đã niêm yết dự thảo phương án 78,89ha, của 2.770 hộ, với số tiền 830 tỷ đồng; đã phê duyệt và thu hồi đất được 51,12ha. Đã có 1.904 hộ nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng với số tiền 520,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đã di dời được 1.357/2.342 ngôi mộ... Dự kiến, đến hết tháng 6-2023, Hoài Đức sẽ giải phóng mặt bằng được 196,8ha, đạt 82,1%, vượt tiến độ đề ra...

Tại khu nghĩa trang thôn Bồng Lai (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng), hơn 400 ngôi mộ rải rác trong khu vực giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 đã được chuyển về sắp xếp thành hàng lối đều tăm tắp. Trong khi các gia đình đang thực hiện những nghi lễ cần thiết để yên vị phần mộ người thân ở bên này, phía đầu kia của nghĩa trang, công nhân, máy san gạt cũng mải miết làm việc để sớm có thêm mặt bằng sạch. Trưởng thôn Bồng Lai Doãn Văn Dũng cho biết, một trong những bài học kinh nghiệm rất hay là huyện đã chỉ đạo tổ chức một khóa lễ chung rất chu đáo cho các gia đình có phần mộ người thân thuộc diện di dời. Ngay sau khóa lễ thì hầu như ai cũng đồng thuận, yên tâm.

Trong khi đó, huyện Sóc Sơn cũng kịp thời chuẩn bị mặt bằng tại các nghĩa trang xã Thanh Xuân, Tân Dân, phục vụ di chuyển khoảng 900 ngôi mộ ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Đến nay, huyện đã di chuyển cơ bản xong phần mộ… Huyện Thanh Oai cũng đạt tỷ lệ di chuyển mộ trên 80%. Tất cả đều nhờ cách làm bài bản, tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân...

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân

Để có được những kết quả khả quan và hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng khối lượng lớn phục vụ dự án Vành đai 4, các quận, huyện liên quan đều đã dốc toàn bộ lực lượng mạnh nhất để phục vụ dự án, đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất những nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhìn chung, với cách làm bài bản, biện pháp triển khai đồng bộ, toàn diện; cơ chế chính sách công khai, minh bạch; cán bộ vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân.

Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, để có được sự đồng thuận nhất trí cao của nhân dân trong việc đồng thuận bàn giao mặt bằng, bản thân Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện hầu như không tuần nào không có mặt ở cơ sở, vừa đôn đốc, vừa kịp thời chia sẻ, động viên, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Hiện Mê Linh đang gấp rút hoàn thiện dự án hạ tầng kỹ thuật của 4 nghĩa trang nhân dân nhằm phục vụ dự án. Đối với 3 khu tái định cư, huyện chủ trương xây dựng hạ tầng khang trang, hiện đại và đồng bộ. Ngoài các hạng mục chính, sẽ nghiên cứu thêm các hạng mục cây xanh, công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe… và thực hiện công khai tới người dân để các hộ thuộc diện phải thu hồi đất sẽ đồng thuận di chuyển về nơi ở mới.

Tại huyện Thanh Oai, UBND huyện và các đơn vị chức năng đã tổ chức hội nghị công khai các văn bản pháp lý thực hiện dự án; tuyên truyền phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đến các hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tại 6 xã có dự án đi qua.

Các địa phương cũng rất chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện đã đề nghị thành phố cho phép huyện chủ động thu hồi diện tích đất méo, khó canh tác còn lại dưới 50m2 của người sử dụng đất nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng theo kết quả bản trích đo địa chính thửa đất đã lập trong hồ sơ dự án; cho phép sử dụng kinh phí của Hội đồng giải phóng mặt bằng để chi cho hoạt động của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Vành đai 4 của huyện…

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cũng thông tin, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn thường xuyên nắm tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân; tăng cường tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân để lắng nghe kiến nghị, phản ánh, vướng mắc của nhân dân và đề ra các giải pháp giải quyết theo thẩm quyền. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về công tác giải phóng mặt bằng.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, khoa học, hiệu quả, nhân dân tại các địa phương có đường Vành đai 4 đi qua đã đồng thuận, ủng hộ, nhất trí cao với việc triển khai dự án. Ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xâm Thị, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) chia sẻ: “Nghề nghiệp của tôi thường xuyên phải lái xe trong nội đô và cả các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… và thường xuyên gặp cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại những tuyến đường nội đô, đường Vành đai 3… Tôi rất mong Vành đai 4 sớm được khai thác”, ông Nguyễn Văn Đức nói.

Là cấp chính quyền gần dân nhất, Chủ tịch UBND xã La Phù (huyện Hoài Đức) Nguyễn Hữu Khoa cũng cho biết, quá trình tuyên truyền, vận động người dân bàn giao đất phục vụ thi công Vành đai 4 tại địa phương thời gian qua có nhiều thuận lợi bởi đa số người dân đều mong chờ đẩy nhanh tiến độ, để tuyến đường hiện đại này sớm thành hiện thực, đem lại cơ hội mới phát triển kinh tế - xã hội...

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, trong đó không thể không nhắc tới vai trò của cán bộ làm công tác dân vận đã giúp các hộ dân thuộc diện thu hồi đất đồng thuận, nhất trí cao trong việc bàn giao đất để triển khai dự án. Qua đó, đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ và mục tiêu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Từ nay đến các mốc thời gian phải bàn giao mặt bằng sạch phục vụ dự án, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận nói riêng và toàn hệ thống chính trị nói chung sẽ kiên trì lắng nghe, song hành với tuyên truyền vận động, làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân và thực hiện theo phương châm “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm”.

(Còn nữa)

Hà Vũ - Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1056212/bai-3-tinh-than-nhiet-huyet-va-trach-nhiem-dan-than