Bài 3: Thành quả lớn từ việc làm nhân văn sâu sắc (Tiếp theo và hết)

Về thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, hỏi chàng trai Hà Trung Kiên đang là học viên của Học viện Biên phòng, hầu như ai cũng biết. Bà con nói về chàng trai ấy với vẻ đầy tự hào và cảm phục.

Kiên là một trong số những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên vùng cao biên giới được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nâng bước tới trường, hiện sắp trở thành sĩ quan biên phòng.

"Quả ngọt" của Bộ đội Biên phòng

Khi tôi ngồi viết bài báo này thì nhận được tin nhắn từ Hà Trung Kiên: "Bà nội em vừa qua đời". Vậy là Kiên đã không còn người thân ruột thịt nào nữa. Kiên mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Em gái duy nhất của Kiên cũng qua đời năm 2021 do căn bệnh ung thư quái ác.

Hôm chúng tôi đến Học viện Biên phòng thấy Thượng sĩ Hà Trung Kiên đang triển khai công việc đến các đồng đội trong lớp rất chững chạc. Từ một học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới, được Đồn Biên phòng Trà Lĩnh nhận đỡ đầu, chu cấp hằng tháng, Kiên đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, hiện đang là Lớp phó Lớp cử tuyển K25 Đại học Biên phòng, chuyên ngành quản lý biên giới. Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Học viện Biên phòng nói về chàng học viên mà anh cũng coi như người cháu của mình: "Hà Trung Kiên là học viên luôn tự giác, gương mẫu trong mọi việc. Em đã vượt lên hoàn cảnh rất khó khăn để học tập giỏi, rèn luyện tốt; 3 năm liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Học viện đang đề nghị tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu của lực lượng BĐBP".

 Chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm hướng dẫn các con nuôi của đồn gấp chăn, màn. Ảnh: TRẦN ANH

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Nặm hướng dẫn các con nuôi của đồn gấp chăn, màn. Ảnh: TRẦN ANH

Trò chuyện với Thượng sĩ Hà Trung Kiên, chúng tôi cảm nhận rõ sự chững chạc và đầy nghị lực của chàng trai miền biên viễn đã phải trải qua quá nhiều đau thương mất mát, gian khổ, nhọc nhằn. Kiên chia sẻ: “Em có được ngày hôm nay là nhờ công ơn của các bác, các chú BĐBP nâng đỡ, tạo điều kiện và động lực cho em vượt lên số phận. Không chỉ chu cấp cho em ăn học, các chú, các anh, đặc biệt là bác Vượng (Trung tướng Đỗ Danh Vượng, nguyên Chính ủy BĐBP)-người trực tiếp nhận đỡ đầu em-đã trở thành chỗ dựa tinh thần giúp em vượt qua những khó khăn, thử thách”...

Khi chúng tôi hỏi về dự định tương lai, chàng học viên mang cầu vai xanh nhìn xa xăm rồi tâm sự: “Em sẽ thực hiện theo những điều mà các chú, các anh đã khuyên bảo. Trước mắt, em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để khi ra trường tiếp nối các chú, các anh bảo vệ biên cương Tổ quốc”.

Nhìn ánh mắt cương nghị, vừa sâu thẳm, trầm lắng vừa như có lửa của Kiên, tôi lại nhớ những em nhỏ là con nuôi của các đồn biên phòng ở Cao Bằng mà chúng tôi đã gặp như: Sùng Mí Lừ, Vừ Mí Lầu, Đặng Hùng Anh, Hoàng Anh Tú, Vàng A Dè, Vàng A Hùng... Những đổi thay và kết quả mà các em đang có chính là "quả ngọt" mà BĐBP đã góp phần quan trọng chăm sóc, vun trồng, giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn để có tương lai tươi sáng.

Chung tay vì thế vững biên cương

Chuyến công tác tại vùng biên giới Cao Bằng của chúng tôi đúng thời điểm các đồn biên phòng đồng loạt tổ chức những hoạt động thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Như vậy là từ hiệu quả của Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” do BĐBP triển khai và tiếp tục thực hiện, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” sẽ mở rộng phạm vi, quy mô, thêm nhiều nguồn lực giúp học sinh dân tộc thiểu số ở vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn.

Thượng tá Lương Tuấn Long, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Cao Bằng hào hứng chia sẻ: "Để phát huy hiệu quả của Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” thì cán bộ, chiến sĩ BĐBP không chỉ nuôi dưỡng, hỗ trợ các cháu trong học tập mà còn thường xuyên quan tâm dạy dỗ, giáo dục, uốn nắn các cháu để hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống tốt; bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Đây sẽ là những hạt giống trong Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên cương".

Chị Lục Thị Hòa, cô ruột của cháu Lục Hồ Điệp, con nuôi của Đồn Biên phòng Trà Lĩnh, học sinh lớp 6, Trường Tiểu học Hùng Quốc, thị trấn Trà Lĩnh xúc động tâm sự khi nhận chiếc xe đạp và dụng cụ học tập do Đồn Biên phòng Trà Lĩnh trao tặng: “Cháu Điệp rất thiệt thòi khi không còn bố mẹ. Được các chú BĐBP nuôi dưỡng, lại được tặng xe đạp, quần áo, dụng cụ, sách vở học tập, tôi đến đơn vị tham dự chương trình, thấy cháu mình khôn lớn, trưởng thành hơn nhiều nên rất mừng cho cháu. Người dân chúng tôi chỉ mong chương trình nhân văn này giúp đỡ được nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa, để các cháu được đến trường, được học tập và trưởng thành”.

Nói về Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, Trung tướng Đỗ Danh Vượng, nguyên Chính ủy BĐBP, người đã góp phần quan trọng thúc đẩy lan tỏa chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, chia sẻ: “Nâng bước em tới trường” được bắt đầu nhân rộng trong BĐBP tỉnh Cao Bằng từ năm 2015 dưới hình thức cán bộ, chiến sĩ BĐBP quyên góp, hỗ trợ tiền để giúp các cháu có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học tập; mỗi đồng chí chỉ huy BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu ít nhất một cháu với số tiền chu cấp hằng tháng là 500.000 đồng và cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị thì tùy khả năng. Sau đó, thấy nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không còn người nuôi dưỡng, một số đồn biên phòng đề nghị cấp trên cho phép đón các cháu về đơn vị nuôi dưỡng, gọi là "Con nuôi đồn biên phòng". Rồi Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” được triển khai nhân rộng trong toàn lực lượng BĐBP, tính đến nay, trung bình mỗi năm nhận đỡ đầu, hỗ trợ gần 3.000 học sinh và trực tiếp nuôi dưỡng gần 400 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các đồn biên phòng. Đây là một trong những việc rất thiết thực của BĐBP nhằm tri ân đồng bào vùng biên giới, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" và tạo nguồn nhân lực xây dựng, bảo vệ biên cương”.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh trao xe đạp và chăn, màn tặng các cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: TRẦN ANH

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh trao xe đạp và chăn, màn tặng các cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ảnh: TRẦN ANH

Trong những năm qua, hiệu quả của Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương đánh giá rất cao. Đồng chí Phùng Khánh Tài, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là chăm lo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, biên giới, nơi có nhiều khó khăn. Qua đây thể hiện vai trò, trách nhiệm, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, góp phần lan tỏa phong trào cả nước cùng chung tay, góp sức xây dựng và bảo vệ biên cương Tổ quốc, giữ vững "thế trận lòng dân" trên địa bàn biên giới.

TRẦN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-3-thanh-qua-lon-tu-viec-lam-nhan-van-sau-sac-tiep-theo-va-het-720228