Bài 3: So sánh mức độ phản ánh sát với tình hình thực tế

Nghiên cứu phân tích báo cáo kinh tế - xã hội để chuẩn bị tham gia thảo luận những nội dung của báo cáo mà đại biểu thấy cần thể hiện quan điểm của mình. Dù ở góc độ nào, cũng cần chuẩn bị lý lẽ xác đáng, có sức thuyết phục để làm rõ chính kiến. Nên tự mình hệ thống hóa trong sổ tay, máy tính xách tay một số chỉ tiêu định lượng chủ yếu hoặc một số nhận định, đánh giá định tính 'kiểu văn bia' cố định trong báo cáo kinh tế - xã hội nhiều kỳ họp để so sánh mức độ phản ánh sát với tình hình thực tế đến đâu.

Bài 1: Đánh giá hiệu quả thực sự của chính sách an sinh xã hội
Bài 2: Cần thiết kiểm tra thực tế tại hiện trường

Cử tri huyện Gia Lộc, Hải Dương kiến nghị trong một buổi tiếp xúc với đại biểu dân cử

Đó là chia sẻ của Thường trực HĐND huyện Gia Lộc, Hải Dương về kinh nghiệm nghiên cứu, đánh giá, phân tích báo cáo kinh tế - xã hội của UBND huyện về y tế, dân số, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

“Cảm biến” phát hiện nhanh những thông tin có vấn đề

Theo Thường trực HĐND huyện Gia Lộc, trước hết, đại biểu HĐND cần đọc lại Nghị quyết về kinh tế - xã hội mà HĐND đã ban hành để nắm rõ nội dung chính của nghị quyết, để có sẵn thông tin đối ứng với vai trò như những “cảm biến” nhằm phát hiện nhanh những thông tin có vấn đề trong báo cáo của UBND. Kiểm chứng những thông tin đó, đại biểu HĐND chỉ cần đối chiếu với nội dung liên quan trong nghị quyết là có được những kết luận cần thiết cho mình. Đọc nhanh báo cáo của UBND đối với các lĩnh vực y tế, dân số, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ghi chép lại những thông tin nổi bật và mình quan tâm, hoặc so sánh với nghị quyết thấy có vấn đề làm cơ sở để cân nhắc lựa chọn vấn đề chuẩn bị thảo luận.

Đọc kỹ báo cáo của UBND đối với các lĩnh vực y tế, dân số, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tập trung vào những thông tin nổi bật đã ghi chép hoặc so sánh với nghị quyết thấy có vấn đề. Tập trung vào phần đánh giá kết quả tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của HĐND và phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo. Cụ thể như: tập trung nghiên cứu, phân tích những thông tin quan trọng trong báo cáo của UBND. Đó là những nhận định, đánh giá tổng thể, nhận định đánh giá cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định như: công tác chỉ đạo, triển khai, kết quả thực hiện đối với các lĩnh vực xã hội nêu trên.

Chọn vấn đề cử tri đang bức xúc, có yếu tố bất thường

Các lĩnh vực y tế, dân số, lao động, thương binh và xã hội có phạm vi rất rộng, điều đó vừa dễ lại vừa khó cho đại biểu HĐND khi lựa chọn vấn đề để tham gia thảo luận. Đối với những đại biểu HĐND không được đào tạo về các chuyên ngành xã hội, y tế, việc lựa chọn vấn đề để tham gia thảo luận tại tổ hoặc phiên họp toàn thể về kinh tế - xã hội cần có sự cân nhắc, có thể theo một số nguyên tắc: Hiểu rõ về vấn đề mình lựa chọn (sở trường là tốt nhất), mục đích mong muốn của mình đạt được là gì? Có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn bảo đảm cho việc nêu vấn đề, phân tích lý lẽ (nghiên cứu để nắm chắc quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật và tình hình vấn đề mình quan tâm đang diễn ra trong thực tiễn thế nào?).

Thường trực HĐND huyện Gia Lộc nhấn mạnh: nên chọn vấn đề cử tri đang bức xúc, vấn đề có yếu tố bất thường so với nghị quyết của HĐND, hoặc vấn đề không đạt được như nghị quyết nhưng cách giải trình nguyên nhân trong báo cáo không thỏa đáng, không thuyết phục, không xác định rõ địa chỉ và trách nhiệm. Chọn cách nêu vấn đề và dẫn dắt vấn đề khi thảo luận nên hướng vào vai trò quản lý, trách nhiệm chính trị của chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND, không nên chọn vấn đề quá cụ thể, đòi hỏi chuyên môn sâu mà mình không nắm được.

Nghiên cứu phân tích báo cáo kinh tế - xã hội để chuẩn bị tham gia thảo luận (thực chất là thực hiện vai trò giám sát, phản biện) những nội dung của báo cáo mà bản thân thấy cần thể hiện quan điểm với các góc độ tán thành, không tán thành, hoặc chỉ tán thành một phần. Dù ở góc độ nào, cũng cần chuẩn bị lý lẽ xác đáng, có sức thuyết phục để làm rõ chính kiến của mình. Nên tự mình hệ thống hóa trong sổ tay, máy tính xách tay một số chỉ tiêu định lượng chủ yếu hoặc một số nhận định, đánh giá định tính “kiểu văn bia” cố định trong báo cáo kinh tế - xã hội nhiều kỳ họp để có sự so sánh xem mức độ phản ánh sát với tình hình thực tế đến đâu.

Bằng cách này, nhiều đại biểu HĐND đã phát hiện những nhận định, đánh giá có tính ổn định cao đến mức nhiều kỳ họp không hề thay đổi một chữ nào, hoặc còn phát hiện những nội dung được “cắt dán” từ những năm trước nay đã không còn phù hợp mà chưa chỉnh sửa. Tự trang bị cho mình sự nhạy cảm bằng trực giác mách bảo khi đọc đến những thông tin, số liệu trong báo cáo có yếu tố “độc và lạ”, yếu tố gây bất ngờ khó hiểu, ví dụ không có giải pháp cụ thể nào cho các lĩnh vực xã hội: y tế, lao động thương binh xã hội…

Sau khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá đối với các lĩnh vực y tế, dân số, lao động, thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong báo cáo kinh tế - xã hội của UBND, đại biểu HĐND cần đưa ra được những kiến nghị giải pháp cụ thể rõ ràng, khả thi để UBND cùng cấp tiếp thu, chỉnh sửa báo cáo, làm cơ sở để HĐND huyện ban hành nghị quyết bảo đảm khả thi, góp phần quan trọng vào thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội ở địa phương.

THÁI HÒA

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-3%C2%A0so-sanh-muc-do-phan-anh-sat-voi-tinh-hinh-thuc-te-i310143/