Bài 3: Nhiều bài học kinh nghiệm quý giá

Lần đầu tiên được thực hiện thí điểm tại thành phố, Nghị quyết số 97/2019/QH14 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Dù khó tránh khỏi nhưng HĐND thành phố Hà Nội lại đánh giá đây chính là những bài học kinh nghiệm quý giá để HĐND các cấp thành phố khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Triển khai công việc gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, mặc dù số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách được bố trí đủ theo quy định, tuy nhiên, con số này còn chiếm tỷ lệ thấp ở cả 3 cấp; trong đó, có một số địa phương chưa bố trí đủ theo quy định. Đồng thời, tỷ lệ Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND tham gia cấp ủy còn thấp; một số đại biểu HĐND cấp huyện chưa chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động, còn nể nang, ngại va chạm; hoạt động chất vấn ở một số nơi chưa nhiều, hiệu quả chưa cao...

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng phải tập trung chỉ đạo, điều hành giải quyết triệt để, có hiệu quả những kiến nghị chính đáng của cử tri, thẳng thắn đối thoại về những vấn đề còn bất cập, chưa được giải quyết

Đáng chú ý, hoạt động của HĐND ở một số địa phương chất lượng vẫn chưa cao. Hoạt động giám sát của HĐND cấp xã còn có những hạn chế, mà nguyên nhân một phần do cơ cấu đại biểu kiêm nhiệm nên tổ chức Đoàn giám sát còn khó khăn, hiệu quả giám sát chưa cao. "Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở một số đơn vị còn chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, chưa thật sự quyết liệt trong việc đôn đốc việc thực hiện các kết luận giám sát, thực hiện các kiến nghị của cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố chỉ rõ.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị báo cáo, hồ sơ tài liệu, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND gửi tới Thường trực HĐND, các ban HĐND, đại biểu HĐND có những thời điểm chưa đảm bảo; công tác thẩm tra của các Ban HĐND có lúc còn bị động; thời gian nghiên cứu báo cáo và hoạt động thẩm tra chưa nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra. Trong khi đó, tính chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều đại biểu HĐND còn hạn chế, một số đại biểu chưa phát huy được trách nhiệm của mình trước cử tri.

"Đặc biệt, công tác tiếp công dân của các đại biểu HĐND tại một số đơn vị tại các phường hiệu quả chưa cao. Một số Tổ đại biểu HĐND quận chưa chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, nhất là trong việc tổ chức giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường", bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội; việc không tổ chức HĐND cấp phường và giảm số lượng đại biểu HĐND quận xuống còn 35 đại biểu nên HĐND một số quận cũng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, các quy định pháp luật về tổ chức và cơ chế hoạt động của HĐND các cấp còn một số hạn chế, chậm được ban hành hoặc hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi như: Quy định số đại biểu chuyên trách ít; số đại biểu HĐND các cấp là cán bộ công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước còn chiếm tỷ lệ lớn; các Ban của HĐND cấp tỉnh không có bộ phận giúp việc ổn định, chuyên sâu (chuyên viên vừa giúp việc cho Văn phòng, vừa giúp việc cho các Ban)...

Đáng chú ý, xuất phát từ tính đại diện (đại biểu HĐND được phân bổ theo cơ cấu) nên năng lực, trình độ một số đại biểu còn có những hạn chế nhất định. Số lượng, chất lượng đại biểu tuy đã được nâng lên một bước nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi thực tế đặt ra.

Giải quyết triệt để những kiến nghị chính đáng của tri

Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm chính quyền đô ở Thủ đô, HĐND thành phố đánh giá quá trình thực hiện thí điểm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là ở cơ sở. Cụ thể, do khối lượng công việc của HĐND các quận, thị xã trên địa bàn Hà Nội tăng lên nhiều khi thực hiện chính quyền đô thị (tăng cường giám sát, tiếp xúc cử tri, đối thoại với nhân dân, tiếp công dân…), thế nhưng, số lượng đại biểu HĐND quận, thị xã so với nhiệm kỳ trước giảm. Đặc biệt, số lượng Phó Chủ tịch HĐND chỉ còn 1 người, do vậy nhiệm vụ của các đại biểu HĐND quận, thị xã hoạt động chuyên trách nặng nề hơn với nhiệm kỳ trước; bộ máy giúp việc HĐND quận, thị xã hiện nay còn chưa được bố trí đầy đủ, thậm chí như ở Thị xã Sơn Tây còn bố trí được Chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND chuyên trách tham mưu giúp việc cho Thường trực và các Ban HĐND. "Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND quận, thị xã", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố nêu rõ.

Ngoài ra, việc tổ chức hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND các phường với nhân dân ở phường chất lượng chưa cao, phần lớn mang tính kiến nghị, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp phường cũng như một số cử tri chưa nhận thức rõ những nội dung của đối thoại. Đồng thời, việc chuyển đổi công chức Đảng, đoàn thể ở phường chưa đồng bộ với chuyển đổi công chức UBND phường dẫn đến khó khăn trong công tác điều động, luân chuyển giữa cán bộ Đảng, đoàn thể với công chức UBND ở phường.

Từ những tồn tại, hạn chế, khó khăn và vướng mắc nêu trên, với vai trò là người đứng đầu Đảng đoàn HĐND thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm bước đầu vô cùng quý giá. Theo đó, sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc và là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND. "Vì vậy Thường trực HĐND các cấp phải thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, định kỳ báo cáo xin ý kiến định hướng các nội dung hoạt động lớn của HĐND", ông Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ rõ.

Ngoài ra, cần chủ động và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của HĐND theo hướng sâu sát, khoa học, hiệu quả, vì dân, sát cơ sở; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu HĐND, phát huy vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các Ban và các cơ quan của UBND. Đồng thời, cần xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ giữa HĐND, Thường trực HĐND với UBND; giữa HĐND và Ủy ban MTTQ quận, các tổ chức thành viên; điều hòa phối hợp chặt chẽ hoạt động với các Ban, tổ đại biểu HĐND.

"Đặc biệt, phải tập trung chỉ đạo, điều hành giải quyết triệt để, có hiệu quả những kiến nghị chính đáng của cử tri, thẳng thắn đối thoại về những vấn đề còn bất cập, chưa được giải quyết. Kết hợp tốt giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để HĐND nâng cao quyền hạn của mình và phát huy quyền làm chủ của nhân dân", Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/bai-3-nhieu-bai-hoc-kinh-nghiem-quy-gia-i326048/