Bài 2- Tích cực gỡ khó

Để xảy ra cháy lớn tại các quán karaoke, quán bar, vũ trường… cướp đi sinh mạng của nhiều người, lỗi trước hết là do chủ cơ sở thiếu quan tâm, không tuân thủ đầy đủ quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, có những quy định 'như trên trời rơi xuống'. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa lường trước những vấn đề có thể phát sinh khi áp dụng, thiếu kiểm tra, giám sát, hướng dẫn.

Liên tục xử phạt cơ sở hoạt động “chui”

Theo nhận định, việc ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về PCCC đã mang đến những kết quả tích cực như giảm thiểu rủi ro, tăng tính an toàn về cháy nổ, nâng cao ý thức trách nhiệm, người đứng đầu… Tuy nhiên bên cạnh đó cũng xuất hiện bất cập, gây khó khăn cho chính cả lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn chủ cơ sở khắc phục theo quy chuẩn.

Đơn cử như các quy chuẩn đối với cơ sở karaoke thay đổi liên tục bắt nguồn từ thực tế xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Việc ban hành nhiều quy chuẩn, quy định bảo đảm an toàn phòng cháy áp dụng cho cơ sở karaoke đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở. Nguyên nhân một phần do cách hiểu khác nhau dẫn đến sự so sánh giữa loại hình này và loại hình khác, địa phương này với địa phương khác.

Ví như Bộ Xây dựng ban hành 2 quy chuẩn, tiêu chuẩn đó là QCVN 06:2022/BXD và QCVN 389:2023/BXD về trang bị phương tiện PCCC. Từ đó gây ra nhiều khó khăn cho các đối tượng, doanh nghiệp, cơ sở chịu sự tác động. Việc hướng dẫn ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn do các bộ chuyên ngành xây dựng song việc thực hiện lại do Bộ Công an triển khai.

Cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản các cơ sở với một số lỗi như: Không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC; hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện; không thực hiện văn bản yêu cầu về PCCC và CNCH của cơ quan có thẩm quyền. Số tiền nộp phạt lỗi nhẹ thì vài triệu, còn lỗi nặng thì đến cả chục triệu đồng.

Theo thống kê từ tháng 9/2022 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cùng Công an các huyện, TP đã kiến nghị UBND cùng cấp ra quyết định xử phạt hàng chục cơ sở cố tình hoạt động chui, tổ chức cho khách hát trong khi phải tạm dừng hoạt động theo quy định. Ngày 6/3, Công an huyện Việt Yên phát hiện cơ sở karaoke Tôm, ở tổ dân phố Vàng, thị trấn Bích Động (Việt Yên) có 1 phòng đang cho khách hát, trong khi cơ sở này đã nhận được Công văn kiến nghị yêu cầu dừng hoạt động. Cơ sở bị xử phạt 5 triệu đồng.

Trước đó, ngày 27/2, cơ sở karaoke Milano 2, ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) bị xử phạt 40 triệu đồng vì thời điểm kiểm tra có 2 phòng đang có khách hát. Công an huyện đã lập biên bản vi phạm về lỗi “Không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC”.

Chị Nguyễn Thị V (đồng chủ cơ sở karaoke Milano 2) ngậm ngùi: “Nếu không mở cũng chẳng có tiền tiêu nên đành mở chui. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào quán karaoke này thôi”. Từ năm 2022 đến nay, Công an huyện Việt Yên đã kiến nghị xử phạt 10 cơ sở karaoke do không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC.

Có thể khẳng định nhu cầu ca hát, giải trí của người dân luôn có song cả tỉnh mới có 13 cơ sở karaoke (vừa được bổ sung 6 cơ sở) được hoạt động kéo theo nhiều hệ lụy. Hát “chui” và phục vụ “hát chui” thì bị xử phạt; bật âm ly, loa đài hát tại nhà thì gây phiền hà tới cuộc sống của hàng xóm, người xung quanh và cũng có nguy cơ bị “phạt”.

Ông Lê Văn Tấn, thôn Mã Tẩy, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) sống gần cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Hằng Nga phản ánh: Từ khi quán Hằng Nga khai trương, gia đình ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tiếng ồn phát ra từ phòng trà dạng karaoke “Hát cho nhau nghe”. Theo ông, tiếng ồn cả ngày lẫn tối bất kể lúc nào, thỉnh thoảng lại còn tăng cường độ “đinh tai, nhức óc”. Các cháu ông không thể nào tập trung học tập, phải sơ tán vào trong làng. Ông phải làm đơn nhờ cơ quan chức năng can thiệp để cơ sở giảm tiếng ồn từ phòng hát karaoke.

Linh hoạt trong thiết kế nhưng không hợp thức hóa sai phạm

Ngay sau khi kiểm tra, rà soát, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH toàn tỉnh đã tăng cường về địa bàn, bám sát cơ sở, liên tục tổ chức các hội nghị nhằm tư vấn, hướng dẫn và gỡ khó cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Thực tế sau khi rà soát, tháo gỡ những vướng mắc đã có thêm 6 cơ sở được cấp phép hoạt động trở lại.

Sau khi được hướng dẫn, cơ sở karaoke V10 Group ở tổ dân phố Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đủ điều kiện an toàn về PCCC, được phép hoạt động trở lại.

Phân tích và tháo gỡ những khó khăn, Trung tá Nguyễn Ngọc Quyết, Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) thông tin: Ngày 11/4, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) đã thống nhất với Bộ Xây dựng về một số nội dung áp dụng QCVN 06:2022/BXD và có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở ở địa phương. Đồng thời thống nhất cách hiểu về các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo đảm an toàn phòng cháy áp dụng cho cơ sở karaoke.

Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh, cán bộ đơn vị đã trực tiếp chỉ ra những điểm còn tồn tại cần khắc phục; hướng dẫn cụ thể dựa trên từng bộ hồ sơ, thiết kế; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng có lợi nhất cho cơ sở, doanh nghiệp.

6 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke mới được phép hoạt động trở lại gồm: Karaoke Hương Quê ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam); Karaoke Huyền Trang 2 ở xã Tiền Phong (Yên Dũng); Karaoke Việt Tiến ở xã Việt Tiến, Karaoke Paris (8X) ở thị trấn Nếnh, Karaoke Vĩnh Phát ở thị trấn Bích Động, Karaoke Viva ở xã Vân Trung (cùng huyện Việt Yên).

Đối với các công trình đã được góp ý thiết kế, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.

Công an tỉnh cũng đã gửi ý kiến lên Bộ Xây dựng đề nghị chỉnh sửa quy định liên quan. Bởi lẽ nếu như theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các khoang cháy phải có lối thoát nạn độc lập, cho phép không quá 50% lối thoát nạn dẫn vào khoang cháy lân cận, qua đó giảm số lối thoát nạn của nhà.

Quy định này lại áp dụng cho các công trình có quy mô nhỏ (cao không quá 15 m, diện tích không quá 300 m2 hoặc cao 21 m, diện tích không quá 200 m2), số người mỗi tầng không quá 20 người. Quy định này được cho là chưa phù hợp với các cơ sở karaoke. Công an tỉnh đã gửi kiến nghị lên Bộ Công an đề nghị phối hợp với Bộ Xây dựng sớm sửa đổi, có hướng dẫn cụ thể.

Còn đối với các vật liệu hoàn thiện trên đường thoát nạn, gian phòng sử dụng chung, Công an tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư sử dụng các vật liệu được nhà sản xuất công bố hợp chuẩn hoặc thử nghiệm đạt yêu cầu để sử dụng chung cho nhiều công trình, không yêu cầu phải có thử nghiệm tính nguy hiểm cháy cho vật liệu hoàn thiện riêng cho từng công trình. Tài liệu thử nghiệm chứng minh vật liệu của các gian phòng hát đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cần tương ứng với thời điểm cơ sở thẩm duyệt, đưa vào sử dụng.

Ví dụ cơ sở đã thẩm duyệt, hoạt động trước thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực thì chỉ yêu cầu chứng minh là vật liệu khó cháy, không yêu cầu chứng minh cấp nguy hiểm cháy theo QC 06:2022. Về nội dung này, Công an tỉnh đã thông báo công khai danh sách 4 đơn vị đủ điều kiện, chức năng kiểm định vật liệu trang trí nội thất, cách âm bảo đảm các quy định về an toàn PCCC để các chủ cơ sở tham khảo.

Thượng tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: Đối với những cơ sở có tồn tại, vi phạm khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đưa vào hoạt động thì hướng dẫn cơ sở áp dụng quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng có lợi cho cơ sở để sửa chữa. Sau khi khắc phục xong, chủ cơ sở gửi văn bản kèm báo cáo (hồ sơ, bản vẽ thiết kế, hoàn công, tài liệu liên quan) để cơ quan chức năng kiểm tra xác nhận kết quả.

Thiết nghĩ việc siết chặt quản lý, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC đối với các cơ sở dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường là rất cần thiết cho dù có tốn kém, có phải đập bỏ những cơ sở chưa bảo đảm vì sự an toàn tính mạng của con người. Bên cạnh đó cần có các quy định phù hợp với thực tiễn, dễ áp dụng, công trình nào đã quá xuống cấp không thể đáp ứng yêu cầu thì kiên quyết không được xét duyệt, không cho tồn tại vì thực tế các công trình đó đã không an toàn với người sử dụng.

Với các công trình khác thì cần nghiên cứu cách thức như tinh thần công điện 220 của Thủ tướng Chính phủ, đó là bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động kinh doanh. Cùng đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: Thu Phong - Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/404741/bai-2-tich-cuc-go-kho.html